Quan trọng là sự thống nhất của hai vợ chồng

Chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn
Chia sẻ

(PNTĐ) - Người phụ nữ trẻ ấy đến văn phòng tư vấn tâm lý - hôn nhân của chúng tôi với câu hỏi: “Cháu chỉ muốn nhờ các bác dạy cháu cách nói với bố mẹ chồng cháu để ông bà đồng ý cho chúng cháu làm nhà ở Hà Nội, chứ về quê thì chúng cháu không phát triển được. Tết vừa rồi về quê, gia đình cháu nặng nề vì chuyện này”.

Cô gái Từ Liêm trước đây học cùng trường, khác khoa với chàng trai tên Hưng, người ở một tỉnh cách Hà Nội chưa đến 100 cây số. Ra trường họ làm đám cưới, ở tạm nhà bố mẹ đẻ của Thảo (tên người vợ trẻ). Thảo làm kế toán cho một công ty tư nhân, công việc ổn định.

Chồng Thảo được người bác họ giới thiệu vào làm cho một công ty tàu biển, một năm đi tàu từ 8 đến 10 tháng. Sau mỗi chuyến đi, Hưng được nghỉ cả tháng, lại về quê với bố mẹ ít ngày, rồi lên Hà Nội với vợ. Vợ chồng trẻ sống xa nhau cũng vất vả, nhưng cả hai nghĩ đến tương lai, nên tính cố gắng ít năm, khi có vốn liếng khá, sẽ kinh doanh riêng hoặc xin vào làm cơ quan nào gần nhà. Cả hai vợ chồng sinh năm 92 ấy đã có một bé gái 4 tuổi.

Bố mẹ Thảo có hai cô con gái và một cậu con trai. Nhà cửa, đất cát rộng rãi, tuy là ở vùng mới lên quận, nhưng đất đai cũng là một món tài sản có giá trị lớn. Thương các con phải sống xa nhau, kinh tế chưa có gì nhiều, nên từ ngày lấy nhau nhất là khi đã sinh con, vợ chồng Thảo nhờ vả ông bà ngoại nhiều. Bố mẹ Thảo cũng lo con rể có tâm lý không thoải mái khi về ở chung sống với bố mẹ vợ, nên đã cho con rể và con gái vài chục mét đất. Ông bà nói, nếu vợ chồng có điều kiện thì làm nhà riêng ra chỗ đất đó mà ở cho thoải mái, không phải ở trong một gian nhà cùng bố mẹ như hiện nay. Thật ra, ở Hà Nội, dù là ngoại thành, có đất mới quan trọng, chứ xây nhà không khó, có thế nào tạm xây ở vậy, rồi sau nâng cấp dần. Thế nên, vợ chồng Hưng – Thảo cũng có dự định năm tới xây nhà riêng ở Hà Nội, trên mảnh đất bố mẹ Thảo cho.

Quan trọng là sự thống nhất của hai vợ chồng - ảnh 1
Ảnh minh họa

Bố mẹ Hưng còn trẻ, khỏe, nhà có hai con, Hưng là trai, em gái cũng đã yên bề gia thất. Gia đình Hưng là gia đình “thuần nông”, ở một vùng “thuần chiêm trũng”, nơi còn lưu giữ khá nhiều điều được coi là “đất lề quê thói”. Giỗ, Tết, nhà thờ, dòng họ, thờ cúng… là những điều mọi người trong gia đình Hưng đặc biệt quan tâm. Đất đai nhỏ hẹp, giữa làng, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp và có chút thu nhập từ nghề đi xây của bố Hưng. Hưng là con trai duy nhất, mọi trông đợi đều phụ thuộc vào Hưng.

Khi Hưng lấy vợ ở Hà Nội, bố mẹ Hưng cũng chưa hài lòng lắm. Lấy nhau xong, con dâu không về nhà chồng mà ở lại nhà mình là điều không vui thứ hai. Hai năm sau, đôi vợ chồng trẻ sinh con gái, lại do một tay ông bà ngoại chăm sóc là nỗi buồn thứ ba. Mỗi khi có họp hành, tụ tập, giỗ chạp, các bà cô của Hưng đã bóng gió rằng “Mai kia chúng tao phải lên Hà Nội ăn giỗ các cụ à? Các cụ có theo chúng mày lên đấy không? Đất có thổ công, sợ cụ kỵ mình lên, thổ công nhà người ta không cho vào, các cụ lại nhịn đói!”. Bà mẹ Hưng thì lên kế hoạch, giao nhiệm vụ cho Hưng kiếm tiền, bao giờ đủ thì về nhà xây cái nhà to, dành riêng một gian chính giữa làm “bàn thờ gia tiên tiền tổ”. Rồi sớm muộn cũng phải sinh con trai, sẽ phải về quê sống và làm việc để gần gũi, phụng dưỡng bố mẹ.

