Sinh nhật đặc biệt tuổi 13

Chia sẻ

Sau 13 năm chào đời, đây là năm đầu tiên Bi tổ chức sinh nhật mà không có sự tham dự của “khách mời” nào ngoài bố và mẹ. Khách ở đây chính là ông bà, các bác và anh chị em họ của Bi.

Mọi năm, trước sinh nhật một tuần, cả nhà đã chộn rộn hỏi nhau: “Sinh nhật Bi muốn tổ chức như thế nào?” và “Bi thích được quà gì”. Bi thì vui sướng nghĩ các món quà rồi gửi cùng lời mời tới mọi người: “Bi kính mời ông bà, các bác, các anh chị ngày… tháng… năm… đến sinh nhật Bi tại địa chỉ…”.

Nhưng năm nay, cũng trước sinh nhật Bi một tuần, mọi người đã dự đoán: “Dịch dã thế này, chắc khó làm sinh nhật cho Bi được rồi”. Quả nhiên là khó thật, dịch bệnh nên đều không thể tập trung đông người.

Ông bà nội ở trong căn hộ chung cư cách nhà Bi chỉ có vài con phố. Gần đến nỗi thi thoảng, bà đi chợ, ông đi tập thể dục vẫn có thể ghé qua chơi với Bi một lát rồi về. Còn Bi đứng từ cửa sổ, cũng có thể nhìn thấy chung cư của nhà bà. Thế mà từ hồi dịch bệnh căng thẳng, ông bà và Bi đã chẳng được gặp nhau. Vào một sự kiện rất quan trọng với Bi, ông bà và các bác cũng nào tới được nên Bi không khỏi bùi ngùi. Người ta vẫn thường nói, sinh nhật tuổi 13 là dấu mốc một cậu bé bước vào giai đoạn trưởng thành.

Buổi tối, Bi lén bố, gọi sang cho ông bà, thì thào: “Hay là sinh nhật, cháu nói bố mẹ cứ tổ chức. Bà với ông và các bác vẫn bí mật sang đây rồi mình tập trung trong nhà thôi, không để cho ai biết”. Ông là người yêu và chiều Bi nhất, nên thường ít khi từ chối những mong muốn của Bi. Nhưng lần này, ông lại bảo: “Không được cháu ạ, chúng ta phải chấp hành nghiêm túc quy định phòng, chống dịch. Ông tin, mỗi người cùng tự giác một chút thì dịch sẽ chóng qua. Có như vậy ông cháu mình mới được an tâm, thoải mái gặp nhau mà không phải lo lắng hay nói dối nữa”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bi vẫn chưa tâm phục khẩu phục, nên cố nài nỉ thêm: “Không tổ chức được sinh nhật to để mời đông đủ mọi người, cháu sẽ buồn lắm”.

Ông nội đáp: “Bi vẫn còn nhiều sinh nhật nữa, ông tin Bi vẫn đợi được mà. Nhất định năm sau, ông bà không chỉ tới dự mà còn mua quà to đấp đôi đề bù đắp cho Bi nữa. Còn năm nay, ông bà và các bác vẫn sẽ có mặt trong sinh nhật Bi, nhưng là theo một cách đặc biệt thôi”.

Bi chẳng biết đó là cách gì nhưng lòng thấy vô cùng căm ghét dịch bệnh.

Sinh nhật tuổi 13 của Bi vào đúng Chủ nhật. Sáng ngủ dậy, Bi buồn bã nghĩ, thôi thì hãy coi như đó là ngày thường cho tới khi mẹ lên phòng, gọi Bi xuống ăn cơm.
“Con xuống nhanh để cả nhà còn chúc mừng sinh nhật Bi. Mọi người đang đợi con rồi nè”.

Bi ngạc nhiên quá, lẽ nào ông bà và các bác vẫn có thể đến dự được hay sao nên vội chạy ào xuống. Chẳng có ai ngoài bố và mẹ. Trên bàn ăn, mẹ bày một chiếc pizza lớn, cùng mấy đĩa hoa quả. Bố cầm chiếc điện thoại trên tay, quay về phía Bi rồi reo to: “Chúc mừng sinh nhật con trai 13 tuổi. Chúc con học giỏi và đặc biệt là sẽ mạnh khỏe, an toàn trong mùa dịch này”. Từ chiếc điện thoại của bố phát ra những trào pháo tay giòn giã. “Ông bà cũng chúc mừng sinh nhật Bi”, “Các anh chúc Bi hay ăn chóng lớn nữa nhé”…

Bi giật mình, trào nước mắt. Lần đầu tiên sinh nhật Bi được tổ chức theo kiểu livestream cho cả nhà cùng xem thế này. Ông bà, các bác ai vẫn ở nhà nấy, nhưng đều tề tựu đông đủ để dự sinh nhật Bi. Vì dịch, mẹ không mua được bánh ga to nên thay bằng bánh pizza do mẹ tự làm.

Bố giúp Bi cắm nến lên bánh pizza rồi giục Bi thổi nến. Sau đó bố mẹ tặng quà cho Bi là một chiếc máy đọc sách mà Bi ao ước đã lâu. “Bố mẹ hy vọng chiếc máy này sẽ giúp Bi có những ngày ở nhà chống dịch bổ ích, ý nghĩa”. Còn ông bà thì dơ ra trước màn hình cho Bi xem một bức tranh vẽ hình quả bóng rổ: “Đây là quà tượng trưng của ông bà. Hết dịch, ông sẽ đưa cháu tới cửa hàng thể thao để mua một quả bóng rổ thật”. “Và các anh sẽ tặng quà cho Bi là một buổi đi xem phim nữa. Mẹ anh bảo khi hết dịch, cả nhà sẽ cùng nhau đi xem phim”, các anh họ của Bi lao xao.

Có lẽ Bi sẽ không thể quên được sinh nhật tuổi 13 vô cùng đặc biệt này. Một buổi sinh nhật không có nhiều người thân ở bên nhưng vẫn ăm ắp tình yêu thương.

THÁI ANH

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.