Nói với mùa thu

Việt Phương
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Em mùa thu hoa hậu của bốn mùa
Nên kiêu hãnh theo anh là có lý,
Không biết em vô tình hay cố ý?
Cứ heo may để năm tháng anh vàng.

Mưa mùa thu đầm đìa trên núi
Thiên hạ đua nhau đãi cát tìm vàng
Anh lọc mùa thu tìm em
Mẹ vá áo bằng kim
Anh vá mùa thu bằng thơ se se lạnh.

Mùa thu anh ra đi
Lời tiễn biệt khoan vào lớp học,
Trời mùa thu Hà Nội
Lỗ chỗ vết bom bi.

Đêm mùa thu chia ly
Anh chỉ muốn em nói lời tàn nhẫn,
Chiến tranh không bói được ngày về
Anh không muốn mùa thu góa bụa.

Anh lang thang trên phố lúc đang say
Phả hơi rượu vào mùa thu nồng nặc,
Mùa thu thả hơi cay vào trong mắt
Bóng những mùa thu xưa nhạt nhòa...

Em - mùa thu - hoa hậu của bốn mùa
Nên kiêu hãnh theo anh là có lý
Không biết em vô tình hay cố ý?
Cứ heo may để năm tháng anh vàng.

                                    Trần Ngọc Tuấn

Nói với mùa thu - ảnh 1
Ảnh minh họa 

LỜI BÌNH:
Mùa thu đúng là “hoa hậu của bốn mùa” như nhà thơ Trần Ngọc Tuấn đã nhắc đến rất nhiều lần trong thơ. Hoa hậu ở đây là sự kiêu sa, đằm thắm, chứ không chỉ là vẻ đẹp non nớt thuở ban đầu. Phải là người yêu mùa thu, thấm thía lắm mới gọi được ra danh xưng của mùa thu đúng như vậy. Với một giọng thơ rất nhẹ nhàng, hình ảnh mỹ lệ, bay bổng, bài thơ đã tái hiện nên cả một không gian mùa thu xứ Bắc:

Em mùa thu hoa hậu của bốn mùa
Nên kiêu hãnh theo anh là có lý,
Không biết em vô tình hay cố ý?
Cứ heo may để năm tháng anh vàng.

Mùa thu cũng chính là mùa của tình yêu, mùa của sắc vàng heo may. Cứ thế, sắc màu yêu thương “nhuộm” chúng ta theo thời gian từ lúc nào không hay. Đến khổ thơ thứ hai, mạch thơ uyển chuyển, mau lẹ mà vẫn thấu tỏ:

Mưa mùa thu đầm đìa trên núi
Thiên hạ đua nhau đãi cát tìm vàng
Anh lọc mùa thu tìm em
Mẹ vá áo bằng kim
Anh vá mùa thu bằng thơ se se lạnh.

Ở đây có một sự hoán đổi các giá trị. Từ vàng của kim tiền (Thiên hạ đua nhau đãi cát tìm vàng), đến “em”- báu vật của tình yêu (Anh lọc mùa thu tìm em) và đến thơ, thứ chỉ diệu kỳ và mùa thu se lạnh. Cứ thế lướt qua, cứ thế đan cài tạo nên một sự lấp lánh. Phải chăng, đó cũng là diện mạo của một tâm hồn đang yêu, nhìn tình yêu bằng con mắt mơ mộng, lung linh…

Nói với mùa thu - ảnh 2
Ảnh minh họa 

Nếu sau đó là hai khổ thơ đầy ắp vị cay đắng của tình yêu, của những mùa thu không hề yên ả với những: “mùa thu góa bụa”; “mùa thu nồng nặc”; “mùa thu xưa nhạt nhòa”… thì đến khổ thơ cuối đã trở lại mạch thơ ban đầu:

Em - mùa thu - hoa hậu của bốn mùa
Nên kiêu hãnh theo anh là có lý
Không biết em vô tình hay cố ý?
Cứ heo may để năm tháng anh vàng.

Vẫn là điệp khúc ấy, giai điệu ấy, tâm trạng ấy. Nàng thu - hoa hậu của bốn mùa thực sự có tình với ta hay chỉ vu vơ nhưng sau tất cả vẫn khiến chúng ta si mê, tha thiết và có đôi khi còn cả khổ đau, bất hạnh. 

Mùa thu đã thành một quy luật, cho dù biết trước “em vô tình hay cố ý” thì năm tháng tuổi trẻ vẫn nhuốm màu tương tư, nhớ thương. Đọc lại Nói với mùa thu, cảm hứng chủ đạo là một nỗi buồn man mác của thơ mùa thu nhưng vẫn bừng lên khát vọng yêu thương. Hai khổ thơ đầu và cuối tương ứng vừa như khép lại vừa như mở ra những chiều cảm xúc mới. Trong thất vọng vẫn le lói thêm những hy vọng, vừa đối nghịch vừa tương hỗ tạo nên cảm xúc của mùa thu…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.