Mấy tháng Hưng đi làm xa, khi về đất liền là rất nhớ vợ con, nên anh thường lên thẳng Hà Nội, rồi ít ngày sau mới về nhà thăm bố mẹ. Vì thế mà bị bố mẹ giận dỗi, nói bóng gió, mát mẻ rằng con trai bất hiếu, quên bố mẹ, bị vợ con và nhà gái “giật dây”. Thảo cố gắng gần gũi bố mẹ chồng bằng cách thường xuyên gọi điện thăm hỏi ông bà, gửi quà biếu và cũng năng về quê vào những dịp giỗ Tết, ngay cả khi chồng không ở nhà. Tuy nhiên, bố mẹ chồng vẫn lạnh nhạt với con dâu. Mỗi khi Thảo gọi điện, bố mẹ chồng chỉ nói “cho tao nói chuyện với con Cún tí”, rồi nói vài câu xã giao rồi thôi. Chưa bao giờ ông bà chủ động lên thăm hay gửi cho cháu chút quà, dù chỉ là chục trứng gà quê, vài bắp ngô nhà trồng, nhưng rất quan tâm đến lương, thu nhập của vợ chồng con trai, con dâu.

Với tình hình trên, Thảo rất lo lắng và không biết nói với bố mẹ chồng thế nào về việc ra Giêng hai vợ chồng dự định xây nhà ở Hà Nội. Hưng, chồng Thảo là người đàn ông thương vợ, yêu con, sống có trách nhiệm, lương thiện, không nghiện ngập, có học hành, có ý chí, nhưng theo đánh giá của Thảo là người “không kiên định lập trường”, vì thế sợ anh cũng bị bố mẹ ngăn cản, gây áp lực, không đồng lòng nhất trí cùng vợ xây dựng mái ấm tương lai.

Quan trọng là sự thống nhất của hai vợ chồng - ảnh 2
Ảnh minh họa

Trao đổi, trò chuyện với người vợ trẻ, chúng tôi khen ngợi hai bạn “dân 9x” mà đã có nhiều thứ trong tay. Họ có tình yêu, có con cái, có nghề nghiệp, có nơi ăn chốn ở khá ổn định. Đúng là mục tiêu trước mắt của đôi vợ chồng trẻ là khẳng định bản thân trong công việc, kiếm tiền, chăm sóc con cái, vun đắp tình cảm vợ chồng, tích lũy, mua sắm cho cuộc sống hiện tại, chứ chưa cần nghĩ quá xa tới việc sau này ở đâu, nhà thờ tổ xây thế nào, ai thờ cúng ai, ở đâu.

Chúng tôi cũng chia sẻ với Thảo cách vợ chồng bàn bạc, thống nhất, lập kế hoạch cho tương lai và “ứng phó với bão tố” nếu có từ phía gia đình chồng. Hai bạn trẻ đã là những người trưởng thành, có nhiều việc phải tự quyết định, không phải việc gì cũng đợi bố mẹ “cấp phép” mới dám làm, bởi con cái và cha mẹ khác nhau từ hướng nhìn, đến mục đích, từ quan điểm tới lối sống, không phải lúc nào cũng nhận được sự đồng thuận. Hai bạn cứ chuẩn bị tài chính, cứ thiết kế ngôi nhà mình dự định xây, cứ xem ngày khởi công.

Hôm nào đó vợ chồng về quê, cả hai cũng “thưa chuyện” với bố mẹ chồng rằng chúng con được ông bà ngoại cho ít đất, sẽ “xây tạm” ngôi nhà để ở riêng cho tiện lợi, thoải mái. Sau này kinh tế khá giả, các cháu lớn, học hành trọn vẹn, sẽ xin phép bố mẹ sửa chữa, cải tạo, nâng cấp ngôi nhà của gia đình để làm nơi đi về. Nhân tiện, hai bạn cũng có thể mời “ông nội con bé” lên chơi, trông coi giúp công trình xây dựng.

Hãy biến chuyện phức tạp thành chuyện đơn giản, biến việc xây dựng nhà kiên cố để ở lâu dài thành “xây nhà tạm để ở” và có kế hoạch cho lâu dài là “về quê”. Như vậy, hai bạn sẽ không thấy áy náy, bố mẹ chồng cũng không sợ con cháu bỏ quê, bỏ mình. Những ý kiến của người khác, không phải ruột thịt, không cần quá quan tâm.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.