Ông tôi học cách sống vui trở lại

THƯƠNG HUYỀN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Việc bà tôi mất đi sau gần 1 năm ốm liệt giường đã trở thành cú sốc với cả gia đình, dù trước đó, mọi người đều đã được chuẩn bị tinh thần. Nhưng người đau lòng nhất vẫn là ông tôi.

Đó là bởi khi còn sống, bà và ông tôi lúc nào cũng như đôi chim cúc cu luôn rủ rỉ, sánh bước bên nhau. Thời trẻ, ông bà tôi yêu nhau nhiều như thế nào thì khi về già, tình cảm ấy vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, thậm chí còn được bồi đắp dầy thêm. Bà tôi là kiểu phụ nữ truyền thống xưa, hiền hậu, đảm đang, giỏi tề gia nội trợ. Nhưng bà lại khó thích nghi với những cái mới của xã hội hiện đại. Bà tôi không biết dùng điện thoại, xa lạ với khái niệm facebook, internet, cũng  chẳng biết đi xe máy.

Vì vậy, ông tôi chính là người đã bù đắp, hỗ trợ tận tụy cho bà. Các con cháu vẫn mua cho bà điện thoại di động, nhưng người hướng dẫn bà nghe điện, trả lời tin nhắn là ông tôi. Ông có facebook riêng, hàng ngày đều cùng bà ngồi lướt face, đọc tin tức trên báo mạng cho bà nghe. Đặc biệt, ông là tài xế riêng, mỗi khi bà cần đi đâu là ông lại chở bà đi, sau đó ông kiên nhẫn ngồi ngoài đợi để đón bà về. Ông bà vốn tiết kiệm, nghĩ rằng đi xe ôm tốn kém và nhất là không an toàn bằng việc ông tự lái xe.

Ông tôi học cách sống vui trở lại - ảnh 1
Ảnh minh họa

Ông bà tôi sinh được 3 người con, trong đó có bố tôi. Sau đó, các con của ông bà đều lần lượt ra ở riêng nên ngôi nhà chỉ còn ông và bà. Hàng ngày, ông bà cứ thế ở bên nhau như cặp vợ chồng son, cùng ăn cơm, cùng kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện trên đời, cùng lo lắng, thuốc thang cho nhau khi trái gió trở trời.

1 năm trước, bà tôi bị đột quỵ, ốm liệt giường. Các con cháu đều bận đi làm, đi học nên vẫn là ông chăm lo cho bà. Bác sĩ nói, bà tuổi cao nên phải xác định tinh thần bà sẽ sớm ra đi. Lúc đó, ông tôi đã bật khóc tu tu như một đứa trẻ ngay trước mặt bác sĩ vì thương bà quá.

Rồi bà tôi cũng ra đi thật. Sau khi lo tang lễ chu toàn cho bà, cả nhà tôi lo nhất là ông rồi đây sẽ sống thế nào. Ông đã quen có bà, bà đã quen có ông, giờ một người đi xa, một người ở lại. Những ngày đầu, gia đình tôi cắt cử người đến ở cùng ông, để ông vẫn thấy có bóng người đi lại trong nhà. Dù vậy ông tôi vẫn buồn lắm, gầy sọp đi, mặt hốc hác.

Ông tôi học cách sống vui trở lại - ảnh 2
Ảnh minh họa

Thế rồi hình như biết rằng không thể cứ làm phiền con cháu được mãi, ông tôi quyết định ra ngoài tập thể dục trở lại, điều mà chiều nào ông bà vẫn cùng nhau làm khi bà còn sống. Biết hoàn cảnh của ông, các cụ ở tổ hưu trí mời ông tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ dành cho người già, ông tôi đã đồng ý. Trước đây, ông đi đâu cũng có bà thì nay, ông một mình dắt xe đi sinh hoạt câu lạc bộ. Rồi ông nói chúng tôi mua thêm cho ông cái đài để ông nghe vào buổi tối cho vơi bớt nỗi cô đơn.

Nhìn ông vậy, chúng tôi đều mừng. Ông đã không còn bần thần nhiều, thi thoảng ông cũng đã cười trở lại. Ở tuổi 80, ông tôi lại đang tập học cách thích nghi với hoàn cảnh mới. Dù sẽ khó nhưng tôi tin, ông sẽ làm được. Ông tôi lạc quan trở lại để bà ở cõi vĩnh hằng cũng được an lòng. 

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.