Tan vỡ vì “chanh sả”

Lâm Việt
Chia sẻ

(PNTĐ) -Tối qua, trên mạng xã hội face book tôi đã thấy vợ chồng Huyền đăng ảnh rao bán căn hộ mà vợ chồng cô đang ở. Sau đó, đã có khá nhiều người vào bình luận hỏi han, nào là: “Định đổi sang khu biệt thự liền kề đó à?”, “Bán nhà chính chủ thứ bao nhiêu đấy, nhiều đất thế”, “Chuyển về khu trung tâm đấy ư?”… Có lẽ, chỉ có tôi và số ít người không vào like, không bình luận gì là cảm thấy buồn cho họ.

Thật ra, vợ chồng Huyền chẳng có chuyển nhà đi đâu mà phải bán căn hộ suốt mấy năm họ tích góp mới mua được ấy nếu không thì “vỡ trận”. Khi căn hộ đó được rao bán cũng có nghĩa là mối lương duyên của họ đã đến hồi kết. Điều đáng buồn hơn nữa là mai kia, khi hai người ra tòa, pháp luật cũng không phải phân xử việc chia bất cứ thứ tài sản nào từ nhà, ô tô hay khoản tiết tiết kiệm… bởi tất cả đã “nướng” vào khoản nợ khủng khiếp của Huyền - người luôn thích sự sang chảnh trong khi chẳng có nguồn thu nhập nào lớn.

Tan vỡ vì “chanh sả” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Thời nay, nếu để ý bạn sẽ thấy có khá nhiều cô gái lên mạng xã hội facebook hay zalo, tiktok… để khoe ảnh chụp với xe “bốn bánh”. Anh bạn tôi nói không sai: “Anh đố chú tìm được một cô gái up ảnh đi xe máy? Làm gì còn chứ, “tuyệt chủng” rồi”. Hai chữ “tuyệt chủng” mà anh nhắc đến làm tôi vừa buồn cười vừa lo lắng. Đúng là giờ đây ra đường mới thấy nhiều phụ nữ giàu có thật. Họ có thu nhập cao từ trình độ, từ năng lực làm việc hoặc cũng nhiều khi là nhờ vào bản lĩnh thương trường, tài xoay sở của các ông chồng. Họ chỉ cần đẹp và trẻ trung để “trị vì” cơ ngơi ấy là quá tốt rồi.

Nhưng liệu có phải tất cả những người phụ nữ có xe có nhà đều thật sự giàu có nhờ tài năng hay nhờ chồng? Tôi bắt đầu nảy ra ý nghĩ đó từ lúc gặp lại Huyền - cô bạn thân từ thời phổ thông. Chúng tôi học cùng nhau ở phổ thông nhưng có một thời gian mất liên lạc. Một lần, giữa trưa hè tháng 6 nắng như đổ lửa, vượt qua được hai lần đèn đỏ, đèn xanh đông như nêm, tôi tạt vào cây ATM bên đường để rút tiền thì thấy trong cabin có một phụ nữ. Cô ta đứng rút tiền khá lâu làm tôi sốt ruột. Khi tôi đang bực bội thì thấy người đó ló đầu ra kèm theo nụ cười quen thuộc.

- Tớ biết là cậu rồi nên tớ không ngại, kệ cho cậu phơi nắng tí cho đỡ “công tử bột”.
Nói xong vài ba câu chuyện, trao đổi số điện thoại, Huyền liếc xéo cái xe wave cũ rích của tôi tủm tỉm cười. Trước khi mở cửa bước lên xe cô còn kịp “quẳng” cho tôi một câu:
- Giả nghèo giả khổ lâu thế? Sắm con 4 bánh đón bà xã với các bé đi cho lành chứ ông bạn? 

Tan vỡ vì “chanh sả” - ảnh 2
Ảnh minh họa

Tôi cười. Thật ra ai cũng mong được như thế nhưng phải cái điều kiện chưa cho phép. Lương hai vợ chồng cộng lại được hơn hai mươi triệu nhưng nào là lo tiền học cho con, thuốc thang cho bố mẹ già, rồi dăm bữa, nửa tháng lại về quê giỗ chạp, cưới xin… nên chẳng tích lũy được gì. Nhìn dáng Huyền đài các bước lên xe hơi tôi thấy khâm phục thật. Huyền chỉ là nhân viên văn phòng, chồng thì công việc cũng làng nhàng mà sao nàng sang chảnh thế?

Nhưng tôi biết đâu, thứ mà hàng ngày Huyền ngồi lên không phải là chiếc nệm êm của xe sang mà là… đống nợ. Sự việc bắt đầu từ năm kia khi nhà mẹ đẻ của Huyền chia ruộng cho mấy anh chị em. Cô bán mảnh ruộng ở quê đi nghe đâu được có hơn trăm triệu. Đáng ra, với khoản tiền ấy, cô đưa cho chồng để trả bớt khoản vay ngân hàng thì mọi chuyện đã khác.

