Đạo diễn - nhà báo Bông Mai:

“Phụ nữ hiếm khi soi lại mình thực sự muốn gì”

Nguyên Vũ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Xuất phát từ mong muốn xóa bỏ những định kiến, áp đặt rằng phụ nữ không làm được nhiều điều, đạo diễn - nhà báo Bông Mai đã thực hiện một hành trình đặc biệt. Sau 99 ngày xuyên Việt một mình, Bông Mai muốn gửi thông điệp đến với phụ nữ rằng ai cũng có thể vượt qua các giới hạn, làm điều mình mong muốn, hiện thực hóa những giấc mơ.

Triển lãm “Dám sống một cuộc đời rực rỡ” (từ ngày 18/2 đến hết 26/2, tại Bảo tàng Phụ nữ, 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội), là bản phác thảo đầu tiên về hành trình văn hóa và tình người của Bông Mai sau 99 ngày xuyên Việt. 

Một mình xuyên Việt nhưng không… cô đơn

Bông Mai sinh năm 1977, là con gái của cố nhạc sĩ An Thuyên và cựu thành viên nhóm nhạc Con Gái nổi tiếng. Sau vai trò ca sĩ, chị có 12 năm làm việc và sản xuất tại VTV3, 3 năm làm quản lý Trung tâm sản xuất nội dung Giáo dục và Giải trí VTVcab... Vào ngày 2/2/2022, Bông Mai bắt đầu chuyến đi "phượt" một mình bằng xe hơi. Ngay khi bắt đầu dự định, Bông Mai khiến nhiều người bất ngờ thậm chí còn hỏi "đi làm gì?" và khuyên chị nên ở nhà chăm lo cho con cái. 

“Phụ nữ hiếm khi soi lại mình thực sự muốn gì” - ảnh 1
Nhà báo, đạo diễn Bông Mai trên hành trình xuyên Việt

“Xã hội có những định kiến, áp đặt nhất định lên vai người phụ nữ, cho rằng phụ nữ không làm được nhiều điều. Bản thân mình cũng có định kiến với chính mình, kiểu như: Tôi huyết áp thấp, tôi sợ độ cao, tôi không thể làm điều này, điều kia... Tôi muốn khẳng định rằng, chúng ta đều có thể vượt qua các giới hạn, làm những điều bản thân mình mong muốn, đặc biệt phụ nữ có thể làm được rất nhiều điều” - Bông Mai chia sẻ. Chị nói thêm rằng: “Hành trình đó dành cho tôi nhưng thực ra cũng là để lan tỏa giá trị, rằng chúng ta đáng được sống cuộc đời của mình, làm những điều mình muốn, hiện thực hóa giấc mơ”. 

Và dưới sự hỗ trợ từ xa của các con và những người thân thiết, Bông Mai đã có hành trình 99 ngày không thể quên trong đời. Chị đã đi được 10.000km trong cuộc hành trình chinh phục tất cả các cung đường, kể cả những cung đường đèo được cho là thử thách đối với các phượt thủ. Chị đã gặp gỡ người dân ở 35 dân tộc, chụp và ghi hình được 55 bộ trang phục, thu được 49 làn điệu dân ca. Bông Mai check-in được 4 cực của đất nước, đi trọn vẹn một vòng các tỉnh miền sông nước dưới cả thời tiết nóng nắng đỉnh cao và mưa to tầm tã. Trong cuộc hành trình 99 ngày đêm ấy, Bông Mai đã được trải qua cả 4 mùa.

“Phụ nữ hiếm khi soi lại mình thực sự muốn gì” - ảnh 2
“Phụ nữ hiếm khi soi lại mình thực sự muốn gì” - ảnh 3
Khán giả chăm chú ngắm những hình ảnh trong triển lãm “Dám sống một cuộc đời rực rỡ”

Hơn cả những con số, với việc thực hiện hành trình một mình một xe đi khắp mọi miền đất nước, Bông Mai đã có cơ hội gặp gỡ hàng triệu gương mặt và ghi lại những câu chuyện đời sống đầy màu sắc của đồng bào trên khắp mọi miền đất nước. Từ đó, nhà báo Bông Mai đã truyền đi thông điệp “Dám sống một cuộc đời rực rỡ” với hy vọng thúc đẩy công chúng nói chung, những người phụ nữ nói riêng phá bỏ các định kiến xã hội và giới hạn của bản thân để thực hiện ước mơ của mình.

