Sinh hoạt phí - vợ chồng có nên “cưa đôi”?

Mai Ngọc
Chia sẻ

(PNTĐ) -Hòa và Thắng yêu nhau 5 năm, mới về một nhà được 2 năm nay. Vì là người cùng xã nên hai bên gia đình biết khá rõ nhau, cộng với hai vợ chồng Hòa ở riêng nên cuộc sống làm dâu của Hòa phải nói là “dễ thở”.

Hòa có mối quan hệ tốt với mẹ chồng. Bà mới nghỉ hưu được hai năm nay và là một người khá tâm lý. Hòa cũng là người biết trên, biết dưới nên mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu không có va chạm gì. Đôi vợ chồng trẻ có cuộc sống ngọt ngào. Bản thân Hòa cũng tốt nghiệp trường đại học, ra trường vào làm ở một doanh nghiệp, lương bổng khá cao.

Tuy rằng không bằng lương chồng song với phần lớn người mới ra trường, nhất là phụ nữ thì thu nhập của Hòa là điều nhiều người ao ước. Còn Thắng có thu nhập rất cao, mà lương cao cũng đồng nghĩa với cường độ làm việc rất gắt gao. Sáng nào cũng vậy, 6 rưỡi sáng Thắng đã trên đường đi làm. Tối phải hơn 8 giờ mới có mặt ở nhà. Thậm chí có khi làm thêm thì vài ngày vợ chồng không thấy mặt nhau là bình thường. 

Sinh hoạt phí - vợ chồng có nên “cưa đôi”? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Đầu năm ngoái, thấy kinh tế ổn định, Hòa quyết định hy sinh sự nghiệp để mang bầu, sinh con. Hòa nghỉ việc tại công ty và làm tại một cơ sở sản xuất nhỏ gần nhà. Thu nhập thấp song Hòa có nhiều thời gian rỗi. Sáng Hòa đi làm từ 8 rưỡi sáng, chiều 5 giờ đã có thể về nhà. Vì vậy, sáng Hòa có thời gian làm bữa sáng cho chồng, làm việc nhà. Chiều về cũng thoải mái thời gian đi chợ, chuẩn bị đồ ăn đợi chồng về.

Từ khi Hòa nghỉ việc chỗ có thu nhập cao, bố mẹ Hòa dù không nói ra, song họ cũng tiếc nuối sự nghiệp của con gái nhưng cũng thấu hiểu vì hoàn cảnh gia đình như vậy. Nếu vợ chồng ai cũng bận rộn thì mái ấm dần dần sẽ nguội lạnh. Mẹ Hòa cũng nhắc nhở con gái, đã hy sinh như vậy thì cần phải nắm kinh tế gia đình trong tay. Với Hòa, đây không phải vấn đề quá quan tâm bởi lương của Thắng đổ vào hết tài khoản của Hòa, và nhất là Thắng hiểu những hy sinh của vợ.

Sinh hoạt phí - vợ chồng có nên “cưa đôi”? - ảnh 2
Ảnh minh họa

Vợ chồng Hòa - Thắng đã chọn mô hình hôn nhân chồng giao quyền lực tài chính để vợ cảm thấy an toàn. Vợ chăm sóc hôn nhân để người đàn ông chuyên tâm cho sự nghiệp. Cuộc sống cứ nghĩ sẽ êm đẹp như vậy cho đến khi Hòa sinh con và mẹ chồng lên chăm sóc cháu nội. Vì mối quan hệ tốt đẹp từ trước nên Hòa hay trò chuyện và không giấu mẹ chồng chuyện mình chuyển việc.

Thế nhưng, từ lúc biết chuyện Hòa nghỉ việc lương cao và dành thời gian cho gia đình, còn con trai mình trở thành chủ chốt kinh tế thì mẹ chồng Hòa đã nghĩ rằng Thắng thiệt thòi. Vì thế những lúc không có mặt Hòa bà vẫn khuyên con trai nên chia đều các khoản chi tiêu. Vợ chồng đều phải đóng góp số tiền như nhau. Thắng hiểu lòng mẹ nhưng đều gạt đi. Hòa cảm nhận gần đây mẹ chồng Hòa không cởi mở như trước nữa nhưng cô không để tâm lắm cho đến một hôm. 

