Phụ nữ hãy mạnh dạn dấn thân

Nguyễn Ngọc Trâm
Chia sẻ

(PNTĐ) - “Tôi nhận thấy rằng một môi trường phát triển lành mạnh mang ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp mỗi người có thể nhìn nhận và phát triển dựa trên nỗ lực cá nhân, không phụ thuộc vào giới tính hay xuất phát điểm trong xã hội” - Nguyễn Ngọc Trâm, Giám đốc chương trình Công ty Toàn cầu Scaleflex, Pháp chia sẻ.

Tôi là Nguyễn Ngọc Trâm, hiện đang là Giám đốc chương trình cho công ty toàn cầu về công nghệ Scaleflex tại Pháp, đồng thời cũng là chuyên gia tư vấn độc lập tại tổ chức UNESCO. Tôi sinh sống và làm việc tại Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp từ năm 2016 đến nay.

Trước khi sang Pháp, tôi là cựu sinh viên tốt nghiệp loại giỏi tại Học viện Ngoại giao và cũng là đại diện duy nhất của Học viện Ngoại giao vinh dự được nhận giải thưởng Sao tháng Giêng năm 2015 - giải thưởng dành cho 100 sinh viên xuất sắc toàn quốc trong học tập và hoạt động. 

Phụ nữ hãy mạnh dạn dấn thân - ảnh 1
Ảnh minh họa

Năm 2016, tôi quyết định theo học khóa học thạc sĩ chuyên ngành Kinh tế, Chính sách công và phát triển tại trường Đại học Kinh tế Toulouse - Pháp. Đây là trường đại học nằm trong top đầu các trung tâm nghiên cứu kinh tế hàng đầu thế giới. Tôi bắt đầu làm việc tại trụ sở chính của UNESCO ở Paris từ năm 2018. Công việc chính của tôi là đóng góp vào quá trình điều phối và giám sát tiến độ thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 4 của Liên hợp quốc (SDG4) về giáo dục cũng như góp phần thực hiện việc phân tích, khuyến nghị chính sách và kết quả phát triển mục tiêu giáo dục của các quốc gia trên thế giới. 

Trong 2 năm qua, Covid-19 đã để lại nhiều hậu quả cũng như làm thay đổi hoàn toàn cách chúng ta tiếp cận và đánh giá về mọi mặt cuộc sống, trong đó có giáo dục. 

Ngay khi đại dịch bùng nổ ở mức độ toàn cầu, đầu năm 2020, tôi và nhóm của mình tại UNESCO đã thực hiện bản đồ giám sát toàn cầu về việc đóng cửa trường học trên toàn thế giới. Đỉnh điểm, ước tính có đến 1,5 tỷ học sinh và sinh viên bị ảnh hưởng bởi đại dịch, trong đó có Việt Nam.

Trong quá trình làm việc, gần đây nhất, tôi có đóng góp cho sứ mệnh Ngôi nhà học tập toàn cầu (Global Learning House) - một trong những sáng kiến của Liên minh giáo dục toàn cầu (Global Education Coalition) nhằm huy động sự đoàn kết quốc tế và các giải pháp sáng tạo để hỗ trợ học tập, đặc biệt cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn nhất.

Sáng kiến Ngôi nhà học tập toàn cầu dự kiến sẽ cung cấp cơ hội học tập mới cho ít nhất 1 triệu người có hoàn cảnh khó khăn trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, tôi còn là Giám đốc tại Scaleflex - một công ty công nghệ về quản lý tài nguyên kỹ thuật số. Công việc của tôi mỗi ngày thường rất bận rộn và bắt đầu khá sớm.

Ngoài ra là các chuyến đi công tác nước ngoài đến các chi nhánh của công ty để giám sát hoạt động, phát hiện những thử thách hay khó khăn ở mỗi chi nhánh sớm nhất có thể, đồng thời đảm bảo việc phát triển văn hóa công ty và truyền thông nội bộ. Tôi thường xuyên phải sử dụng 4 ngoại ngữ (Anh, Pháp, Trung Quốc, Tây Ban Nha) trong quá trình làm việc. 

Phụ nữ hãy mạnh dạn dấn thân - ảnh 2
Nguyễn Ngọc Trâm (Giám đốc chương trình Công ty Toàn cầu Scaleflex, Chuyên viên tư vấn độc lập tại tổ chức UNESCO)

Như tôi đã chia sẻ, lãnh đạo nữ trong các tập đoàn đa quốc gia vẫn còn là thiểu số ở khắp các nước trên thế giới chứ không chỉ Việt Nam. vì vậy, chắc chắn ở vị trí của tôi, với trọng trách lớn như vậy, ban đầu sẽ có một số áp lực nhất định.

