Phụ nữ trong mùa dịch

Chia sẻ

Trên mạng xã hội nhiều người vẫn thường đùa nhau: “F0 không đáng sợ bằng FA”. Nói đùa cho vui thế còn thực ra nhiều người vẫn tỏ ra rất lo sợ và hoang mang trước vấn đề F0.

Chỉ cần thấy hắt hơi, sổ mũi, húng hắng ho là họ đã vội vã test rồi ngay lập tức “cúng face” bằng những hình ảnh kit thử một vạch, hai vạch. Ấy vậy mà trong hoàn cảnh đó vẫn có những phụ nữ tỏ ra hết sức tỉnh táo, bình tĩnh.

Ở cơ quan tôi hôm rồi có một cô chuyên viên đã đi làm trở lại sau gần hai tuần mà cô nói rằng còn “khổ hơn cả F0”. Sở dĩ lại nói thế là bởi vì trong khoảng thời gian ấy, hết chồng, bố mẹ chồng và hai con gái đều dương tính với Covid-19. Nhưng thật bất ngờ, dù đã test nhanh hay test PCR, kết quả của cô vẫn cứ là âm tính và… âm tính. Vậy mà đổi lại, cô gần như “sập nguồn” vì phải chạy đi mua bán và chăm sóc, phục vụ cơm nước cho cả nhà.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bất chợt, người viết có một suy nghĩ: Trong đại dịch, giữa muôn vàn ca F0 ấy, những người phụ nữ đó đã sống thể nào? Bỏ qua những trend khoe kit hai vạch, một vạch, người viết đã đọc những status đầy chân thật của bạn bè. Dịch bệnh tuy không phải là chiến tranh đe doạ sinh mạng từng người nhưng cũng đủ làm tổn hại sức khoẻ và kinh tế. T

rước thử thách đó, người phụ nữ “chân yếu tay mềm” đã không nản lòng. Đọc những gì họ viết về những cơn sốt, những cơn đau ê ẩm nhưng vẫn quán xuyến gia đình, chăm sóc chồng con mới thấy họ bản lĩnh, vững vàng và không hề nao núng trước đại dịch hay bất kỳ khó khăn nào của đời sống đến thế nào.

Đôi khi, chúng ta vẫn nhắc đến những bất cập trong lối sống của một số phụ nữ hôm nay. Nhắc đến phái đẹp là ai cũng nghĩ ngay đến shopping, spa… hưởng thụ. Mỗi khi cần sang chảnh, điệu đà thì quả thật chẳng ai bằng họ. Nhưng có ý kiến khác lại cho rằng: phụ nữ hôm nay làm ra làm, chơi ra chơi, họ sính hàng hiệu nhưng cũng đâu nề hà công to việc lớn gì?

Hôm trước, tôi giật mình khi thấy cậu nhân viên trong phòng bàn giao những tài liệu mà một đồng nghiệp vừa phát hiện bị F0 đã hoàn thành. Có nghĩa là, ngay trong cái đêm nhận biết được tình trạng sức khoẻ của mình, cô đồng nghiệp ấy đã gấp rút hoàn thành toàn bộ công việc. Sự cố gắng của cô không chỉ nói lên tinh thần trách nhiệm mà còn cho thấy cô là người rất điềm tĩnh. Điều này khác hẳn với thái độ làm việc của nhiều người kiểu đi làm cho vui, chỉ mong hết giờ làm hoặc đến cuối tuần là xách túi, lấy xe ra về.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Sẽ là quá lời nếu nói dịch bệnh là phép thử đủ nói lên cách sống và vẻ đẹp của những người phụ nữ hôm nay. Nhưng sẽ là thiếu sót nếu không để tâm tới những nỗ lực của họ từng ngày, từng giờ. Hôm rồi, nhân ngày 8 tháng 3, một lãnh đạo trong cơ quan tôi đột nhiên phát hiện ra một điều và thốt lên: “Hôm nay là ngày 8/3 buồn nhất mà tôi từng trải qua”. Tưởng anh nói vui, nhưng khi để ý đến các phòng ban đều vắng bóng chị em phụ nữ, mấy anh em mới thấy thực sự như vậy.

