Phố mùa thu

Chia sẻ

“Gánh hàng hoa mắc nợ Con phố này mùa thu”

Tôi đã sống với bao mùa thu ở thảo nguyên nhưng vẫn bị lấn bấn với thu của Hà Nội.

Một dạo, tôi nghĩ rằng vì phố có những hàng cây cổ thụ cao lớn, ngạo nghễ như những tòa tháp xanh nên khi trút lá tựa như ánh sáng, tựa như hào quang rớt xuống. Bởi thế mà phố đẹp và sang.

Lại có thời, tôi đinh ninh thu của Hà thành đẹp bởi những ngôi nhà cổ. Những biệt thự của những năm tháng cũ trong buổi giao thời hòa quyện với kiến trúc phương Tây; những mái phố cổ thâm nâu, những dãy nhà tập thể gắn với kỷ niệm thời bao cấp… tất cả làm nên bản sắc mùa thu ở đây chăng?

Phố mùa thu - ảnh 1

Bẵng đi mươi năm, một khoảng thời gian ngắn ngủi với một người còn trẻ đang mải miết mưu sinh, tôi trở về Hà Nội đúng dịp thu về. Bỗng dưng, đôi mắt tôi không còn bị hút vào những mái cũ, tường xưa hay “cây sao bóng cả”… mà bởi một điều gì hư vô của phố. Đôi giày đã mòn vẹt phía mũi, bộc bạch những bước chân bồng bột và gấp gáp bất chợt dừng lại bên hè phố. Trước mặt tôi, trong ô cửa nhỏ, một cô gái vừa đặt vào chiếc bình gốm mộc mạc một nhành cúc họa mi đầu mùa. Màu hoa mới tinh khôi trên nền gốm thô nhám, tôi bỗng thấy mình đã thành xưa cũ. Đêm ấy, khi trở về căn phòng khách sạn, tôi viết vội những chữ cho riêng mình: “Một chiếc bình gốm vừa tắt lửa/ Em cắm một nhành họa mi mới nở/ Và, anh qua phố/ Thế mà thành người dưng…”.

Thu của Hà Nội đẹp và tha thiết. Hình như, mỗi người đang vội vã qua đường đều đã từng gửi ở đó một kỷ niệm và nhận về mình một nuối tiếc. Tôi nhớ một cái hàng rào bê-tông cốt sắt nằm ngoài khuôn viên một ngôi nhà. Ở đó, bao năm rồi có người đàn bà thường chọn làm nơi dựng chiếc xe đạp thồ. Ban đầu, chỉ mắc lên đó cái bình nước bằng nhựa đã ố vàng, chiếc túi nilon đựng cái bánh mì khô khốc, lúc là nhúm xôi bọc trong chiếc lá bàng già. Mấy người phụ nữ lớn tuổi ở phố thường gọi chị là “con mẹ bốn mùa” vì nhìn chị tất tả. Tôi tưởng chị bám hè phố mưu sinh quanh năm nhưng hóa ra không phải. Chỉ mùa thu tôi mới thấy chiếc xe chở hoa của chị. Mùa thu, trông chị an nhiên khác lạ. Chị kể cho tôi nghe mùa nào thì đi bốc gạch thuê, mùa nào đi phụ hồ, chỉ có khi mùa thu đến mới được hái cúc họa mi vườn nhà đưa vào phố.

Sau này, khi không còn gặp chị nữa, nghe người ta nói tôi mới biết chị cũng từng có tuổi thơ ở con phố này. Thế rồi, mẹ chị bị bệnh nặng, người cha phải bán nhà đưa cả gia đình về một ngôi làng phía ngoại thành. Nhưng rồi, hai cha con chị cũng không cứu đươc mẹ chị. Chỉ là, mùa thu, trong khu vườn sẽ nở đầy cúc họa mi, loài hoa nhỏ xinh, thanh khiết mà người mẹ rất yêu quý khi còn sống.

Phố mùa thu - ảnh 2

Chị đưa hoa vào phố, bán những bông hoa trên con phố mùa thu. Có năm, hoa bán rất chậm, người qua đường thấy thương chị lầm lũi đẩy xe trên con phố buồn. Nào có ai hiểu được rằng chính chị cũng đang muốn bước thật chậm trong sương thu man mác để cảm nhận một chút gì còn vương lại trước căn nhà xưa, phố cũ và đâu đây hình bóng của người mẹ.

Phố mùa thu dần chìm vào đêm trong ánh đèn và tiếng còi xe lúc tan tầm. Dẫu phố dài đầy ắp kỷ niệm nhưng những vòng xe vẫn phải lăn bánh về phía trước, lăn về phía mai sau, chỉ còn lại những chiếc lá vàng vương trên hè phố. Những chiếc lá của hôm nay rồi sẽ lìa cành rớt vào thiên thu vô thường. Mùa thu làm ta nhận ra hư vô để mà trân quý những gì đang hiện hữu trong bàn tay mình.

Rồi Hà Nội cũng sẽ lạnh giá, cái lạnh như một đặc trưng không thể thiếu của đồng bằng Bắc Bộ. Tôi biết thế vì cũng nhiều năm được cảm nhận mùa đông ở đây. Còn hôm nay, khi mùa thu mới khẽ chạm vào mặt nước hồ, khẽ chạm vào tiếng đàn dương cầm bên ô cửa, vào tâm hồn ta, thì hãy cứ yêu, yêu say đắm mùa thu của phố để mai này có phải quay gót xa phố phường sẽ không còn phải nuối tiếc những gì đã làm tâm hồn ta xao động…

MAI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.