Ô sin bà

Lan chi
Chia sẻ

(PNTĐ) -Cạnh nhà tôi có một cặp vợ chồng trẻ mới sinh con nhỏ. Khi cô vợ bắt đầu đi làm, vợ chồng cô về quê đón bà ngoại của cô vợ lên giúp họ trông con nhỏ.

Cạnh nhà tôi có một cặp vợ chồng trẻ mới sinh con nhỏ. Khi cô vợ bắt đầu đi làm, vợ chồng cô về quê đón bà ngoại của cô vợ lên giúp họ trông con nhỏ.

Mấy tuần đầu bà đến ở, trong nhà cô lúc nào cũng như “có chuyện”. Cô cháu suốt ngày càm ràm bà của mình.

- Bà ơi, cháu đã ghi rõ lịch sinh hoạt của chắt ở đây. Bà cứ theo đó mà làm chứ không cần phải sáng tạo.

- Bà ơi, bà nấu bột thì chịu khó đổi bữa cho cháu chứ đừng kiểu đi chợ cả ngày. Sáng ăn tôm thì chiều bà phải cho chắt ăn thịt

- Bà ơi, quần áo của chắt bà phải vò tay, bà cho vào máy giặt vừa không sạch, lại vừa nhanh nhão…

- Bà ơi…

- Bà ơi…

Ô sin bà - ảnh 1
Ảnh minh họa

Tiếng cô cháu thì to mà nhà cô thì nhỏ, thành thử nó vọng hết ra ngoài đường. Dù chẳng liên quan đến gia đình cô, nhưng, việc phải nghe cô ca thán bà cụ cũng khiến tôi sốt ruột. Mà bà của cô có phải lười làm ham chơi đâu. Từ ngày lên phố, sáng sớm nào tôi cũng thấy bà cụ dậy, lặng lẽ xách làn đi chợ từ tờ mờ sớm. Lát sau, bà tay xách nách mang về toàn là đồ tươi roi rói. Trong khi đó ngày trước, tôi nhớ, khi chưa có bà đến ở, cứ cuối tuần vợ chồng cô mới đèo nhau đi siêu thị rồi mua đồ về bỏ vào tủ lạnh ăn dần. 
Buổi chiều, bà cụ hay bế chắt ra ngõ hóng gió nên chúng tôi có cơ hội gặp nhau. Tôi hỏi bà: 

- Sao bà chúng đâu không trông cháu mà lại để cụ đi trông chắt vậy?

Bà cụ cười: 

- À, nhà tôi có truyền thống con gái lấy chồng sinh con sớm nên tiếng là cụ, nhưng tôi vẫn còn khỏe lắm. Bà ngoại cháu đang ở miền Nam trông con cho thằng anh nó. Vì vậy, tôi mới xuống đây giúp cháu trông con.

Tôi lại bảo bà: 

- Nhưng ngày nào, cháu cũng thấy cháu bà càm ràm. Bà đã giúp chúng trông con như vậy, lẽ ra chúng phải biết ơn bà...

Câu nói này của tôi đã đánh trúng tâm tư của bà cụ. Bà chẹp miệng: 

- Vâng, khoản này thì chị nói đúng. Đôi khi, chúng cứ ỷ thế tôi là bà chúng thì nói sao cũng được. Tôi đâu có thiếu đói để phải xuống đây ăn nhờ con cháu đâu. Chẳng qua nghĩ đến các cháu vất vả nên tôi mới nhận lời. Chúng nó thì cầu toàn, đòi hỏi bà già này đủ kiểu. 

Rồi bà chia sẻ, trẻ con chứ có phải cái máy đâu mà cứ bắt chúng phải sinh hoạt đúc khuôn thời khóa biểu do mẹ nó vạch sẵn. Lắm hôm nó ngủ muộn, chiều mới dậy sẽ lỡ mất bữa phụ buổi chiều nhưng bà không đành lòng gọi chắt dậy chỉ để đút cho chắt thêm hộp sữa. Vậy mà về nhà phát hiện vẫn còn hộp sữa trong tủ, cháu bà lại cho rằng bà không quan tâm đến chắt. Lại có lần bà thấy chắt bị dị ứng nên cất công đi xin lá khế về tắm cho chắt khi chưa kịp xin phép mẹ nó. Không ngờ, vì việc này mà mẹ nó lại nói hỗn, bảo bà nhà quê có được học hành gì đâu mà tự chữa bệnh, ảnh hưởng sức khỏe của chắt. 

“Nhiều lúc nó nói nhiều quá, tôi cảm thấy mệt mỏi lắm chứ nhưng vì con cháu nên đành nhẫn nhịn”, bà tâm sự.

Ô sin bà - ảnh 2
Ảnh minh họa

Một bữa nọ, hình như trong nhà cô cháu gái lại xảy ra xung đột. Sáng sớm hôm sau, tôi không thấy bà cụ đi chợ nữa mà thấy chồng cô đèo bà cụ đi phía sau xe buộc chiếc vali to, tôi đoán là họ đưa trả bà cụ về quê.

Sau đó, cô cháu tự ở nhà trông con được độ một tuần thì có một người lạ xuất hiện. Lần này là người giúp việc cô thuê ở một trung tâm giới thiệu việc làm. Những ngày sau, nhà cô không hề xảy ra to tiếng gì như lúc bà cụ còn trông cháu. Tôi cứ tưởng chắc là người giúp việc khéo léo, biết cách chăm trẻ con hơn bà cụ nên mới không làm cô phật lòng. 
Nào ngờ, chưa đầy một tháng, tôi lại thấy người giúp việc dọn đi rồi chồng cô đón bà cụ trở lại. 

Hôm sau, gặp lại tôi, bà cười: 

- Lần đó, bà giận cháu bà quá nên về quê, chưa kịp chào cháu.

- Dạ, vậy bây giờ bà hết giận các cháu rồi phải không ạ?

- À, vì hôm qua, vợ chồng nó đưa con về tận quê xin lỗi tôi. Nó bảo bà đi rồi mới thấy giá trị của bà. Nó thuê người trông con mất 7 triệu một tháng mà cấm có dám to tiếng chút nào. Người làm cũng chỉ làm theo giờ, quá giờ là họ nghỉ, nếu sai thêm việc thì phải trả thêm tiền. Tôi thì làm cả ngày chả bao giờ kêu ca, phàn nàn. Nếu thuê ô sin, vợ chồng nó sẽ kiệt quệ, lương tháng kiếm được chẳng đủ tiền nuôi người làm nên đành cầu cứu bà già này cô ạ.

Nghe bà nói, tôi đáp: 

- Vâng chắc là từ giờ các cháu bà đã biết giá trị của bà rồi.

- Vâng, cháu nó hứa từ nay không dám càm ràm, ca thán tôi nữa đâu cô ạ.

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.