Nỗi niềm sống chung với em gái chồng ly hôn

Thái Thị Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hôm đó, trong bữa cơm tối, mẹ chồng tôi đột ngột thông báo: “Từ ngày mai, 3 mẹ con em Mai sẽ về nhà mình ở. Vợ chồng em Mai đã hoàn tất thủ tục ly hôn. Tạm thời em về nương nhờ nhà bố mẹ. Có gì các con đỡ đần, chia sẻ khó khăn với em”.

Mai là cô em chồng duy nhất của tôi. Cách đây 5 năm sau khi tốt nghiệp đại học, em lấy chồng. Đó là một anh chàng con nhà giàu, có cửa hàng lớn ở phố huyện. Tôi vẫn nhớ đã có lần hỏi em chồng: “Sao em phải cưới gấp thế. Nếu không có lý do gì đặc biệt thì cứ để thư thư đợi tới lúc có việc làm, thu nhập ổn định rồi hãy cưới. Em đừng để mình sống phụ thuộc nhà chồng, tự nhiên mình mất vị thế đi”. Nhưng Mai nói chồng sắp cưới thuộc diện “của hiếm”, nếu không nhanh chóng “úp sọt” thì dễ bị người khác giành mất.

5 năm lấy chồng, em chồng tôi chỉ ở nhà sinh con. Tôi chưa thấy em đi làm ngày nào. Ai hỏi thì em nói bố nó có đầy tiền nuôi 3 mẹ con chẳng cần phải đi làm. Tôi quan sát thấy 3 năm đầu vợ chồng em ríu rít như chim cu. Em rể cũ của tôi cũng chăm con, chiều vợ. Đến năm thứ 4, em nói chồng bận lắm nên ít về nhà ngoại hơn. Năm nay, tôi chỉ thấy em cứ qua nhà, thủ thỉ với mẹ chồng tôi suốt. Riêng việc vợ chồng em lục đục tới mức ly hôn thì tôi hoàn toàn không biết gì cho tới khi nghe mẹ thông báo.

Vợ chồng tôi sống cùng nhà với mẹ chồng. Ngôi nhà do ông bà tạo dựng từ thời trẻ. Vì thế, tôi không có lý do gì ngăn cản em chồng đưa con về ở cùng, nhất là bây giờ em lại còn rơi vào tình cảnh như thế. Hôm đó, tôi thu dọn phòng ở của hai con về phòng mình để cho 3 mẹ con em chồng ở. Trước đây, căn phòng đó vốn cũng là của em chồng. Sau khi em lấy chồng, tôi mới cho các con ra ngủ riêng. Bây giờ, 4 người lại co lại trong 1 phòng kể cũng hơi chật nhưng tôi thấy vẫn vui vẻ.

Nỗi niềm sống chung với em gái chồng ly hôn - ảnh 1
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, từ ngày nhà có thêm 3 nhân khẩu thì mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh, nhất là từ cách sinh hoạt, ứng xử theo tôi là quá vô tư của cô em chồng. Bình thường, khi chưa có em chồng về ở, mẹ chồng tôi là người đi chợ còn tôi lo việc cơm nước. Nhà toàn người lớn, hai đứa con của tôi tuy nhỏ nhưng được nết ăn tốt, dễ tính nên tôi nấu gì ăn nấy. Cơ quan tôi vốn ở xa, thường phải 6, 7 giờ tối mới về đến nhà. Tôi chỉ kịp thay bộ quần áo đi làm ra là xuống bếp nấu cơm.

 Đến 8 giờ tối là cả nhà vào bàn, tôi lại lo dọn rửa bát. Tuy nhiên, đó là lúc trước, bây giờ, có thêm 3 miệng ăn nữa, việc nấu ăn không còn đơn giản. Các cháu chồng quen cảnh ở nhà nội ăn uống cảnh vẻ, phải có chế độ ăn riêng, nên bây giờ vào mâm chung với cả nhà tôi thì cứ lắc đầu nguầy nguậy không ăn món nọ, món kia. Mấy bữa thấy cháu ăn không ngon miệng, mẹ chồng tôi lại quay sang trách tôi vô tâm, lần sau nấu cơm thì phải để ý nấu riêng thức ăn cho các cháu. Trong khi đó, tôi chỉ có hơn 1 tiếng buổi tối vào bếp, sau cả một ngày dài đi làm, tôi không thể có thời gian và sức lực để nấu nhiều chế độ.

