Tái hôn để… tìm mẹ cho con

Tâm Giao
Chia sẻ

(PNTĐ) - Người đàn ông góa vợ ấy bảo mục đích của anh tái hôn là để tìm mẹ cho con, còn chị thì chỉ muốn kết hôn với một người xem mình là vợ chứ không phải cưới về chỉ làm “mẹ của con anh”.

Người chồng chung tình

- Nói thật, nếu không vì con, muốn con có được sự chăm sóc của một người mẹ thì tôi chẳng bao giờ tái hôn nữa. Bởi trong lòng tôi chỉ yêu một mình cô ấy - người đàn ông nói về lý do vì sao không nghĩ đến chuyện tái hôn sau khi vợ mất hơn 8 năm nay. 

Câu chuyện của anh và nhân viên phòng tư vấn quay về quá khứ hạnh phúc êm đềm của gia đình anh trước đây. Anh và vợ vốn là thanh mai trúc mã với nhau từ nhỏ.

Trưởng thành, tình cảm thân thiết đó nảy nở thành tình yêu. Nhưng để đến được với nhau, cô đã phải “chiến đấu” với bố mẹ trong một thời gian dài. Dù là thanh mai trúc mã nhưng hoàn cảnh gia đình anh và cô lại không cùng “đẳng cấp”. Gia đình anh làm nông, mấy đời chân lấm tay bùn làm chỉ đủ ăn, còn gia phả gia đình cô có gốc là tiểu thương khá giả, con cháu các đời đều được đầu tư học hành, phấn đấu thành đạt, phương trưởng. Do vậy, khi cô đến tuổi lấy chồng, bố mẹ cô vẫn muốn kén một chàng rể tương xứng. Anh, thời điểm học xong cấp 3 ở nhà nối nghiệp cha mẹ phát triển nông nghiệp trên mấy mẫu ruộng nhận thầu khoán sau chủ trương dồn điền đổi thửa của xã. 

Gia đình cô lâu nay vẫn xem anh là bạn học của con gái. Họ mến anh tính tình hiền lành, ngoan ngoãn, nhưng để nhìn nhận anh là bạn trai của con, tiến tới làm rể thì họ không nghĩ đến. Do đó, khi con gái công khai tình yêu với anh, họ kịch liệt phản đối. Một mặt ngăn cản tình cảm của con, một mặt thuyết phục anh từ bỏ tình cảm không có hậu này, vì hoàn cảnh hai nhà không môn đăng hộ đối. Để con gái từ bỏ tình cảm không tương xứng này, bố mẹ cô đã bắt con gái đi du học 3 năm ở Anh. 

Anh kể đó là quãng thời gian, cô bắt anh phải thay đổi, có chí vươn lên để cùng cô “chiến đấu” bảo vệ tình yêu của mình. Cô “định hướng” cho anh không ở nhà làm nông cùng bố mẹ mà lên thành phố học nghề. Trước sự kiên định vì tình yêu của bạn gái, anh đồng ý lên Hà Nội học nghề cơ khí. Cơ hội đến với anh khi thầy giáo hướng cho anh tốt nghiệp xong thì đi xuất khẩu lao động vì có đơn vị nước ngoài đang có nhu cầu tuyển lao động có tay nghề. Anh đồng ý, nhờ sự giúp đỡ của thầy giáo, anh sang Nhật Bản làm việc. 

Tái hôn để… tìm mẹ cho con - ảnh 1
Ảnh minh họa

Trong thời gian cô du học ở Anh, còn anh lao động xuất khẩu ở Nhật Bản, họ vẫn giữ tình cảm bền chặt, hứa sẽ cùng nhau trở về để thuyết phục bố mẹ đồng ý cho hai người bên nhau. Cô hoàn thành việc học và về nước trước anh. Sau khi con gái ổn định công việc, bố mẹ cô tính chuyện gả chồng cho con gái, cũng mai mối giới thiệu nhiều người đủ điều kiện “môn đăng hộ đối” với gia đình họ và tương xứng với con gái. Thế nhưng, cô vẫn một mực bảo vệ tình yêu của mình, ngoài anh ra cô không để ý đến chàng trai nào khác. 

