Phụ nữ và trẻ em gái - cần đặt là trọng tâm để bảo vệ

Chia sẻ

Tại buổi tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm đưa tin về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” do Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phối hợp với UNESCO tổ chức, các nhà báo đã trao đổi kinh nghiệm và bài học có ích cho phóng viên, biên tập viên và cả người dân khi đăng tin về bạo lực giới trên truyền thông.

Tại buổi tọ đàm, ông Ngô Minh Hiển, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam hy vọng, tọa đàm sẽ là cơ hội để đội ngũ phóng viên, biên tập viên chuyên trách trao đổi kinh nghiệm làm nghề, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tác nghiệp thực tế, từ đó rút ra bài học nhằm nâng cao kỹ năng đưa tin, viết bài về các chủ đề nhạy cảm như xâm hại tình dục, bình đẳng giới, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, bảo vệ người yếu thế trong xã hội...

Ông Christian Manhart – Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cũng đánh giá cao vai trò của truyền thông trong việc nâng cao nhận thức, giáo dục cũng như góp phần thay đổi thái độ và hành vi của cộng đồng. Truyền thông có thể tiếp cận tới đông đảo người dân trong xã hội trên diện rộng, hình thành và ảnh hưởng tới suy nghĩ và nhận thức về “những gì được xã hội coi là đúng đắn”. Theo ông Christian, trong đại dịch Covid-19, bạo lực với phụ nữ đã tăng nhanh chóng. Theo một báo cáo vừa được công bố của tổ chức UN Women, có tới 45% phụ nữ cho biết đã phải trải qua một vài dạng bạo lực. “Chúng tôi cho rằng các nhà báo ở bất kỳ loại hình truyền thông nào (truyền hình, phát thanh, in ấn hay truyền thông trực tuyến) cũng đều cần biết cách thu thập thông tin và xây dựng nội dung tin bài một cách hợp lý nhằm góp phần phòng chống tình trạng bạo lực giới” – ông Christian Manhart hi vọng.

Ông Christian Manhart – Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu tại Tọa đàmÔng Christian Manhart – Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm

Mới đây, UNESCO vừa giới thiệu phiên bản tiếng Việt cuốn cẩm nang “Đưa tin về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái – Cẩm nang dành cho nhà báo” và “Đối thoại thận trọng: Cẩm nang giải quyết bạo lực với phụ nữ trong và thông qua truyền thông” đến các nhà báo. Cẩm nang là tài liệu dùng cho những người làm truyền thông, báo chí, cung cấp thông tin về 10 chủ đề liên quan tới vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời đưa ra các khuyến nghị liên quan tới đạo đức nghề nghiệp khi đưa tin…; góp phần nâng cao giá trị tính bình đẳng và phi bạo lực của các sản phẩm truyền thông…

Chia sẻ về kinh nghiệm đưa tin, nhà báo Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông cho rằng, các nhà báo cần thận trọng khi đưa tin, đặc biệt là danh tính, địa chỉ, tên tuổi… của họ. “Nạn nhân không muốn bị phán xét, đánh giá bởi người quen, họ hàng. Do đó, khi tiếp xúc với họ, nhà báo cần khéo léo giúp họ có một tâm lý thoải mái, không chất vấn, hạn chế các câu hỏi mang tính phán xét, nghi ngờ như “tại sao?”…” – nhà báo Trung Tuyến khuyên.

Còn TS Đỗ Anh Đức, giảng viên đại học KHXH&NV Hà Nội thì cho rằng, các thông điệp truyền thông cần được “mã hoá” ở mức độ nhất định, không nên “phơi bày” tất cả sự thật. Các chi tiết khi đưa tin trên truyền thông cần cân bằng, thận trọng. Các bài viết cần chú ý tránh “đổ lỗi” cho nạn nhân, không nên đưa quá chi tiết bạo hành, xâm hại tình dục hay sử dụng các hình ảnh, lời nói ẩn dụ, “hoa mỹ” khiến độc giả hiểu sai lệch câu chuyện…

Nhà báo Hoàng Như Hoa, Phó Trưởng ban Ban Biên tập tin trong nước, Thông tấn xã Việt Nam cũng nêu quan điểm: Các nhà báo đều bất bình và có xúc cảm mạnh mẽ để đưa tin về các vụ việc bạo lực giới. Song việc đưa tin của phóng viên cần có kỹ năng để nạn nhân không bị tổn thương thêm một lần nữa. Theo đó, các bài viết cần đảm bảo sự ẩn danh của nạn nhân, cẩn trọng khi đưa các chi tiết, dấu hiệu nhận biết danh tính nạn nhân như trường, lớp, địa bàn cư trú, người thân… Về thông tin, các phóng viên cần tránh sa vào miêu tả chi tiết, thông tin phản ánh không quá dài, không gây phản ứng ngược; cần cố gắng để không chỉ phản ánh sự việc đơn thuần mà phải có chính kiến của nhà báo, toà soạn. Các hình ảnh nhạy cảm, nhà báo có thể sử dụng đồ hoạ thay thế...

Với kinh nghiệm nhiều năm làm báo truyền hình về vấn đề bình đẳng giới, phòng chống bạo lực phụ nữ, trẻ em, nhà báo Bùi Thị Bích Hường, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ: Thông tin về các vụ việc xâm hại, bạo lực giới rất nhạy cảm, do đó, khi đưa tin, các nhà báo cần khéo léo trong nội dung, tế nhị trong hình ảnh để người yếu thế có cảm giác động viên, chia sẻ và đòi được công bằng...

QUỲNH AN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.