Đằng này, với hơn trăm triệu trong tay, Huyền bước vào cuộc phiêu lưu sang chảnh. Ban đầu là mua sắm hàng hiệu từ giày dép đến quần áo. Kế tiếp là sắm một chiếc xe hơi cũ rồi “mông má” sửa chữa. Hết tiền, Huyền bắt đầu sa đà vào những khoản vay mà lãi suất cao ngất ngưởng. Chưa dừng lại, Huyền quyết “gỡ” bằng việc tham gia các nhóm đa cấp. Mặc kệ sự can ngăn của chồng, cô thẳng thừng: “Ai cũng chỉ được sống một lần trong đời. Chẳng lẽ đứa con gái như tôi cả đời đi xe cũ, dùng điện thoại cũ, không bằng osin nhà người khác sao?”. Khi chồng khuyên rằng nợ nhà còn chưa trả xong, rằng con cái đang học hành này nọ, Huyền lớn tiếng: “Tôi vay, tôi trả. Đàn ông gì mà hèn chẳng làm nổi việc gì lớn trong đời. Rồi anh hãy trắng mắt ra xem…”.

Tan vỡ vì “chanh sả” - ảnh 3
Ảnh minh họa

Thấy Huyền bỗng giàu có, từ hàng xóm, bạn bè đều thấy lạ. Nhiều người vui cho Huyền. Người lại bĩu môi: “Chắc nó lại kinh doanh “vốn tự có”, cặp với thằng nào mới được thế cũng nên”. Tôi biết rõ, thứ mà Huyền mê muội không phải chuyện trai gái, cờ bạc mà là một căn “bệnh” mà không ít phụ nữ hôm nay mắc phải: Bệnh “chanh sả”. Nghĩa là, dù thu nhập gia đình còn hạn chế nhưng họ vẫn thích một sự hào nhoáng, sang trọng, tiện nghi. Khi chi phí vượt quá nguồn thu, họ tìm đến những dịch vụ tín dụng cắt cổ để rồi lún sâu vào các khoản nợ. 

Thứ mà Huyền phải trả giá không chỉ là thứ lãi gấp đôi, gấp ba mà còn là sự tan vỡ hạnh phúc gia đình. Rồi một ngày nọ, tôi đã được nghe Huyền kể tất cả. Chồng cô đã cương quyết ly hôn để từ bỏ một “người đàn bà quái gở”. Tất cả đám đồ hàng hiệu nằm xếp xó, nhăn nhúm. Chiếc xe đã bán rẻ cho khách, căn hộ hơn 70m2 cũng chung số phận… tất cả đều đội nón ra đi vì người đàn bà sang chảnh ấy.

Rồi mai kia, những đứa con của họ sẽ sống ở đâu? Về tá túc nhà bà ngoại hay theo bố lang bạt nhà trọ nào đó? Chỉ cần nghĩ đến điều đó, bản thân người viết đã thấy tê tái. Giá mà do Huyền bệnh tật, do hai vợ chồng làm ăn thua lỗ thì đã đành là rủi ro không tránh khỏi. Nhưng đằng này lại đến từ một thói tiêu pha vô trách nhiệm, từ sự ích kỷ của bản thân, không tôn trọng ý kiến của người chồng. Người như Huyền liệu rồi có “ngựa theo đường cũ” để đẩy con cái vào hoàn cảnh cơ cực. Và, biết đâu khi tìm đến hạnh phúc mới, liệu cô có thêm một lần khiến nó tan vỡ như thế không? Tất cả chỉ vì thứ sang chảnh vượt qua khả năng của bản thân…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đêm trăng suông

Đêm trăng suông

(PNTĐ) - Vừa bước xuống sân khấu, Diệp Linh nghe ai đó gọi tên mình, và một cánh tay giơ lên vẫy vẫy, Diệp Linh chưa kịp nhận ra ai thì cô nhận được cái bắt tay thật chặt, “Anh Nam đây! Lâu quá rồi! Anh vẫn nhận ra em, em không thay đổi mấy”.
Khống chế đòi nợ có vi phạm pháp luật?

Khống chế đòi nợ có vi phạm pháp luật?

(PNTĐ) -  Cháu tôi có vay nợ một khoản tiền, đến hạn nhưng chưa trả đủ. Vừa rồi, khi cháu đang đi trên đường thì bị chủ nợ cho người chặn đường lấy xe máy để trừ nợ. Xin hỏi hành vi trên của chủ nợ có bị xử lý theo quy định pháp luật không? Lê Hồng Khanh (Sóc Sơn, Hà Nội)