Ngày anh về nước, có một số vốn, cô bàn anh đầu tư mở cửa hàng kinh doanh, hướng anh phát triển theo con đường mà gia đình cô đang làm. Cô xin bố mẹ cho mình mở cửa hàng làm chi nhánh của công ty gia đình ở Hà Nội, rồi bảo anh cùng góp vốn vào để làm ăn chung. Dưới sự hướng dẫn của cô cùng các mối hàng quen biết của gia đình, công việc làm ăn của họ ngày càng phát triển. Thấy bạn trai của con gái ngày càng tiến bộ, lại có chí, thể hiện năng lực qua công việc kinh doanh hiệu quả, bố mẹ cô bấy giờ mới đồng ý chuyện tình cảm của hai người. 

- Chúng tôi đã mất 9 năm để chứng minh tình yêu của mình cho bố mẹ cô ấy. 9 năm đó, cô ấy đã bao lần bị bố mẹ mắng mỏ, thậm chí có lần đòi từ mặt khi cô ấy một mực bảo vệ, chờ đợi tôi. Tình yêu của cô ấy quá lớn khiến tôi cả đời này không thể yêu người khác – anh khẳng định tình cảm của mình đối với vợ một lần nữa. 

Sau khi được gia đình chấp thuận, họ cưới nhau rồi lần lượt sinh được hai đứa con đủ trai, gái. Nhưng cuộc đời dường như không dành cho họ cái kết viên mãn. Khi con gái thứ hai lên 2 tuổi, con trai lên 5 tuổi thì vợ anh không may bị tai nạn giao thông qua đời. Cú sốc đó quá lớn đối với 3 bố con anh. Đặc biệt, anh đã suy sụp trong một thời gian dài, gia đình hai bên đã phải dùng tình cảm của hai đứa con nhỏ để vực anh dậy. Quá yêu vợ, anh nguyện làm bố đơn thân, cả đời này chỉ sống vì con và nhớ thương người vợ đã mất. 

3 năm sau khi đoạn tang vợ, người thân đều mong anh tái hôn để nguôi đi nỗi đau, có bạn đời chăm sóc, cùng chung tay nuôi hai đứa con. Họ không mong muốn anh sống đơn thân nuôi con đến già, bởi suy cho cùng hai đứa trẻ cũng cần sự chăm sóc của người mẹ. Nhưng dù ai khuyên nhủ thế nào anh cũng không đồng ý “tìm vợ” một lần nữa. 

Đừng chỉ nghĩ cho con mà tổn thương người mới

Tái hôn để… tìm mẹ cho con - ảnh 2
Ảnh minh họa

Anh kể, một ngày anh sững người khi cả hai đứa con hỏi mình nếu mẹ ra đi mãi mãi không về thì tại sao bố lại không tìm cho chúng một người mẹ mới. Bấy giờ, anh mới hiểu, vợ anh mất khi các con còn nhỏ nên việc thiếu thốn sự chăm sóc của người mẹ hàng ngày khiến chúng ao ước có “mẹ mới”. Chúng nhìn vào gia đình bạn bè đều có bố có mẹ nên cũng mong gia đình đầm ấm hạnh phúc như vậy. Rồi thêm sự “mớm lời”, đả thông tư tưởng của người thân trong gia đình, hai đứa trẻ luôn thúc giục bố đi tìm “mẹ mới” cho mình. Con mơ ước có “mẹ mới”, nhưng anh thì lại không muốn có “vợ mới”.

Sự mâu thuẫn này vô tình đẩy anh vào tình thế khó xử. Từ ngày hai con có nguyện vọng đó, người thân hai bên gia đình liên tục mai mối, giới thiệu cho anh nhiều cô gái đủ “tiêu chuẩn” để làm vợ. Trước áp lực của các con và mọi người, cuối cùng anh đành chịu thua, đồng ý chuyện tái hôn. Tuy nhiên, việc này lại không thuận lợi khi anh chỉ đặt mục tiêu tái hôn chỉ để tìm mẹ cho con chứ không xuất phát từ mục đích tìm vợ cho mình. 
Tiêu chuẩn này của anh khiến nhiều cô gái mà mọi người giới thiệu không qua được vòng “sát hạch” của anh. Với bất kỳ ai, anh cũng tìm kiếm ở họ sự yêu thương, chăm sóc con cái chu đáo giống như vợ mình, nhưng không thỏa mãn. 

