Ốc tháng mười, người Hà Nội

TUỆ MẪN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tháng 10 trời se se lạnh, đây là thời điểm thưởng thức “đã” nhất hương vị của thức quà ăn vặt làm xao xuyến lòng người mỗi độ trời trở gió - ốc Hà Nội. Mỗi tối đi dạo trên phố, đều thấy các hàng ốc đông kín người, cho thấy việc ăn quà vặt cũng cần… đúng mùa.

Ốc thì ai cũng có thể buôn bán và ăn quanh năm, từ ốc Hải Phòng đến ốc Sài Gòn… Nhưng ốc Hà Nội lại mang một nét rất riêng, ngay cả việc chọn thời điểm ăn ốc cũng phải sành. Cứ đến tháng 10 mùa thu, hòa cùng những cơn gió heo may, mọi người lại rủ nhau lên phố đi thưởng thức món ốc. Các cụ xưa bảo rằng, trước khi đông lạnh về, những con ốc phải hối hả nạp dinh dưỡng để vượt đông lạnh lẽo. Nên ốc lúc này con nào con nấy đều béo, căng mọng ngọt nước. Để rồi đến tận bây giờ, từ người già đến người trẻ cứ mỗi độ thu về đều phải đi ăn ốc. Phần vì hương vị lưu luyến, sức hút khó chối từ, phần nữa bởi giữa tiết trời này, ăn món ốc nóng hổi thì còn gì tuyệt bằng.

Ốc tháng mười, người Hà Nội - ảnh 1
Ảnh minh họa

Nói đến ốc, người dân sáng tạo ra nhiều món ngon lắm, từ ốc luộc, chả ốc, bún ốc, ốc nấu chuối đậu, ốc hấp lá gừng, ốc nhồi lá tre, bún ốc nguội...  đặc trưng của Hà Nội. Nhưng để nói thứ làm người ta cứ đắm say phải kể đến món ốc luộc, thức quà ăn vặt đơn giản nhưng đã ăn rồi lại muốn ăn nữa. Đã gọi là ốc luộc Hà Nội thì chỉ có ốc đá, ốc vặn và ốc mít là chủ yếu, mà người ta thường gọi cho dễ nhớ là “ốc to” và “ốc nhỏ”. Ốc rửa sạch, đổ vào nồi luộc với lá chanh, sả, ớt. Chọn được ốc ngon, đúng mùa rồi chưa đủ, điểm nhấn của món ốc luộc chính là bát nước chấm. Nước chấm ốc được người Hà Nội sành ăn pha bằng chính nước luộc ốc cùng nước mắm, lá chanh thái chỉ, gừng và tỏi, ớt băm nhỏ, sả thái ngang, giấm gạo trắng hòa thêm chút đường. Nguyên liệu thật đơn giản, dễ kiếm, dễ làm nhưng để làm ngon và đúng chuẩn hương vị Hà Thành thì mỗi hàng ốc lại phải kỳ công và khéo léo tạo nên một sắc thái riêng cho mình.

Ăn ốc luộc chuẩn vị Hà Nội phải là hơi nóng bốc lên nghi ngút của bát ốc luộc xen lẫn mùi lá chanh đậm đà. Miếng ốc giòn sần sật, thịt ốc thơm béo hòa quyện cùng nước chấm cay cay, chua ngọt. Chỉ cần nghĩ thôi đã thấy thòm thèm, đi đường gió thổi lành lạnh là muốn sà ngay vào hàng ốc bên đường, hít hà mùi ốc, thưởng thức cho thỏa cơn thèm. Giờ đây từ món ốc luộc dân dã, người ta còn biến tấu ra các món ốc xào me, ốc bơ tỏi, ốc xốt Thái… nhưng nhiều người ăn gì thì ăn, vẫn phải gọi bát ốc luộc đầu tiên. Chiều chiều, đặc biệt là buổi tối, các hàng ốc mùa này nườm nượp người đến thưởng thức. Thứ quà dân dã có thể giúp mọi người gắn kết, từ những câu chuyện tán gẫu bên bàn ăn, đến những tiếng cười giòn tan, cùng nhau tận hưởng hương vị thu Hà Nội rất riêng.