“Đây là chuyến đi một mình một xe, nhưng tôi không hề cô đơn vì có biết bao đồng bào trên cả nước đã yêu thương, chăm sóc và dõi theo tôi. Tôi muốn kể lại những sắc màu ấy, muốn khoe những người bạn, người thân tôi đã may mắn được gặp trên hành trình này, trong triển lãm Dám sống một cuộc đời rực rỡ” - Bông Mai chia sẻ. 

Tôi phát hiện… mình rất quảng giao

Một mình xuyên Việt 99 ngày, đó không phải ý tưởng nhất thời và cũng không phải sự liều lĩnh, với Bông Mai. Chị đã đi nhiều và lần “tập dượt” gần nhất là chuyến đi 17 ngày khám phá miền Trung - Tây Nguyên. Bông Mai có 3 tháng chuẩn bị rất kỹ cho chuyến đi: Đọc tài liệu, phân tích, học sửa xe, chuẩn bị đồ, tập luyện thời gian ăn uống... “Sự chuẩn bị kỹ lưỡng đó khiến tôi không bị động trong tình huống khác nhau, đôi khi có những thay đổi không lường trước được” - chị cho biết. 

“Phụ nữ hiếm khi soi lại mình thực sự muốn gì” - ảnh 4
Nhà báo, ca sĩ Bông Mai trong hành trình

Bông Mai bảo có thể do chị may mắn, hoặc có thể do chị biết cách khiến cho hành trình 99 ngày không gặp biến cố nào cả. Nhưng, điều quan trọng theo chị là phải biết cách kết nối, phải hiểu mình muốn gì trong hành trình này để mình không quá tham lam dữ liệu. “Cũng có những điểm đến nhưng văn hóa dân tộc không còn như xưa nữa, bị mai một. Tôi thấy buồn và tiếc vì sao không có người gìn giữ những nét văn hóa đó” - Bông Mai bày tỏ. 

Với Bông Mai, chuyến đi khiến chị thay đổi nhiều suy nghĩ: “Tôi là người sống khép kín, nhưng giá trị tôi nhìn thấy trong chuyến đi này là tôi phát hiện mình rất quảng giao. Tôi hiểu rằng sự kết nối không đến từ việc mục đích kết nối là gì, mà đến từ việc mình có tình cảm tự nhiên. Gặp ai đó mình muốn thân thiện chân thành, đó là cách kết nối tốt nhất. Tôi sống chậm hơn, không bị những thứ xô bồ hay cơm áo gạo tiền chi phối. Tôi nhận ra khi mình có hạnh phúc thì mới có thể cho đi”.

Chị cũng chia sẻ thêm rằng: “Tôi nhận thấy phụ nữ ngày nào cũng soi gương để phát hiện những điều thay đổi bề ngoài của mình nhưng hiếm có lúc nào dừng để soi lại bản thân, nội tâm mình thực sự mong muốn điều gì trong cuộc sống. 

Tôi cũng nhận ra rằng, không cần đợi có tiền mình mới có thể giúp đỡ người khác. Nếu có hạnh phúc, niềm tin, sự tích cực để chia sẻ, đó cũng là cách bạn có thể giúp những người xung quanh mình”. 

Bông Mai sẽ tiếp tục chia sẻ những câu chuyện chị gặp trên hành trình với: 99 ngày rong ruổi, 99 ngày tìm hiểu về trang phục dân tộc và 99 ngày độc hành nhưng không cô đơn, trong cuốn sách về trang phục dân tộc và du ký, dự định ra mắt vào tháng 8 tới. Trên hết, 99 ngày xuyên Việt là sự chuẩn bị, tập luyện về sức khỏe, kiến thức, kinh nghiệm… để 4 năm nữa khi Bông Mai 50 tuổi, chị sẽ thực hiện hành trình vòng quanh thế giới. “Tôi tập luyện kỹ lưỡng để hành trình tiếp theo ý nghĩa hơn” - nhà báo chia sẻ.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.