Những ngày này, thay vì được diện váy, áo đẹp, được nhận hoa và những lời chúc, họ đang ở nhà để đối đầu với những cơn sốt li bì, những cảm giác rất khó chịu và còn cả những sự khủng hoảng về tâm lý. Họ đang dũng cảm vượt qua thách thức của nhân loại để mong sớm trở lại góp sức vun vén, lo toan cho cuộc sống này.

Trên mạng xã hội facebook xuất hiện nhiều bài viết của chị em phụ nữ đã công phu sưu tầm, tổng hợp những kỹ năng, kinh nghiệm chăm sóc F0 tại nhà để chia sẻ và lan toả. Đó là những bài báo chính thống rất có giá trị. Thay vì chỉ lo bản thân, họ luôn ý thức đến việc chăm sóc, giúp đỡ, san sẻ cùng cộng đồng. Từ một hành động nhỏ như thế cũng đủ nói lên suy nghĩ, tấm lòng của họ.

Những ngày này trên trang cá nhân của họ vắng bóng những dòng tâm trạng oán trách, than vãn mà thay vào đó là những sự khích lệ, giúp mọi người thêm ấm lòng. Một sự thay đổi thực sự đến khi trong cộng đồng đang có rất nhiều ca F0. Chưa bao giờ tình người, sự cảm thông, trân trọng, thấu hiểu lại được phát huy mạnh mẽ đến thế. Nếu như đàn ông là những người lo toan những quyết sách, vấn đề lớn thì phụ nữ lại chú ý đến những góc khuất, đến cá nhân dễ bị tổn thương, cần được chăm sóc, hỗ trợ. Sự nhạy cảm, tinh tế của phụ nữ là ngọn lửa ấm lòng mà chúng ta thường bắt gặp trong cuộc đời.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nếu nói rằng ở một góc độ nào đó phụ nữ trở thành điểm tựa tinh thần trong cuộc sống hôm nay hẳn có người sẽ phản đối: “Làm gì có chuyện ngược đời đến thế? Phụ nữ chỉ là phụ nữ, đàn ông chẳng làm chỗ dựa cho phụ nữ thì thôi, đằng này…”.

Nhưng nếu tiếp cận suy nghĩ đó ở góc độ khác, nhận ra sự mạnh mẽ ở phụ nữ thì cũng đâu có sai. Trong cuộc sống này, khi chúng ta nhắc nhiều đến sự bình đẳng, đến vị thế của phụ nữ sẽ càng thấy rõ việc họ ngày càng khẳng định mình sẽ tạo ra những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống. Chẳng có quan niệm nào mặc định phụ nữ là phải yếu mềm, thụ động, và nếu để lộ sự mạnh mẽ của mình ra thì họ sẽ mất đi vẻ nữ tính, sẽ không còn là phái đẹp nữa.

Người phụ nữ với những giá trị tốt đẹp là niềm tự hào của chúng ta. Dù ở vào hoàn cảnh nào họ cũng vẫn tìm ra con đường để thu xếp, vun vén cho tổ ấm của mình, góp phần tạo ra sự bình yên cho cộng đồng và xã hội. Bàn tay người phụ nữ chính là “kháng thể” kỳ diệu nhất và cũng bình dị nhất để xua đi nhưng mệt nhọc, dẫn dắt chúng ta trong gian khó. Phụ nữ đâu chỉ đẹp, đáng yêu, đâu chỉ khéo léo mà còn diệu kỳ trong cuộc sống hôm nay. Vượt qua thử thách của đại dịch, phụ nữ càng đáng khâm phục và trân trọng hơn trong sự nhìn nhận của một nửa thế giới này…

MAI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Nâng cao hiểu biết cho người lao động

Nâng cao hiểu biết cho người lao động

(PNTĐ) - Đa phần công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố đến từ các tỉnh/thành. Trong bối cảnh thế giới ảo đang có sức hút lớn, kênh giải trí chủ yếu của nhiều công nhân lao động là internet, rất cần có các hoạt động để nâng cao hiểu biết pháp luật, chăm lo đời sống tinh thần, tập hợp, thu hút, định hướng tư tưởng công nhân lao động.