“Tắt máy” đi và “khởi động” lại

Chuyên gia tư vấn tâm lý ĐINH ĐOÀN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Máy tính làm việc trong một thời gian tương đối dài, sẽ có tình trạng nóng máy, treo máy, đơ máy, máy chạy chậm. Có trường hợp phải nhờ thợ sửa chữa, cài đặt lại phần mềm, diệt virus, dọn rác trong ổ cứng. Nhưng không ít trường hợp, chỉ cần tắt nguồn máy tính, bỏ đi chơi một lát, quay trở lại, khởi động, máy lại chạy bình thường. Các cuộc hôn nhân cũng tương tự như vậy…

Đôi vợ chồng Huy, Hương lấy nhau được 7 năm, có một đứa con trai 5 tuổi, đưa nhau đến văn phòng tư vấn mà cả hai tươi cười như đưa nhau đi đăng ký kết hôn, nên khi chàng trai tên Huy nói rằng “vợ cháu muốn bỏ cháu, nhưng cháu thì còn đắn đo”, chúng tôi hơi bất ngờ. 

Chàng trai và cô gái ấy học cùng lớp ở trường Đại học Thương mại. Cô gái là người Hà Nội, xinh đẹp, kiêu sa, thông minh, hoạt bát, có máu kinh doanh từ hồi học lớp một. Chàng trai dân tỉnh lẻ, đen nhẻm, thấp hơn cô gái cả chục phân, suốt những năm đi học đại học, chàng chỉ có mỗi hai bộ quần áo để thay đổi. Năm đầu, họ gần như không nói với nhau lời nào, dù bạn cùng lớp. Năm thứ hai, không hiểu sao chàng trai vốn ít nói, mặc cảm, tự ti, lại dũng cảm tỏ tình với cô gái, nhưng tỏ tình xong vẫn nói thêm một câu khá văn vẻ, rằng: “Tôi yêu bạn là tình cảm của tôi, tôi không thể để trong lòng, nên nói ra, còn bạn, có thể nhận lời hoặc từ chối, tôi sẽ không sao dù có thể rất buồn”. Cô gái thú nhận, ban đầu cô không có tình cảm với chàng trai tên Huy, mà bây giờ đang là chồng, bởi chàng trai không có bất cứ thứ gì nổi trội, gây ấn tượng. Cô chỉ nhận lời yêu khi đã sắp ra trường vì thấy chàng trai có một vài thứ khiến cô “hơi cảm động”. Ví dụ như sự nhiệt tình, kiên trì, chịu khó học hành, có ý chí vươn lên trong cuộc sống, chịu đi làm thêm để lấy tiền ăn học chứ không ngồi chờ tiền bố mẹ ở quê gửi lên. Đặc biệt, cô nhận lời yêu Huy một phần vì có đọc ở đâu một câu rằng “phụ nữ nên lấy người yêu mình hơn là người mình yêu”. Cô chưa yêu Huy lắm, mà cho đến giờ phút này, đã là vợ chồng và có con với nhau, trước mặt các chuyên viên tư vấn và chồng, cô cũng hồn nhiên nói về sự thật ấy.

