Tạo sức hấp dẫn hút khách du lịch với làng nghề Thủ đô
(PNTĐ) - Hà Nội được biết đến là đất trăm nghề, nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa độc đáo bởi mỗi làng nghề mang một bản sắc riêng, kết tinh sáng tạo từ đôi tay khéo léo và tình yêu của người thợ, người nghệ nhân. Những dấu ấn từ sản phẩm và con người ở các làng nghề đang hút khách du lịch trong nước và quốc tế về trải nghiệm, chia sẻ quảng bá.
Đa dạng sản phẩm OCOP phục vụ du khách
Theo Sở Công Thương Hà Nội, hiện Thành phố có 318 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận, có hơn 11.000 sản phẩm nông nghiệp đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR code. Đây là lợi thế lớn trong việc đánh giá, phân hạng cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm (mỗi làng một sản phẩm) OCOP và sản phẩm làng nghề. Đến nay, Thành phố có 1.649 sản phẩm OCOP được công nhận, chiếm 19% số sản phẩm của cả nước (8.340 sản phẩm). Các sản phẩm OCOP của Hà Nội đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân.
Tận dụng lợi thế mở, phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, từ đầu năm 2022, Hà Nội đã tổ chức nhiều sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề gắn với văn hóa vùng miền qua các kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Hơn nữa, các chủ thể OCOP của Hà Nội cũng tham gia các hội chợ do bộ, ngành Trung ương và các tỉnh tổ chức như: Festival làng nghề, Diễn đàn sản phẩm OCOP Đồng Tháp và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022; Chương trình Festival Trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại tỉnh Sơn La... Qua đó, khu gian hàng của Hà Nội đã thu hút từ 10 đến 20 nghìn lượt khách tham quan, trao đổi giao thương, mua sắm, mỗi sự kiện cũng thu hút hàng vạn lượt khách.

Bên cạnh các hoạt động giới thiệu, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, với lợi thế là địa phương có tiềm năng phát triển du lịch, mỗi năm Hà Nội còn đón hàng chục triệu khách du lịch, đây chính là thị trường tiềm năng tiêu thụ sản phẩm OCOP. Để tiếp đón khách tham quan các khu du lịch núi Tản Viên (Ba Vì) như Ao Vua, Khoang Xanh… ông Nguyễn Văn Khương, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phát, xã Tản Lĩnh vừa mở Điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP để đưa các sản phẩm đặc sản vùng miền như sữa, bánh sữa, thịt đà điểu, chè Yên Bài… đảm bảo chất lượng. Bà Nguyễn Thị Thiết, HTX Nông nghiệp Yên Bài cho biết: Chúng tôi mang đến Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP Khánh Phát là sản phẩm chè sạch, đạt chứng nhận 3 sao OCOP để phục vụ người dân trong vùng và khách du lịch đến với Tản Lĩnh nói riêng, Ba Vì nói chung. Đây là kênh giới thiệu và bán sản phẩm rất hiệu quả, giúp người nông dân đến gần hơn với khách du lịch để phục vụ, thấu hiểu thị hiếu và có những đổi mới trong sản xuất, kinh doanh.
TS. Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng: Hoạt động du lịch làng nghề hiện nay đang được đẩy mạnh rất cần sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương. Hoạt động du lịch ở các địa phương thời gian gần đây đã có sự khởi sắc. Nhiều địa phương đã tích cực giới thiệu sản phẩm mới, trong đó có nhiều sản phẩm mang tính liên kết, hợp tác như: Hà Nội-Quảng Ninh; Hà Nội-Ninh Bình; Hà Nội-Thanh Hóa...; thường xuyên chia sẻ những kinh nghiệm trong hoạt động, tìm tòi, khai thác tiềm năng địa phương để tạo nên những sản phẩm du lịch làng nghề hấp dẫn mới.

Tăng cường ứng dụng chuyển đổi số
Đánh giá về tiềm năng du lịch của các làng nghề ở Hà Nội, ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho rằng “đây là tài nguyên vô cùng lớn”. Tuy nhiên, những năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động du lịch bị đình trệ. Thực tế cho thấy, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến nhiều nền tảng quản lý và kinh doanh truyền thống trong lĩnh vực du lịch gặp khó khăn, song đây lại là động lực giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Các doanh nghiệp du lịch đã có những bước đi mạnh mẽ với những dịch vụ điển hình như đặt tour trực tuyến; mua vé tham quan, thanh toán dịch vụ từ xa; hệ thống thuyết minh tự động, khám phá di sản bằng công nghệ 3D; ra mắt trang web tra cứu thông tin điểm đến; xây dựng kho dữ liệu về du lịch...
Nhận thức được vai trò của chuyển đổi số để thích ứng với mọi hoàn cảnh, mọi lúc mọi nơi sẽ đem lại cho làng nghề, doanh nghiệp du lịch nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm như: Quảng bá hình ảnh sống động nhất đến với nhiều du khách hơn, chi phí tiết kiệm nhất. Ví dụ như quản lý mô hình du lịch làng nghề được thông qua chuyển đổi số khách du lịch có thể biết sản phẩm gốm sứ này có phải có xuất xứ từ làng nghề Bát Tràng hay không.

Theo ông Lê Bá Ngọc, mục đích của chuyển đổi số trong ngành Du lịch là phải giữ được quan hệ với khách hàng, tạo sức hấp dẫn thu hút thêm khách hàng mới thông qua những nền tảng trực tuyến như: ứng dụng Zalo, Facebook, Google, hệ thống quản trị khách hàng, thông tin dữ liệu về điểm đến du lịch an toàn... Để làm tốt được việc này, các doanh nghiệp du lịch cần số hóa hệ thống thông tin về du khách, về sản phẩm và dịch vụ làng nghề; tính toán chi phí, điều hành dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu khoa học để đáp ứng nhu cầu của du khách cả về chất lượng dịch vụ cũng như giá thành sản phẩm.
Cũng là một trong những làng nghề nhanh chóng “thức thời”, ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cho biết, phát triển du lịch tại làng lụa Vạn Phúc vừa bảo tồn nét văn hóa truyền thống vừa giải quyết được công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân. Đồng thời, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường hội nhập, thu hút đông đảo khách du lịch. Để phát triển du lịch bền vững, quảng bá sản phẩm, phường Vạn Phúc đã xây dựng các tuyến phố Lụa kết hợp với các ngành nghề phụ trợ để phục vụ du khách như: Khu phố ẩm thực, phố sinh vật cảnh, trung tâm giao lưu văn hóa đồ cổ, phát triển loại hình lưu trú, mua sắm. Làng nghề cũng đẩy mạnh việc tạo cảnh quan du lịch hấp dẫn mang đến một không gian xanh, thoáng mát, thân thiện với môi trường. Các hộ dân mở cửa hàng trên tuyến phố Lụa phải đăng ký gian hàng đạt chuẩn với Sở Du lịch Hà Nội về giá cả và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, bảo đảm chất lượng về hàng hóa cho người sử dụng.
Phó Giám đốc Phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, Sở Du lịch Hà Nội sẽ hoàn thiện bản đồ du lịch Hà Nội dưới dạng số hóa, nhằm giúp các đơn vị kinh doanh du lịch và du khách dễ dàng tra cứu điểm đến. Thành phố cũng chủ trương đẩy mạnh thương mại điện tử trong lĩnh vực này hướng tới mục tiêu đến năm 2030, du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.