Sinh nhật

Thái Thị Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) -Hôm nay là sinh nhật chị, cũng là sinh nhật của một chị đồng nghiệp thân cùng phòng. Lúc chiều, chị bạn khoe với chị về bó hoa mà từ sáng sớm con gái chị ấy đã lặn lội đi mua để chúc mừng mẹ.

Chị chúc mừng cô bạn đồng nghiệp còn nói vui sinh được cô con gái như vậy thật là thích. Rồi trong lòng chị thầm nghĩ: “Cũng là con gái mà sao chúng khác nhau đến vậy. Chẳng bao giờ chị dám hy vọng con gái mình sẽ có những hành động tình cảm như thế dành cho chị”. 

Quả nhiên, khi về đến nơi, chị thấy nhà cửa chẳng có gì khác ngày thường. Ở góc bếp, lọ hoa sứ vẫn bị xếp trong xó, cũng có nghĩa sẽ chẳng có bó hoa nào được cắm để chúc mừng sinh nhật chị. Đến một việc đơn giản vậy còn chẳng có thì chị hy vọng gì việc các con sẽ tự tay làm điều lớn lao khác cho mẹ. Bỗng dưng chị phiền lòng quá, chẳng muốn gọi các con xuống đón mình. 

Sinh nhật - ảnh 1
Ảnh minh họa

Chị đi ngang qua phòng riêng của các con. Nào ngờ, đúng lúc chúng cũng đang nói chuyện với nhau về sinh nhật của chị. 

Thằng em hỏi: “Hôm nay sinh nhật mẹ, chị có định làm gì tặng mẹ không? Hay là mình giúp mẹ nấu cơm đi, khi về, thấy cơm đã chín, mẹ sẽ ngạc nhiên lắm”.

Chị nghe thấy con chị trả lời: “Không cần, mẹ chẳng cần gì đâu. Mẹ chỉ cần chị em mình học giỏi thôi. Mà chị thì học đủ giỏi rồi. Năm học này chị được học sinh giỏi đấy”.

- Thì mình cứ nấu cho mẹ món gì đó đi. Hay là chị dắt em đi siêu thị mua mì Ý cho mẹ.

- Thôi, chị chẳng đi. Tí nữa mẹ về, chị bảo với mẹ chị được học sinh giỏi là quà cho mẹ rồi. Mà mình cũng chẳng nên đi chợ, mẹ không muốn ăn đồ siêu thị đâu, mẹ lại chê đắt. Mẹ bảo chỉ nên mua đồ ở chợ buổi sáng sớm thôi, vì buổi sáng giá rẻ hơn buổi chiều. Tốt nhất là kệ, mẹ thích làm gì sẽ tự làm. 

- Vâng ạ.

Chị nghe trọn cuộc nói chuyện của hai đứa con. Lúc đầu, chị thấy giận con gái lớn vì thấy nó quá lạnh lùng, vô tâm với mẹ. Nhưng rồi nghĩ lại, chị thấy con gái cũng chẳng sai. Hình như chính cách ứng xử của chị đã dẫn tới cách ứng xử của con bây giờ.

Chị là bà mẹ đơn thân một mình nuôi hai con. Cuộc sống của chị vì vậy cũng có phần vất vả. Đồng tiền kiếm được không dễ dàng gì nên từ bao giờ, chị thường phải nâng lên đặt xuống mỗi khi tiêu khoản gì đó. Trong nhà chị, việc ăn mặc, học hành của hai con luôn được ưu tiên. Còn lại những thứ khác chỉ là phù phiếm. Chị chỉ cắm hoa trong những dịp rất đặc biệt như Tết. Việc đi ăn ở nhà hàng, xem phim, café chị gần như không bao giờ nghĩ tới.

Cũng vì vậy, trong suy nghĩ của chị chỉ có 3 từ “phải tiết kiệm”.  Chị còn nhớ cách đây 3 năm, tự nhiên một ngày, chị thấy con gái đi siêu thị rồi mua về mấy que kem. Nó nói hôm nay là “Ngày của mẹ” nên muốn cùng mẹ ăn món gì đó ngon. Đó cũng là lần đầu tiên chị biết tới khái niệm “Ngày của mẹ”. Được con mời kem, kể cũng thích đấy nhưng khi nhìn vào cái hóa đơn nó vẫn bỏ trong túi mà chị giật mình. Vài cái kem ngoại nhập mà tận hơn 100.000 đồng. 

Xót tiền quá, chị liền mắng con: “Con đúng là con nhà lính, tính nhà quan. Chỉ là kem thôi có gì hơn mà phải mua kem ngoại để tốn tiền. Tháng này, mẹ còn bao nhiêu khoản phải tiêu, mẹ đưa con tiền đi chợ là để con mua thức ăn hàng ngày chứ không phải để phung phí như vậy. Mà nếu có muốn ăn, thì chọn cái kem rẻ tiền mà mua”. Nói xong, chị đã không để ý thái độ con bé lúc đó thế nào. Chị chỉ biết, từ lần sau, chị không thấy con mua kem trong “Ngày của mẹ” nữa. 

Chị thường bảo các con: “Mẹ chỉ cần các con học giỏi là đủ. Đó là món quà tuyệt vời nhất các con dành cho mẹ. Còn lại bao nhiêu vất vả mẹ sẽ gánh cho các con. Chẳng có bông hoa nào bằng bông hoa điểm 10 của các con. Hoa thật thì vừa tốn tiền, rồi có ngày cũng phải héo còn hoa điểm 10 thì lúc nào cũng tươi”. Thế là từ đó, hai đứa con chỉ đã coi việc phải học giỏi là cách duy nhất để thể hiện tình cảm với mẹ. Nhiều lúc chị mệt, muốn các con hỗ trợ mình nhưng nhìn chúng đang ngồi ở bàn học bài, chị lại thôi. 
Chị đã sống như vậy cho tới cái ngày đồng nghiệp khoe về con mình thì tự nhiên, chị cũng có nhu cầu cần được con chăm sóc. Chị đã không nghĩ ra nhiều lúc, chính chị lại đang khiến các con phải từ bỏ những cử chỉ yêu thương, những hành động lãng mạn dành cho chị. 

Sáng hôm sau, khi gặp con gái, chị liền bảo: “Hôm nay mẹ muốn tổ chức sinh nhật bù được không. Con gái giúp mẹ đi chợ, nấu món gì ngon nhé”.

Con gái chị tròn mắt nhìn mẹ rồi nói: “Nhưng, con đi chợ thì mẹ lại kêu là đắt, là tốn tiền thôi”.

Lần này, chị không còn ngại khi nghe đến hai từ tốn tiền nữa. Chị cười: “Thôi thì thi thoảng mẹ cho phép mấy mẹ con được tiêu hoang chút và lười biếng chút. Vì thế, con tự đạo diễn bữa cơm để mẹ nghỉ nha. Được con gái chăm sóc như thế này mẹ hạnh phúc lắm, nó giá trị hơn cả tiền”.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.