Tối đó, Hòa cho con đi ngủ song thấy khát nước định xuống phòng khách uống nước. Đi đến cầu thang, Hòa nghe thấy mẹ chồng nói với chồng Hòa chuyện vợ chồng thì phải chia đều tất cả mọi thứ. Nhất là về kinh tế, tiền nong không nên để vợ cầm cả dễ bị “đè đầu”. Vậy là giờ Hòa đã hiểu thái độ của mẹ chồng những ngày gần đây. Bước xuống cầu thang, Hòa nói thẳng với mẹ chồng: Sòng phẳng kinh tế cũng tốt. Con nhất trí việc này. Tuy nhiên, chia đều về kinh tế thì cũng nên chia đều việc nhà. Từ bây giờ chuyện nấu nướng giặt giũ hay lau dọn, đổ rác hai vợ chồng đều phải làm cùng nhau. Con sẽ quay về công việc cũ, cũng bận rộn từ sáng đến tối, chuyện chăm cháu nội của mẹ cũng sẽ phải thuê ô sin và số tiền đó cũng chia đôi ạ. 

Thắng cũng lên tiếng: “Cả hai vợ chồng con cùng chung tay xây dựng hạnh phúc. Chồng kiếm tiền bên ngoài, vợ lo toan chuyện nhà. Con thấy cuộc sống như vậy rất tốt và rất hạnh phúc. Mẹ không phải lo cho vợ chồng con đâu”. Mẹ chồng Hòa nghe xong thì im lặng. Thật ra trước giờ bà cũng biết con trai bận nhưng bà vẫn cảm thấy thiệt thòi cho con trai khi kinh tế trong nhà là con dâu nắm giữ. Nhưng vì thái độ rõ ràng của Hòa và câu nói của Thắng mà chủ đề này bị dừng lại, mẹ chồng Hòa không nhắc tới nữa.
Có thể nói, vấn đề tài chính đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống mỗi gia đình.

Sinh hoạt phí - vợ chồng có nên “cưa đôi”? - ảnh 3
Ảnh minh họa

Trái ngược với giai đoạn yêu nhau lãng mạn, khi về chung một nhà, người trong cuộc luôn đối mặt với những gánh nặng lo toan. Trong nhiều gia đình, mâu thuẫn tài chính trở thành chướng ngại, khiến đời sống hôn nhân thiếu sự hòa hợp, ảnh hưởng đến hạnh phúc. 

Theo  thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An (cựu giảng viên Đại học Sư phạm TP HCM), kinh tế là chức năng cơ bản của gia đình. Chức năng này nhằm đảm bảo sự tồn tại và phát triển của mỗi gia đình, đóng góp vào sự phát triển của toàn xã hội. Dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, vợ chồng cũng nên thành thật với nhau về tài chính, cùng thảo luận và thống nhất việc sử dụng “tiền anh”, “tiền em” trên tinh thần xây đắp một gia đình hạnh phúc. Vợ chồng trẻ đã bàn bạc kỹ càng, nếu cha mẹ nhúng tay vào, luôn cảm thấy con cái mình thiệt thòi thì chỉ càng đẩy cuộc sống của con vào thế khó. Người trẻ tuổi có tính toán và cách sống riêng, người lớn tuổi chỉ nên nhắc nhở khi họ sai lầm.

Tham gia vào những chuyện riêng của tổ ấm nhỏ thì chỉ khiến mọi chuyện rắc rối. Người ngoài không thể dùng nhãn quan chủ quan để đánh giá sự phân chia vai trò của vợ chồng khác có công bằng hay không. Do đó, đương nhiên những lời khuyên hay sự can thiệp cũng khó mà phù hợp, chính xác.

Còn theo chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy (Giám đốc Trung tâm tâm lý chuyên nghiệp Welink) từng chia sẻ thì đàn ông sau khi kết hôn chỉ mất chút tự do, trong khi đó phụ nữ thậm chí phải hy sinh cả sự nghiệp. Do đó, việc đàn ông gánh vác kinh tế trong gia đình nhiều hơn một chút cũng không có gì là quá đáng cả. Một gia đình mà cả hai vợ chồng có thể đồng cam cộng khổ hay có thể chia sẻ những trách nhiệm tài chính hoặc những chuyện khác chính là một gia đình có nhiều tiềm năng đạt hạnh phúc và an vui. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.