Sau ly hôn liệu có thể làm bạn?

Mai Ngọc
Chia sẻ

(PNTĐ) - Vợ chồng không thể cùng nhau đi đến hết cuộc đời, đó là duyên số. Nhưng cái nghĩa, cái tình và mối ràng buộc với con cái thì không thể chối bỏ. Sau ly hôn nhiều đôi coi nhau như kẻ thù không đội trời chung. Họ chặn hết mọi mối liên hệ, có khi còn cấm cản không cho gặp con. Rồi đôi bên thi nhau nhồi vào đầu bọn trẻ những điều không tốt đẹp về bố, mẹ của chúng. Vậy sau ly hôn liệu có thể là bạn?

Vợ chồng chị Nguyệt ở Cầu Giấy mặn nồng bên nhau được 8 năm có hai đứa con đủ nếp, đủ tẻ thì chia tay nhau trong im lặng. Sau khi ly hôn, chồng chị Nguyệt để lại ngôi nhà cho 3 mẹ con, còn anh ra ngoài thuê một căn nhà nhỏ gần đó sống. Một tuần, cứ lúc rảnh là anh đến thăm con. Anh cũng cố định 1 tuần 2 lần đón con đi học về hoặc đưa con đi chơi. Những dịp lễ, Tết, hai anh chị vẫn cùng các con đi chơi hoặc đến tham dự buổi tiệc của bạn bè thân thiết mời. Vì vậy, hai đứa trẻ nhà chị vẫn hồn nhiên, không nghĩ bố mẹ chúng chia tay mà chỉ nghĩ bố mẹ vẫn rất vui vẻ, chỉ là bố hay đi “công tác” do bận công việc mà thôi.

Chị Nguyệt chia sẻ, khi hết tình cảm thì việc ly hôn không sớm thì muộn sẽ diễn ra. Tôi rất thương bọn trẻ còn bé chưa hiểu chuyện mà lại thiếu vắng đi tình thương yêu của bố hoặc mẹ. Do đó, trước khi ly hôn chúng tôi thống nhất vẫn cố gắng giữ mọi nếp sinh hoạt của gia đình, tránh đảo lộn, tránh làm tổn thương đến bọn trẻ. Được cái, cả hai cũng đều mong mỏi luôn dành mọi thứ tốt đẹp nhất cho con. Con cái là của chung không được tước đi cái quyền đó.

Sau ly hôn liệu có thể làm bạn? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Cũng như gia đình chị Nguyệt, gia đình chị Hòa ở Bắc Từ Liêm chỉ êm ấm được 5 năm. Hậu ly hôn, chị Hòa cùng đứa con gái nhỏ mới 4 tuổi đi thuê nhà khác ở. Căn nhà thuê cũ thì chồng chị và người mới của anh ở. Nhìn đứa con bé bỏng mà chị đau lòng bởi tình cảm chị dành cho chồng vẫn còn nhiều. Song anh đã vì người khác dứt áo ra đi nên chị cũng không níu kéo. Tuy có người mới và nơi ở cũng cách khá xa hai mẹ con chị Hòa, song lương tâm của người làm cha khiến anh luôn suy nghĩ về con và thương con.

Vì thế, dù ly hôn đã 7 năm, song trong suốt từng đó năm, hàng tuần anh vẫn qua lại kiểm tra, động viên con học hành, thỉnh thoảng đưa con đi chơi, đi mua đồ dùng mà con cần. Anh cứ lẳng lặng thực hiện nghĩa vụ của người làm cha để bù đắp sự thiệt thòi của con. Về phần chị Hòa, những dịp lễ Tết, chị vẫn cho con về nhà nội và quan hệ của chị với gia đình nhà chồng vẫn bình thường như trước. Dù vợ mới của chồng cũ thỉnh thoảng cũng tỏ thái độ, nhưng chồng cũ của chị Hòa vẫn kiên định việc chăm sóc con gái chu đáo.

Chị Hòa tâm sự, dù có trưởng thành thì người lớn vẫn gặp phải những sai lầm không thể sửa được. Bây giờ, việc chồng cũ của tôi có gia đình mới tôi không còn quan tâm. Việc anh muốn sang nhà chăm sóc con tôi cũng không cấm cản. Tôi không nỡ lòng nào cắt đứt tình cảm của hai bố con. Chúng tôi bây giờ giống như hai người bạn, cùng đồng hành chăm sóc con, để con không bị thiệt thòi và để con trưởng thành trong tình yêu thương của cả bố lẫn mẹ. 