“Tắt máy” đi và “khởi động” lại - ảnh 1
Ảnh minh họa

Ra trường, cả hai đều tự kiếm việc làm, rồi cưới nhau, ở nhà thuê, sinh con, gửi con về quê cho ông bà nội nuôi, để hai vợ chồng rảnh tay “chiến đấu kiếm tiền”. Đến nay, họ đã có nhà, có một mảnh đất coi như “đầu tư bất động sản”, có xe ôtô. Vợ chồng hay cãi nhau, thỉnh thoảng người vợ giận dỗi, về bên ngoại ở vài hôm, rồi lại tự về. Họ mâu thuẫn, cãi vã với nhau về nhiều vấn đề trong cuộc sống. Họ nói rằng họ trái ngược nhau như mặt trăng với mặt trời. Cả hai đều thích tự lập nghiệp, kinh doanh, nhưng người vợ muốn làm công việc gì đó “sạch sẽ, sáng sủa một chút”, ví dụ mở văn phòng tư vấn du học, tư vấn giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động. Đại loại là những công việc có văn phòng sáng sủa, khang trang, “giám đốc” thì mặc comple, thắt cà vạt, áo sơ mi trắng, sử dụng laptop, xách ca táp. Người chồng thích kinh doanh cái gì đó mà bỏ sức lao động cũng được, vất vả cũng được, nhưng có thể huy động nhiều anh em, cháu chắt cùng làm với mình như xưởng thủ công, mỹ nghệ, xưởng nhôm kính, gò hàn, vận tải, chuyển giao hàng hóa. Người chồng chỉ muốn kiếm nhiều tiền và cho rằng “sức mạnh của đàn ông là kiếm tiền”, nhưng người vợ lại cho rằng người chồng cần biết giao tiếp tốt, chăm sóc bản thân, hình thể, lãng mạn chút xíu, quan tâm tới vợ con, dành thời gian bên nhau và đi ăn uống, cà phê, du lịch. Vợ vốn thích giao tiếp bạn bè, nhưng người chồng lại ngại đi đây đi đó vì ngoại giao kém và hình thức cũng “không có gì nổi trội”. Đặc biệt, người chồng ngại đi cùng vợ, ngại thể hiện tình cảm vợ chồng chỗ đông người. Người vợ phàn nàn rằng ở nhà không sao, đi ăn uống với bạn bè mà hai vợ chồng ngồi hai bàn khác nhau, coi nhau như “người lạ”, cả hai ngồi xem người ta thể hiện tình cảm với nhau…

Hai vợ chồng thi nhau kể tội đối phương cho chuyên viên tư vấn nghe.

Người vợ bảo càng ngày càng thấy chán, có chồng cũng như không, mới có “9x đời đầu” mà sống như ông già. Người chồng chê vợ “mãi không chịu lớn”, có chồng con rồi mà còn thích giao du, lãng mạn, linh tinh, nên tập trung vào mà làm ăn, kiếm tiền. Người vợ bảo “tiền nhiều để làm gì”, khi đi với chồng mà không dám tự hào, không dám giới thiệu với người lạ, trông nhếch nhác không kém gì “thằng thất nghiệp”. Người chồng bảo vợ “có tính sĩ diện của dân thành phố”, người vợ nói chồng “căn cơ như lão nông chi điền”.

Cả hai thú nhận, chán tới mức “mặc kệ”, thậm chí cả tháng không “yêu nhau” lần nào cũng không thấy có vấn đề gì. Người vợ thấy muốn “dừng lại”, nhưng người chồng thấy “sống thế cũng được”. Tuy nhiên, người chồng nói nếu vợ quyết tâm bỏ thì anh cũng đành chấp nhận, dù rất tiếc thời gian, công sức cùng nhau bao nhiêu năm và thương con.

Khi chuyên viên tư vấn yêu cầu người vợ tạm kể 5 điều đáng ghi nhận ở người chồng, cô kể nhiều hơn thế. Nổi bật là chịu khó làm ăn, tiết kiệm tới mức hơi ki bo, chưa bao giờ phạm tội ngoại tình bị phát hiện, công khai tài chính và không tiếc tiền nếu đó là mua sắm cho con và gia đình. 

Chuyên viên tư vấn hỏi người chồng có thể thay đổi một vài điều như tập lãng mạn, cùng vợ vui vẻ, giao tiếp với bạn bè, để ý và quan tâm tới tâm lý, cảm xúc của vợ hơn, dành thời gian cho vợ, cùng nhau đi xem phim, tắm biển, dắt nhau đi dưới mưa, thỉnh thoảng hẹn hò, chỉn chu hơn trong ăn mặc, rèn luyện thể thao, nâng cao sức khỏe để có ngoại hình “ngon mắt hơn chút” không, người chồng nói cũng khó nhưng cố vẫn được. 
Nhà tư vấn tâm lý yêu cầu cả hai kể ra những thứ mà vợ chồng đã có với nhau trong những năm chung sống. Cả hai kể là đứa con, là mua được nhà, được xe, xây dựng được “công ty chuyển phát” do chồng làm giám đốc, vợ thì yên ổn với chân văn phòng ở một công ty của Nhật và rất giỏi tiếng Nhật, đang định nghỉ việc mở văn phòng tư vấn du học – xuất khẩu lao động Nhật Bản. 

