Phía sau nỗi buồn

KIỀU XUÂN QUỲNH
Chia sẻ

(ĐSGĐ) Một đêm, tôi mơ thấy Hà trong bộ đồng phục học sinh. Trong giấc mơ Hà bảo tôi hãy giúp Hằng trở lại cuộc sống bình thường. Tôi chưa kịp trả lời Hà đã vội tan biến vào khói sương.

Sau ngày về quê, bác Sen thường gọi điện nhắc tôi hỏi thăm tin tức của Hằng. Lần nào gọi điện cho tôi bác cũng khóc: “Bác mơ thấy Hà về bảo mẹ đừng trách Hằng, rồi vội đi.”
Tôi vừa đến vùng cao này làm việc chưa biết mặt Hằng nhưng vẫn hứa để bác an lòng. Chiếc điện thoại lưu giữ những tấm ảnh của Hà - bác Sen để lại cho tôi làm manh mối đã bị hỏng chẳng thể phục hồi.

Chiều cuối năm, gió bấc mang âm thanh của tiếng chuông gia súc từ bên kia ngọn đồi vọng về khiến nghĩa trang thêm lạnh lẽo. 

Trước lúc đến đây tôi nghĩ ngày này sẽ nhiều người đến tảo mộ. Vậy mà căn chòi của hai người quản trang tôi thường ghé vào biếu chút đồ lễ cũng khóa cửa im lìm. 

Tôi vén đám cỏ dại thắp hương những ngôi mộ hoang lạnh xung quanh. Những tấm bia đá xiêu vẹo khắc tên những người còn rất trẻ đến từ nhiều vùng quê khác nhau. 

Mộ phần của Hà quang đãng hơn bởi hàng tháng tôi vẫn đến thắp hương cho Hà. Tôi ngỡ ngàng khi tháo ba bông cúc trắng khỏi giấy báo. Trong lọ hoa ba bông hồng nhung vẫn còn tươi như có người vừa đến thăm. Những đầu mẩu thuốc lá cắm trên tàn hương đã được ai đó gỡ bỏ.

Chẳng biết có phải là Hằng? Có lần bác Sen nói với tôi: "Ngày Hà mất, Hằng nói với bác anh Hà mất rồi nhưng con vẫn là con của mẹ. Vậy mà sau ngày ấy chẳng thấy mặt mũi con bé đâu".

Bác Sen nói với tôi bằng giọng thất vọng nhưng trong đôi mắt của bác vẫn có những tia hy vọng muốn kiếm tìm.

Sau khi thắp nén hương, tôi cắm điếu thuốc vào que hương tàn cho Hà. Hồi cuối năm cấp hai, mỗi lần đi bơi chúng tôi thường lén lút tập tành hút thuốc. Mấy đứa con trai bảo nhau hút vài hơi cho ấm rồi mỗi đứa hút một hơi. Giờ thì chúng tôi không phải lén lút nhưng chẳng biết dưới lòng đất lạnh Hà có cảm nhận được hơi ấm của điếu thuốc tôi vừa châm.

Hồi ấy, bố mẹ tôi và bố mẹ Hà cùng vào Tây Nguyên làm việc ở hai công ty khác nhau. Hà ngồi cùng bàn với tôi từ năm lớp sáu nên chúng tôi và nhóm bạn cùng lớp thường rủ nhau khám phá sông suối núi rừng Tây Nguyên.

Một lần, mấy đứa con trai rủ nhau ngồi lên chiếc thuyền chài bơi ra giữa dòng sông.

Gặp dòng nước xoáy, chiếc thuyền chòng chành lật úp. Tôi không biết bơi nên chới với giữa dòng. Lúc ấy, Hà bơi đến kéo tôi bám vào chiếc thuyền rồi dìu tôi bơi vào bờ. Một buổi chiều, khi chạy xuống dốc lúc đi hái xoài rừng, một cành cây găm xuyên qua chiếc dép xốp rồi đâm xuyên qua lòng bàn chân Hà. Tôi xé tấm áo trắng duy nhất băng bó, cõng Hà đến bệnh viện...

Phía sau nỗi buồn - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Ngày Hà theo bố mẹ ra Tây Bắc tôi vẫn ở lại Tây Nguyên. Trong những lá thư Hà hẹn sẽ đưa tôi đi thăm núi rừng Tây Bắc. 

Tôi chưa gặp lại Hà thì đã nghe tin khi ra khỏi nhà người yêu nó bị gã say rượu đâm phải rồi ra đi.

*
Một tối khu tập thể mất điện, cậu bạn đồng nghiệp mời tôi ra thị trấn uống cafe.
Lão xe ôm loắt choắt đưa chúng tôi vào quán càfe – karaoke lập lòe đèn đỏ sau bức mành mỏng. Cậu bạn liếc mắt ra hiệu cho tôi nhìn về phía cô gái ngồi cuối hàng ghế vuốt màn hình điện thoại rồi nói nhỏ vào tai tôi “con bé kia là hoa khôi ở quán này nhưng chưa bao giờ đi khách, mày tán đi”. 

Cậu ta cười bí hiểm rồi khoác tay cô gái tóc vàng đi xuống dưới tầng hầm.