Thật lạ, em chồng tôi ở nhà, nhưng không tự xuống bếp chế biến thức ăn cho con mình, chứ chưa cần nấu cho người khác. Lúc tôi nói ra điều ấy thì mẹ chồng tôi tức giận, bảo tôi làm chị mà tị nạnh với em. Nhà chỉ cần một người làm chủ bếp thôi, nếu ai ăn người đó nấu thì sẽ mất đoàn kết.

Thế rồi lời của tôi đến tai em gái chồng. Chẳng hiểu em nói thế nào mà chồng tôi cũng lại phê bình tôi. Anh bảo, em chồng tôi đang buồn chuyện ly hôn. Giờ, tôi cũng chỉ là nấu thêm thức ăn cho hai cháu nhỏ, có gì to tát đâu mà không làm được. Tôi lại là dâu trưởng, là chị trong gia đình thì hy sinh một chút cũng chẳng sao. Thế là cuối cùng, tự nhiên, trong mắt mọi người, tôi lại trở thành người nhỏ nhen, hay chia việc.

Được mẹ và anh trai ủng hộ, từ ngày về ở chung, em gái chồng tôi cho mình quyền đóng vai “khách” trong nhà. Em rảnh rỗi nhưng thấy nhà bẩn không cầm chổi quét, coi như không phải việc của mình. Quần áo phơi ngoài ban công, mưa gió tôi chưa kịp cất em chồng cũng mặc kệ. Cơm nước đã có tôi nấu, ăn xong, em lấy cớ kèm con học để đưa con lên phòng. Tôi vốn là người ăn sau cùng nên nghiễm nhiên thành người dọn rửa. Mẹ chồng tôi thì lúc nào cũng có câu: “Dù sao, đây cũng là nhà của con thì con phải chăm lo. Còn em chồng thì chỉ ở nhờ một thời gian, khi nào có nhà riêng thì mẹ con nó sẽ chuyển đi. Việc trước thế nào việc sau thế vậy, con vẫn làm từng đấy việc trong nhà thì cứ làm thôi”.

Nỗi niềm sống chung với em gái chồng ly hôn - ảnh 2
Ảnh minh họa

Tôi muốn em chồng chia sẻ việc nhà, không phải vì suy bì, tị nạnh mà là để em biết quan tâm đến mọi người, có trách nhiệm với việc chung. Tất nhiên là em chồng tôi ly hôn là chuyện buồn, người thân trong gia đình chia sẻ với em. Nhưng, em không thể cứ mãi nghĩ mình là “nạn nhân” đòi hỏi người khác phải quan tâm, chăm sóc em được.

Mỗi buổi sáng, tôi phải chứng kiến em chồng lành tay khỏe chân cứ ôm con nằm ngủ nướng trên giường, còn mẹ chồng tôi vất vả đi chợ, tay xách nách mang. Trong chiếc làn của bà, ngoài ít thịt cá cho gia đình chung, còn chủ yếu là đồ ăn cho con gái và cháu ngoại. Hôm nào, bà cũng cầu kỳ mua món nọ, thức kia. Nếu con và cháu không thích, bà lại lật đật chạy đi mua món khác thế vào. Chiều đến, cũng lại bà lo đưa đón, rồi tắm cho các cháu ngoại sạch tinh tươm, trong khi mẹ nó vẫn đấy mà cứ kệ cho bà làm.