Ốc tháng mười, người Hà Nội - ảnh 2
Ảnh minh họa

Hàng ốc ở Hà Nội thì nhiều, nhưng lâu đời và giữ được hương vị ngon phải kể đến quán ốc Trang ở Đinh Liệt, giao nhau với phố Tạ Hiện nên khá đông khách. Nhiều người cho rằng, vừa thưởng thức ốc xong rồi sang Tạ Hiện uống bia cũng là một trải nghiệm thú vị khi đến Hà Nội. Tiếp nữa là một quán ốc rất đặc biệt, mọi người giao tiếp với nhau bằng tay - quán ốc bà câm ở Tống Duy Tân. Bởi cả chủ và nhân viên đều là người khiếm thính. Ốc ở đây ngon như bao hàng quán lâu đời khác và đặc biệt hơn ở chỗ nước chấm ốc bằng sung muối càng làm nổi bật vị ngon khó cưỡng của món ăn nên lúc nào cũng đông khách. Ốc Chị Lệ ở Cửa Bắc là địa chỉ ăn ốc quen thuộc lâu năm của giới trẻ Hà Nội, có món ốc luộc làm nên thương hiệu. Ngoài ra, ốc chị Lệ còn có các món biến tấu như ốc xào bơ tỏi, ốc xào trứng muối, ốc xào rau muống... phù hợp với khẩu vị nhiều người.

Bên cạnh những hàng quán ốc ngon lâu đời trên phố, chúng ta cũng dễ dàng ăn ốc ở bất cứ đâu vì giờ đây quán ốc ở Hà Nội đang mở ra nhiều vô kể. Nhưng không thể phủ nhận rằng, phải ăn ốc ở chuẩn hàng và phải vào mùa thu, ta mới cảm nhận được hết sức hút của thức quà vặt giản dị mà quyến rũ này.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ Thủ đô cùng kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Phụ nữ Thủ đô cùng kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

(PNTĐ) - Xuân mới là dịp để các cấp Hội LHPN Hà Nội nhìn lại một năm hoạt động qua, đồng thời nỗ lực thực hiện tốt các mục tiêu đặt ra trong năm 2025. Trong đó, từng cán bộ, hội viên phụ nữ sẽ tiếp tục ra sức thi đua góp sức xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, góp phần vào sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước, sẵn sàng cùng dân tộc bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình.
Để phụ nữ bình đẳng tiến vào kỷ nguyên mới

Để phụ nữ bình đẳng tiến vào kỷ nguyên mới

(PNTĐ) - Năm 2025, tròn 30 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, phụ nữ toàn cầu nói chung và phụ nữ Việt Nam đã và đang được trao quyền nhiều hơn để phát triển bình đẳng. Tuy nhiên, để đạt được bình đẳng giới thực chất, vẫn rất cần những chương trình hành động, những cam kết đầu tư, trao quyền từ các Chính phủ, trong đó có Việt Nam để phụ nữ có cơ hội phát triển, đóng góp nhiều hơn trong kỷ nguyên mới.
“Thành công của người phụ nữ  không ở địa vị hay tiền bạc”

“Thành công của người phụ nữ không ở địa vị hay tiền bạc”

(PNTĐ) - “Thành công của người phụ nữ không phải ở địa vị, tiền bạc, quyền lực, mà thể hiện ở giá trị, nhân cách và văn hóa sống. Đặc biệt, hãy là một người phụ nữ ấm áp, đem đến sự yêu thương và lan tỏa những giá trị tích cực, tốt đẹp cho cộng đồng”, theo BTV - MC Giang Nam.
Giữ nếp nhà, giữ tinh hoa ẩm thực Hà Thành

Giữ nếp nhà, giữ tinh hoa ẩm thực Hà Thành

(PNTĐ) - Nghệ nhân Phạm Thị Tuyết (sinh năm 1953) là người sáng lập nhà hàng Ánh Tuyết, phố Mã Mây, quận Hoàn Kiếm. Bà từng được Chủ tịch nước giao nhiệm vụ phục vụ bữa ăn cho các đại biểu quốc tế dự hội nghị Apec năm 2017 tại InterContinental Đà Nẵng; giúp Văn phòng Chủ tịch nước tiếp đoàn Mỹ - Triều. Bà đạt rất nhiều huy chương, giải thưởng tại các sự kiện ẩm thực lớn và quy mô; được UBND Thành phố Hà Nội vinh danh Công dân Thủ đô Ưu tú năm 2018. Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, bà đã chia sẻ tình yêu và mong muốn của mình trong lưu giữ tinh thoa ẩm thực cổ truyền Hà Nội.