Nữ tỷ phú tự thân giàu nhất nước Mỹ và câu chuyện truyền cảm hứng

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) - Không lớn lên nhờ thừa kế sự nổi tiếng hay tầm ảnh hưởng của cha mẹ, bà Diane Hendricks đã trải qua thời thơ ấu của mình trong một trang trại bò sữa ở Wisconsin. Bà tự xây dựng cho mình một đế chế kinh doanh và luôn hướng về những người yếu thế trong xã hội.

Vượt qua nghịch cảnh

Diane Marie Hendricks là một trong những phụ nữ quyền lực và thành đạt tại Hoa Kỳ. Cuộc đời của bà được đánh dấu bởi sự kiên nhẫn, sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp.

Bà Diane Hendricks luôn có một tinh thần làm việc tuyệt vời: Không ngại khó khăn và luôn sẵn sàng với những cơ hội. Tinh thần làm việc này của bà bắt nguồn từ cuộc sống khó khăn ngày thơ ấu ở trang trại bò sữa của gia đình.

Ngay từ năm 10 tuổi bà Hendricks đã ấp ủ giấc mơ vượt ra khỏi cuộc đời chỉ làm nông. Tuy nhiên, mọi kế hoạch đã phải tạm gác lại khi bà có con ở tuổi 17 và bị buộc thôi học. Bà kết hôn và chuyển đến Janesville, Wisconsin, cách đó hơn 300km. 3 năm sau bà ly hôn và trở thành mẹ đơn thân. Để có tiền trang trải, bà phải làm công việc phục vụ tại quán bar địa phương. Với những nỗ lực của mình, không lâu sau bà trở thành "bà trùm" bất động sản khắp miền Nam Wisconsin.

Bước ngoặt đã đến sau khi bà gặp và kết hôn với chủ thầu mái nhà Ken Hendricks vào những năm 1970. Bộ đôi này đã kết hợp tài năng lại và đồng sáng lập ra công ty vật liệu xây dựng ABC Supply ở Beloit, Wisconsin. Đến năm 1994, ABC Supply đã có 100 địa điểm. 4 năm sau, lần đầu tiên nó đạt doanh thu hàng năm hơn 1 tỷ USD.

Nữ tỷ phú tự thân giàu nhất nước Mỹ và câu chuyện truyền cảm hứng - ảnh 1
Bà Hendricks đứng trước tác phẩm điêu khắc hình lá cờ Hoa Kỳ. Ảnh: Forbes

Bà đã vượt qua nhiều khó khăn và thách thức trong việc phát triển công ty. Từ việc bán vật liệu xây dựng từ xe bán hàng, đến việc mở rộng quy mô và phân phối trên toàn quốc, Diane Hendricks luôn thể hiện sự kiên nhẫn và quyết tâm.

Sau khi chồng bà mất do tai nạn, nhiều người cho rằng bà sẽ rời khỏi lĩnh vực kinh doanh. "Một đối thủ đề nghị mua lại công ty vì nghĩ rằng, tôi là một phụ nữ và tôi sẽ chẳng thể tự điều hành công ty", bà Hendricks nói. Đó là khoảng thời gian khó khăn, không chỉ vì bà đã mất đi người chồng chung sống 40 năm, mà doanh số của công ty còn sụt giảm mạnh do thị trường bất động sản sụp đổ.

Với sự kiên định và không bỏ cuộc, bà đã nhìn thấy được các cơ hội và thực hiện thành công nhiều thương vụ mua bán để giúp ông ty trụ vững và phát triển. Những năm sau đó, bà đã chứng minh rằng di sản của mình còn vượt xa khỏi một doanh nghiệp tấm lợp mái.

Luôn hướng về những người yếu thế

Không chỉ là một doanh nhân thành đạt, bà còn là một người hùng trong cộng đồng. Bà đã đóng góp mạnh mẽ cho các dự án xây dựng cộng đồng, từ việc xây dựng nhà cho người nghèo đến việc hỗ trợ giáo dục và y tế. Bà cũng là một người ủng hộ nhiệt thành của các chương trình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em.

Theo đó, bà đã chi hàng triệu USD cho các dự án địa phương nhằm xây dựng lại những ngôi nhà bị bỏ hoang, xuống cấp, tạo ra hàng trăm việc làm mới giúp đỡ những người yếu thế có thể "an cư lạc nghiệp".

Năm 2017, bà Hendricks mở một trung tâm hướng nghiệp trong vùng, và nơi đây thường tổ chức các hội thảo để dạy cho học sinh trung học cơ sở cũng như trung học phổ thông các kỹ năng như lập trình và xây dựng, lớp học đặc biệt dành sự ưu tiên cho các trẻ em gái yếu thế. Bà cho biết chương trình này nhằm mục đích để thanh thiếu niên hiểu được "giá trị của một công việc". Bên cạnh đó, khi nhận thấy có chưa tới 20% thanh thiếu niên Beloit có thể hoàn thành các bài kiểm tra đọc viết của bang Wisconsin, bà đã giúp tài trợ cho một trường bán công trong thành phố để đào tạo các kỹ năng này.

Bà Diane Hendricks không chỉ là một biểu tượng trong ngành xây dựng của nước Mỹ, mà còn là một hình mẫu cho phụ nữ và những người muốn theo đuổi đam mê kinh doanh. Ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy", bà đã chứng minh rằng: "Với sự kiên nhẫn, tinh thần sáng tạo và lòng nhân ái, chúng ta có thể vượt qua mọi rào cản để đạt được thành công".

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cột cờ - Biểu tượng của Thủ đô văn hiến

Cột cờ - Biểu tượng của Thủ đô văn hiến

(PNTĐ) - Dọc theo dải đất hình chữ S Việt Nam từ cực Bắc ở Lũng Cú (Hà Giang), đến cực Nam ở mũi Rạch Tàu (Cà Mau), ở nơi hồn thiêng sông núi ấy có những cột cờ đánh dấu chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng, là niềm tự hào của người Việt. Ở Hà Nội cũng vậy, hình ảnh cột cờ còn là biểu tượng cho Thủ đô văn hiến, là chứng tích lịch sử của một thời giữ nước.