Hàng tháng, vợ chồng tôi vẫn đóng góp tiền sinh hoạt phí cho mẹ  chồng. Bà có chút lương hưu chứ chẳng dư dả gì. Từ ngày dọn về nhà, 3 mẹ con em chồng cứ bám lấy mẹ theo kiểu “nhà của mẹ, mẹ cho ở, mẹ cho ăn”.  Mẹ con em chồng xài điện, nước, gas đâu có ít. Cả tháng, dù trời nóng hay dịu mát, mấy mẹ con vẫn cứ bật điều hòa cho… sướng thân. Đi đến đâu 3 mẹ con bật đèn, quạt đến đấy mà không bao giờ lo tắt đi cho tiết kiệm. Mẹ chồng tôi thi thoảng lại phải “đi tuần”, tắt điện cho con nhưng chẳng dám nhắc nhở vì sợ con cháu lại nghĩ ngợi. Bình gas trong nhà cũng chỉ loáng cái là hết vì phải hầm nào cháo, canh bổ dưỡng cho con gái, cháu ngoại. Tôi biết, mẹ chồng không chỉ tiêu hết chỗ lương hưu mà còn phải bù thêm cả tiền dưỡng già. Thương bà, thi thoảng, tôi cũng biếu bà thêm chút tiền, nói là để bà mua quà bánh nhưng thực ra là để bà bù vào khoản thiếu hụt trong nhà.

Từ ngày con gái ly hôn, đem con về nhà ngoại, mẹ chồng tôi cũng gầy sọp đi nhiều. Phần vì bà cũng thương con, phần vì bà cứ phải lo lắng đủ việc. Nhìn bà mà tôi thấy bất công quá.

Mấy tháng rồi em chồng tôi vẫn cứ nằm dài, bằng lòng với cuộc sống dựa dẫm vào mẹ mà chẳng chịu đi làm và không nghĩ tới những vất vả, phiền hà mình gây ra cho mẹ (chứ tôi không nói đến cho người khác). Tôi nhắc thì em chồng không bằng lòng, cứ một hai bảo “mẹ em thì em nương tựa, đâu có liên quan gì đến ai”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ Thủ đô cùng kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Phụ nữ Thủ đô cùng kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

(PNTĐ) - Xuân mới là dịp để các cấp Hội LHPN Hà Nội nhìn lại một năm hoạt động qua, đồng thời nỗ lực thực hiện tốt các mục tiêu đặt ra trong năm 2025. Trong đó, từng cán bộ, hội viên phụ nữ sẽ tiếp tục ra sức thi đua góp sức xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, góp phần vào sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước, sẵn sàng cùng dân tộc bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình.
Để phụ nữ bình đẳng tiến vào kỷ nguyên mới

Để phụ nữ bình đẳng tiến vào kỷ nguyên mới

(PNTĐ) - Năm 2025, tròn 30 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, phụ nữ toàn cầu nói chung và phụ nữ Việt Nam đã và đang được trao quyền nhiều hơn để phát triển bình đẳng. Tuy nhiên, để đạt được bình đẳng giới thực chất, vẫn rất cần những chương trình hành động, những cam kết đầu tư, trao quyền từ các Chính phủ, trong đó có Việt Nam để phụ nữ có cơ hội phát triển, đóng góp nhiều hơn trong kỷ nguyên mới.
“Thành công của người phụ nữ  không ở địa vị hay tiền bạc”

“Thành công của người phụ nữ không ở địa vị hay tiền bạc”

(PNTĐ) - “Thành công của người phụ nữ không phải ở địa vị, tiền bạc, quyền lực, mà thể hiện ở giá trị, nhân cách và văn hóa sống. Đặc biệt, hãy là một người phụ nữ ấm áp, đem đến sự yêu thương và lan tỏa những giá trị tích cực, tốt đẹp cho cộng đồng”, theo BTV - MC Giang Nam.
Giữ nếp nhà, giữ tinh hoa ẩm thực Hà Thành

Giữ nếp nhà, giữ tinh hoa ẩm thực Hà Thành

(PNTĐ) - Nghệ nhân Phạm Thị Tuyết (sinh năm 1953) là người sáng lập nhà hàng Ánh Tuyết, phố Mã Mây, quận Hoàn Kiếm. Bà từng được Chủ tịch nước giao nhiệm vụ phục vụ bữa ăn cho các đại biểu quốc tế dự hội nghị Apec năm 2017 tại InterContinental Đà Nẵng; giúp Văn phòng Chủ tịch nước tiếp đoàn Mỹ - Triều. Bà đạt rất nhiều huy chương, giải thưởng tại các sự kiện ẩm thực lớn và quy mô; được UBND Thành phố Hà Nội vinh danh Công dân Thủ đô Ưu tú năm 2018. Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, bà đã chia sẻ tình yêu và mong muốn của mình trong lưu giữ tinh thoa ẩm thực cổ truyền Hà Nội.