Tôi liếc nhìn màn hình điện thoại của cô gái. Trên đó có vài giọt nước mắt vừa rơi xuống lăn qua tấm ảnh chụp đôi nam nữ khoác vai nhau dưới gốc phượng già trong sân trường. Cậu học sinh có dáng hình quen thuộc như tôi từng gặp ở đâu đó. Tôi định hỏi cô gái về chàng trai trong tấm ảnh nhưng vấp lời khi nghe câu nói cộc lốc của mụ chủ quán “nó không đi khách”.

Chẳng biết làm gì, tôi gọi một tách cafe rồi ngồi một mình ở chiếc bàn gần góc quán đối diện quầy pha chế. Thỉnh thoảng, vài gã đàn ông vào quán chỉ tay về phía cô gái nhưng đều nhận được câu trả lời bằng cái lắc đầu của mụ chủ. 

*
Ngày giỗ Hà, tôi lại ra nghĩa trang thăm Hà. Người đàn ông quản trang gọi tôi vào trong căn chòi. Ông khoan thai rót chén trà nhạt mời tôi. Ông nhắc đến ông bạn ở cùng vừa qua đời được ba hôm, sau cơn đột quỵ.

Giọng người đàn ông man mác buồn kể về cuộc đời của người bạn già. Đến cuối đời đứa con gái đã chấp nhận tha thứ để ông ấy thanh thản nhắm mắt xuôi tay. Ngày xưa, cũng vì lão hay uống ruợu mà vợ bỏ đi theo gã người kinh lên đây làm đường. Hai người bầu bạn với nhau từ khi nghĩa trang chỉ lưa thưa vài cái mả. Giờ đây người chết đã gần chật. Đa số những người nằm đây là dân công trường chết do tai nạn lao động. Gia đình ở xa nên mồ mả lạnh lẽo. Câu nói của người đàn ông làm tôi nghĩ đến phần mộ của Hà. Hơn một tháng nay, tôi bận công việc nên chưa đến thăm. Tôi xin phép người đàn ông lên mộ Hà. Đầu con dốc tôi nghe như có tiếng khóc phía bụi lau, cạnh phần mộ của Hà.

Phía sau nỗi buồn - ảnh 2
Minh họa sưu tầm

Cô gái ngước nhìn tôi. Tôi sững sờ. Là cô gái tôi gặp trong quán càfe tối hôm trước.

- Em là bạn của anh Hà. Còn anh là ai?

- Tôi là bạn thân của Hà từ nhỏ. Tôi vẫn thường ra đây vào ngày rằm, mồng một.

- Em thường ra đây trước anh một ngày. Em thấy những đầu mẩu thuốc lá cắm trên đầu tàn hương. Hồi còn sống em không muốn anh Hà hút thuốc nên không có thói quen thắp hương bằng thuốc lá cho anh ấy.

- Vậy có phải cô là Hằng? Bác Sen và gia đình vẫn hỏi thăm Hằng, sau khi Hà mất

- Chuyện kể ra dài lắm anh ạ. Em muốn anh đi với em một chuyến.

* * *
Chuyến xe đưa chúng tôi về một bệnh viện nơi có những người đang chịu những cú sốc tâm lý đau thương.

Sau khi nghe cô gái nói nhỏ điều gì đó, vị bác sĩ già lật dở từng trang sổ bệnh án trả lời chúng tôi: "Anh chị đến muộn mất rồi, bệnh nhân đã xuất viện vài ngày".

Ánh mắt tôi chạm vào đôi mắt cô thoáng buồn của cô gái.

Vừa ra khỏi cánh cổng bệnh viện, cô gái bảo tôi, mình đến ngôi chùa đằng kia đi, em muốn thắp một nén hương để nguyện cầu cho linh hồn của bố em và của anh Hà nữa rồi em sẽ kể hết cho anh nghe sự tình.

Cơn mưa đầu xuân vừa rơi, cô gái nắm tay kéo tôi bước nhanh về phía tiếng chuông chùa đang ngân. Một ni cô đang mải quét sân gom những đám lá khô vừa rụng. Tôi kính cẩn chào ni cô và nói tâm nguyện muốn vào chùa thắp nén nhang.

Ni cô dừng khua nhát chổi ngẩng mặt nhìn chúng tôi. Chiếc chổi tre rơi xuống đất, hai người bạn ôm chầm lấy nhau. 

Mùi trầm hương lan tỏa giữa cõi linh thiêng. Tôi bỗng thấy nhẹ lòng.

Sau này, tôi được biết cô gái ấy tên Thu và Hằng cùng dành tình cảm cho Hà nhưng Hà chọn Hằng. Ba người họ vẫn giữ với nhau tình bạn.

Đêm ấy, chúng tôi ở lại trong tịnh xá của chùa. Nghe tiếng tụng kinh và tiếng sư thầy gõ mõ, tôi nghĩ "trong màu áo nâu sồng, có lẽ Hằng sẽ thanh thản hơn chăng?".

Hằng đã không cùng chúng tôi trở về Tây Bắc, tôi cũng không kể lại chuyện đó với bác Sen. Còn với Hà, tôi tin giờ cậu ấy sẽ mãn nguyện và siêu thoát. 

***
Sau này, trong một lần đưa gia đình đi lễ chùa, tôi nói với Thu, vợ tôi: "chúng mình tìm thấy nhau từ phía sau những nỗi buồn". 

Cô ấy không nói gì chỉ chắp tay thầm ước điều gì đó lẫn trong tiếng chuông chùa ngân vang quyện vào mùi trầm hương lan tỏa.

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.