Sau ly hôn liệu có thể làm bạn? - ảnh 2
Ảnh minh họa

Con trẻ được sinh ra, chúng có quyền đủ bố, đủ mẹ, có quyền được nhận sự chăm sóc của cả hai. Dù bố mẹ không còn sống với nhau thì sự chăm sóc đó vẫn cần duy trì không thay đổi. Đứa con chung của vợ chồng mang dòng máu của cả hai. Vì vậy thật đau xót cho chúng nếu bố hay mẹ lại tước đi những điều thiêng liêng ra khỏi cuộc đời con trẻ. 

Làm bạn với nhau sau ly hôn với nhiều người là điều không dễ thực hiện. Tuy nhiên, điều đó cũng không quá khó nếu cả hai biết hạ “cái tôi”, biết nghĩ đến những đứa con của mình. Cuộc sống cho thấy, nhiều cặp đôi, sau ly hôn vẫn chọn cách giữ mối quan hệ hòa bình, dành tất cả những điều tốt đẹp nhất cho các con. Như trường hợp của anh chị Ngà ở Hà Đông. Đau khổ do chồng phản bội, thời gian đầu ly hôn, chị Ngà rất hận người chồng bội bạc và không muốn chồng cũ đến thăm con. Phải mất một thời gian dài, nhận thấy tình cảm chân thành chồng cũ dành cho con thì chị Ngà mới dần nguôi ngoai, dần dần “bắt tay” cùng chồng nuôi dạy con trưởng thành. 

“Thỉnh thoảng cả nhà tôi lại tổ chức đi ăn, đi chơi đâu đó cho con cái cảm nhận được không khí gia đình ấm áp. Chúng tôi còn điều tiết nếu một trong hai người đi làm vắng thì người còn lại sẽ lo cho con cái. Mọi việc dù lớn hay nhỏ liên quan đến các con đều được cả hai bàn bạc và đi đến thống nhất chung. Chính vì thế, bọn trẻ nhà tôi cảm nhận được tỉnh cảm mà bố mẹ dành cho chúng nên cũng không có những thay đổi tiêu cực về tâm sinh lý như nhiều đứa trẻ khác mà bố mẹ cũng ly hôn. Quan trọng hơn không bị hội chứng hụt hẫng vì cha mẹ ly hôn. Ly hôn là chuyện giữa hai người lớn nhưng không thể vì vậy mà thay đổi mối quan hệ giữa bố và con - chị Ngà chia sẻ.

Sau ly hôn liệu có thể làm bạn? - ảnh 3
Ảnh minh họa

Có thể nói, sự hận thù, oán ghét lẫn nhau của cha mẹ sẽ chẳng mang lợi ích gì ngoài việc làm cho các con thấy cuộc đời bế tắc. Điều đó không chỉ khổ những đứa con mà còn làm khổ chính bản thân mình. Ly hôn là điều không ai muốn nhưng nó đã xảy ra. Song, tình thương của cha mẹ dành cho con cái là vĩnh cửu nên cần phải giữ gìn điều thiêng liêng đó cho con thay vì tìm mọi cách để chia rẽ, ngăn cấm. Điều đó chỉ làm khổ những đứa con và chính bản thân mình. Với suy nghĩ đó, hiện nay đã có nhiều cặp vợ chồng sau cú sốc ban đầu, họ bình tâm lại, nhận ra mình còn có chung nỗi bận tâm là đứa con nên đã dần thay đổi suy nghĩ, cách ứng xử, giữ sự cân bằng và sự tôn trọng nhau sau khi ly hôn.

Thậm chí có những cặp khi hết duyên trăm năm lại trở thành bạn thân, cùng nhau nuôi dạy con cái và chia sẻ nhiều vấn đề trong cuộc sống, không để con cái phải hụt hẫng về tình cảm do cha mẹ ly hôn. Vì vậy, làm bạn sau ly hôn chính là cách ứng xử thông minh và văn minh của các cặp vợ chồng “đường ai nấy đi”. Làm được điều đó bản thân người trong cuộc cần phải vượt qua được cái tôi to lớn trong bản thân để suy nghĩ đơn giản hơn, nhẹ nhàng hơn.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.