Gần đây, người quen giới thiệu cho anh một phụ nữ có thể nói là “đạt tiêu chuẩn” về mọi bề. Đó là cô giáo dạy đàn cho hai con của anh. Trong thời gian đến nhà dạy học cho hai đứa trẻ, thấu hiểu hoàn cảnh của anh, chị đem lòng yêu thương hai đứa trẻ với tình cảm sâu sắc. Hoàn cảnh của chị có hơi đặc biệt, đã từng kết hôn nhưng không may mắc bệnh vô sinh nên hôn nhân đổ vỡ. Từ đó, chị không dám nghĩ đến hôn nhân vì mặc cảm với căn bệnh vô sinh. Nhưng từ khi quen biết bố con anh, hai đứa trẻ đã thức dậy niềm khao khát làm mẹ trong chị, được chăm sóc, yêu thương trẻ nhỏ. Vì vậy, ngoài việc đến dạy học cho hai đứa nhỏ, chị còn chăm sóc, gần gũi như người bạn lớn khiến chúng cũng nảy sinh tình cảm yêu mến trở lại. Anh nhận thấy chị là người đủ tiêu chuẩn và thích hợp để làm mẹ của các con anh. 

Anh ngỏ lời cùng chị tiến tới hôn nhân, vì cảm mến anh, lại yêu thương hai đứa trẻ nên chị đồng ý. Nhưng khi bàn đến chuyện về sống chung, chị sốc trước yêu cầu mà anh đưa ra. Anh yêu cầu chị sau khi cưới thì phải nghỉ việc ở nhà chăm con. Anh sẽ cho chị cuộc sống vật chất đầy đủ, nhưng về tình cảm, anh cũng thành thật không thể cho họ trọn vẹn vì trong lòng không bao giờ quên được người vợ đã mất.

Trong ngôi nhà của anh, mọi thứ của vợ sắm nên, người mới không được thay đổi, mọi thói quen của vợ đã duy trì đối với chồng con, người mới cũng không được xóa bỏ. Và đặc biệt, phòng ngủ của vợ chồng anh trước đây sẽ là căn phòng riêng đặc biệt của anh và giữ lại mọi hoài niệm của anh với vợ trước, người mới không được “xâm phạm” vào khu vực đó…

Những quy tắc đó khiến chị từ bỏ việc đến với anh.

- Vì con, tôi thật sự muốn tiến tới hôn nhân với cô ấy, nhưng giờ cô ấy không đồng ý điều kiện của tôi, phải làm thế nào để cô ấy chấp nhận sống cùng quá khứ của vợ tôi? – anh hỏi chuyên viên tư vấn. 

Chúng tôi nói, anh yêu con, thủy chung với người vợ đã mất là đúng nhưng điều đó không có nghĩa anh

có quyền làm tổn thương người phụ nữ đến sau khi họ chấp nhận cùng anh xây dựng tổ ấm. Bởi người phụ nữ khi kết hôn điều mong muốn lớn nhất là lấy được người chồng yêu thương, bảo vệ, chăm sóc cho mình, chứ không phải chỉ có một người đàn ông sống cùng nhà. Việc làm mẹ kế để chăm sóc hai đứa con chồng không hề dễ dàng, người mới sẽ phải hy sinh và nỗ lực rất nhiều. Vì thế, người chồng cần thấu hiểu, yêu thương lại để bù đắp cho họ, chứ không phải bắt họ vừa phải chăm sóc con riêng, vừa chấp nhận sống dưới cái bóng của người đã khuất. Điều đó sẽ làm người mới tổn thương, thậm chí bị xúc phạm.

Do đó muốn có hạnh phúc hôn nhân, tìm cho con người mẹ mới tốt thì trước tiên anh phải dẹp bỏ sự ích kỷ của mình. Hãy trân trọng mỗi người phụ nữ đến với mình dù trước hay sau, bởi trên hết họ đều xứng đáng được yêu thương, được tôn trọng khi họ đã làm điều đó với bố con anh. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.