Tết là để về nhà

Tâm Giao
Chia sẻ

(PNTĐ) - Những khó khăn trong cuộc sống đè nặng, xung đột tình cảm vợ chồng, lòng chung thủy bị thử thách bởi sự cám dỗ bên ngoài… đã khiến cho một số gia đình đứng bên bờ vực đổ vỡ. Họ đã buông nhau ra để chạy trốn sự mệt mỏi, kiếm tìm niềm vui mới. Nhưng thời điểm Tết đến xuân về, trong lòng mỗi người lại bùng lên nỗi day dứt. Bởi chẳng thế nào có Tết trọn vẹn nếu như ta không có một tổ ấm để sum họp. Và cũng bởi Tết là để về nhà chứ không phải ra đi…

1.

Người phụ nữ ấy tìm đến phòng tư vấn cùng với đứa con 5 tuổi, với chồng chất nỗi niềm bày tỏ với chuyên viên tư vấn: Vợ chồng em đã ly thân 6 tháng nay, em mang đứa con nhỏ ra Hà Nội tìm việc làm, mong muốn thay đổi cuộc sống. Chồng em ở quê cùng với đứa con lớn. Sở dĩ gia đình em chia đôi vì vợ chồng không còn tiếng nói chung khi chồng em làm ăn thất bại, nợ nần chồng chất. Anh ấy không còn là người đàn ông lo cho vợ con chỉn chu như trước, thay vào đó là người chồng sống bất mãn, hành hạ vợ con nếu không làm theo ý mình. Chán nản, thất vọng, yêu thương cũng cạn dần, em quyết định ly thân, mang con ra Hà Nội phụ bán hàng với vợ chồng chị gái. Em cũng tính ổn định rồi về làm thủ tục ly hôn, coi như chấm dứt cuộc hôn nhân không hạnh phúc này. Nhưng mấy hôm nay, khi mọi người rục rịch chuẩn bị Tết, con bé lớn ở quê cứ gọi điện hỏi bao giờ mẹ đưa em về ăn Tết. Nó bảo ở quê, mọi người đã đi sắm Tết, riêng nhà mình chưa có gì cả. Nó bảo em nhanh về để còn gói bánh chưng… Em nghe mà thương con quá, nhưng vợ chồng đang sống cảnh ly thân thế này làm sao mà về được? Nhất là khi em đưa đứa con nhỏ ra khỏi nhà, chồng em đã tuyên bố rằng một khi em bước chân ra đi thì sẽ không còn con đường quay về nhà nữa.

Cuộc nói chuyện đang dang dở thì chuông điện thoại của cô reo lên. Cô nhìn điện thoại rồi nói: “Đấy, em vừa nhắc đến nó xong là nó lại gọi đến này. Ngày gọi mấy cuộc…”. Tôi bảo cô cứ nghe điện thoại trước rồi chúng ta tiếp tục nói chuyện sau. Cô có vẻ ngại vì cô con gái gọi zalo có hình ảnh, nhưng đứa con nhỏ dường như biết đó là chị gọi nên líu lo bảo mẹ nghe máy. Khi cô nhấn nút chấp nhận, tiếng đứa con gái lớn lảnh lót vang lên: “Mẹ ơi, hôm nay bác Mai cho nhà mình lá dong để gói bánh chưng Tết đấy. Mẹ nhanh về đi, con nhớ em lắm. Mẹ nhanh đưa em về để em và con còn làm hoa giấy đón Tết nhé!”. Cô chưa biết trả lời con thế nào thì cô con gái lại liến thoắng: “Mẹ mà không về là Tết này nhà mình không có bánh chưng ăn đâu. Bố bảo đợi mẹ về gói bánh, bố không biết gói. Bố chỉ mua sẵn nếp, thịt và nấu bánh thôi. Nhiệm vụ gói bánh là của mẹ…”.