Ở đây, mọi sự đánh giá đều dựa trên năng lực và kết quả thực tế chứ không phụ thuộc vào giới tính, màu da, tuổi tác hay sắc tộc. Ngay từ khi bắt đầu nhận vị trí này, tôi đã có được sự tin tưởng tuyệt đối từ Chủ tịch và Nhà đồng sáng lập Scaleflex cũng như các đồng nghiệp và nhân viên cấp dưới.

Chính điều này đã hỗ trợ tôi hoàn thành công việc ở cương vị hiện tại, giúp công ty đạt mức tăng trưởng doanh thu tăng vọt trong những năm vừa qua, kể cả trong đại dịch Covid-19, đồng thời cũng thúc đẩy công ty mở rộng số lượng nhân viên ở cả Việt Nam cũng như các chi nhánh khác như châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ trong tương lai gần. Trong công ty hiện tại của tôi, tất cả các thành viên, bất kể là nam hay nữ đều được tạo điều kiện để phát triển trong sự nghiệp, cũng là lý do khiến bản thân tôi có cơ hội về phát triển và tham gia đội ngũ lãnh đạo như hiện tại.

Tuy nhiên, nói đến vấn đề bình đẳng giới, tôi vẫn còn một số trăn trở, đó là các cơ hội nên được mở rộng bình đẳng cho cả hai giới. Ví dụ như hiện vẫn có nhiều cơ hội ưu tiên lựa chọn nam giới, hoặc thậm chí có những điều kiện chỉ lựa chọn nam giới, mà giới hạn cơ hội dành cho nữ giới, đặc biệt là những người đã có gia đình hay con nhỏ. Bên cạnh đó, vẫn còn những công việc được đánh giá là phù hợp hơn với nam giới, như những công việc đòi hỏi di chuyển nhiều, đi đến những vùng khó khăn... khiến nhiều phụ nữ không có cơ hội để thể hiện khả năng, kiến thức và nỗ lực của mình. Tương tự như vậy, khi đề cử vào vị trí lãnh đạo, nam giới thường được cân nhắc nhiều hơn là nữ giới. Điều này dẫn đến việc nữ giới ít khi được tiến cử trong việc giữ các vị trí lãnh đạo. Tiếng nói, ý kiến và quan điểm của phụ nữ cũng chưa được coi trọng đúng mức trong các công ty và tổ chức. 

Phụ nữ hãy mạnh dạn dấn thân - ảnh 3
Ảnh minh họa

Từ góc nhìn rộng hơn, trong xã hội còn các vấn đề như: Nam giới vẫn giữ vai trò là lực lượng lao động chính, đồng thời cơ hội việc làm cho phụ nữ còn hạn chế. Theo một báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế của Liên hợp quốc, phụ nữ chỉ được trả 77% mức lương trung bình được trả cho nam giới, và khoảng cách về thu nhập này hầu như không thay đổi trong 20 năm qua. Trong những dự án về giáo dục tôi đã tham gia, vẫn còn nhiều trẻ em gái ở nhiều quốc gia còn không được cho phép học hành đầy đủ, hay nạn tảo hôn đối với trẻ em gái và hôn nhân do gia đình sắp đặt còn diễn ra ở nhiều nơi. Cùng với đó, là nạn bạo hành phụ nữ và trẻ em gái cả về thể xác và tinh thần vẫn diễn ra ở nhiều nước trên thế giới. Trong gia đình, việc nội trợ và chăm sóc con cái phần nhiều vẫn bị coi là việc của phụ nữ, nam giới chỉ chia sẻ những công việc này với phụ nữ. 

Để kết thúc bài viết này, tôi có một số thông điệp muốn chia sẻ với các bạn trẻ. Đó là phụ nữ có quyền học tập, tích lũy kiến thức, nâng cao trình độ học vấn và tìm hiểu về mọi lĩnh vực công việc như mình mong muốn. Phụ nữ có thể tự do lựa chọn ngành nghề mà mình muốn theo đuổi, ứng cử vào các vị trí, các tổ chức, công ty, kể cả các vị trí lãnh đạo. Và mỗi chúng ta hãy cùng nỗ lực để có thể khẳng định bản thân, tạo dựng bình đẳng giới. Tôi sẽ dùng một câu nói của Sheryl Sandberg, COO của Meta (Facebook) về cách suy nghĩ của phụ nữ: “Phụ nữ cần thay đổi cách suy nghĩ từ việc cho rằng mình không sẵn sàng, sang việc tin tưởng rằng mình muốn làm, và sẽ học hỏi từ việc dấn thân ấy”. 

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.