“Tắt máy” đi và “khởi động” lại - ảnh 2
Ảnh minh họa

Trò chuyện với cả hai vợ chồng, chuyên viên tư vấn khẳng định cuộc hôn nhân của đôi vợ chồng đang “không khỏe”, nhưng không phải “cái sự ốm” nào cũng kết thúc bằng “tử vong”, không phải cuộc hôn nhân nào có trục trặc cũng kết thúc bằng ly hôn. Ốm thì chữa, có chệch choạc thì điều chỉnh, sửa chữa, cái gì không quan trọng hoặc khó quá, có thể “chấp nhận”, không cố gắng cầu toàn.

Nhìn tổng thể, cuộc hôn nhân của đôi vợ chồng giống như “bát phở rất chất lượng”, có nhiều thịt và bánh phở đầy đặn, ăn thì no bụng, ấm thân, nhưng bát phở thiếu “hương vị đặc trưng”, ít gia vị, thiếu rau thơm, hành xanh trang trí, nước phở còn nhạt, khiến bát phở không ngon. Người đói hoặc dân lao động có thể chấp nhận ăn no bụng, đủ chất, nhưng người sành ăn, cần cả sự ngon miệng, đẹp mắt. Mà cả hai vợ chồng, đặc biệt là cô vợ, là người sành ăn!

Nhiệm vụ thêm mắm muối, thêm hương liệu, gia vị, bổ sung rau thơm, hành, mùi… là việc của hai người cần làm, đừng vội đổ bát phở đi.

Người chồng hãy chú ý đến những nhu cầu tâm lý rất phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ con nhà khá giả, sinh ra và lớn lên ở thành phố. Tiền quan trọng, nhưng những thứ khác cũng quan trọng, nên biết điều chỉnh cho cuộc sống thêm vui vẻ, nhất là khi cả hai đã đạt được những thành công đáng kể. Người vợ hãy nhìn nhận những điểm tích cực ở người chồng, giúp chồng khắc phục sự mặc cảm, giao tiếp. Hãy nói với chồng rằng “dù anh không cao, nhưng hãy làm cho người khác phải ngước nhìn”. Tự tin, có tiền, có sức khỏe, ăn mặc lịch sự và phù hợp, tươi tắn, cởi mở, tinh tế trong ứng xử là sức hút của đàn ông trưởng thành, chứ không phải chỉ là “cao to đẹp trai”.

Hãy đưa ngay con lên sống cùng vợ chồng, vừa tốt cho con, có điều kiện học hành, có môi trường phát triển, vừa là chất keo gắn kết vợ chồng. Đừng quên người xưa dạy: “Bướm vàng đậu trái mù u/ Vợ chồng giận dỗi có thằng cu làm lành!”.

Trong cuộc sống, mọi bài toán đều có 3 phướng án giải quyết: Chấp nhận, sửa chữa điều chỉnh, buông bỏ. Nếu điều gì không thể chấp nhận, hãy cố gắng cùng nhau điều chỉnh, chấp nhận chung sống với sự khác biệt. Hãy nhớ, khác nhau cũng hay, tạo ra sự đa dạng, hấp dẫn. Không phải hai vợ chồng giống nhau như đúc sẽ hạnh phúc hơn. Người ta cũng nói, giống nhau để làm bạn, khác nhau để yêu nhau mà.

Họ ra về và hứa hẹn “chúng cháu cảm ơn bác ạ, chúng cháu sẽ cố gắng điều chỉnh một thời gian nữa, chứ chưa vội quyết định chia tay ạ!”.

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.