Tết là để về nhà - ảnh 1
Ảnh minh họa

Đứa con gái nhỏ nhìn thấy chị thì tranh máy để nói chuyện. Chị đưa máy để hai chị em nói chuyện với nhau rồi quay lại thanh minh với chúng tôi: “Tình hình nợ nần của chồng em không thể trả được trong ngày một ngày hai, nếu quay về với anh ấy, em lại sống khổ sở như trước. Vả lại, ngày ra đi, chồng em cũng đã cấm cửa em quay về”.

Chúng tôi gợi mở để cô nói về người chồng ở thời điểm mà anh chưa làm ăn thua lỗ thì bắt gặp sự say sưa của cô khi kể về những tính tốt của chồng. Trong lòng cô vẫn nhớ hình ảnh người chồng trách nhiệm, yêu vợ, thương con, ít sống cho bản thân mình. Ngày cưới nhau về, anh chẳng nỡ để vợ đi làm chịu khổ nên một mình bươn chải làm ăn. Cô chỉ ở nhà nội trợ trông con, không bị đè nặng bởi mọi áp lực kinh tế trong cuộc sống, bởi đã có chồng gánh vác. Trong ánh mắt cô ngời lên hạnh phúc khi nói về chồng của trước đây.

Nghe xong, chúng tôi khuyên cô hãy cùng con quay về đón Tết cùng chồng và con gái lớn. Có thể cô không để ý nhưng trong cuộc điện thoại của đứa con gái lớn cũng đã lộ sự mở đường của chồng cô để vợ quay về, thay vì cấm hẳn như lời anh ấm ức tuyên bố khi cô đưa con nhỏ ra đi. Anh bảo với con gái là đợi mẹ về gói bánh chưng Tết, nghĩa là anh đã mở cửa đợi cô. Vậy, cô không nên vì sự cố chấp của bản thân mà không trở về. Dân gian có câu, vợ chồng hoạn nạn có nhau. Chồng cô làm ăn thất bát, nợ nần, tất sẽ bị áp lực tâm lý mà có những hành xử không đúng với vợ con. Nhưng cô là bạn đời của anh ấy, đã bao giờ cô nghĩ cách để giúp chồng thoát khỏi khó khăn, hay động viên, làm chỗ dựa tinh thần cho chồng để anh có thêm sức mạnh, tìm cách vực dậy chưa? Hay, cô chỉ biết oán trách khi anh thay tính đổi nết, khi nhìn thấy số nợ của chồng không biết đến khi nào mới trả hết? Thậm chí còn tránh phiền bằng cách ôm con ra đi để thoát khỏi cuộc sống nợ nần do chồng gây nên. Chồng cô bản chất rất yêu vợ, thương con, tu chí làm ăn, nếu có sự đồng hành, đồng cam cộng khổ của cô bên cạnh, chắc chắn anh sẽ dần dần vực lại.

Tết chính là thời điểm thích hợp để cô quay về và cùng chồng hàn gắn lại, rồi cùng nhau vượt khó. Bởi hai đứa con vẫn cần một tổ ấm hạnh phúc, và hơn nữa là cô và anh vẫn chưa hết yêu nhau. Chỉ là những khó khăn ập đến nhưng hai người chưa tìm được cách để vượt qua. Cô như hiểu ra vấn đề, bảo sẽ mua vé về nhà sớm nhất. Tết này nhất định phải để hai con được đón năm mới an vui bên nồi bánh chưng do cô gói và chồng thức canh cả đêm để luộc chín như trước đây. 

Tết là để về nhà - ảnh 2
Ảnh minh họa

2.

Ngày cuối năm, một người chồng gọi điện đến đường dây tư vấn tâm lý xin gỡ bí cho sự  “nan giải” của mình. Anh bảo vừa mới chia tay tình nhân và muốn quay về xin lỗi vợ con để hàn gắn lại gia đình. Nhưng, anh không biết phải làm cách nào để thực hiện điều đó. Bởi gần 1 năm nay, anh bỏ vợ con chạy theo tiếng gọi tình yêu từ cô tình nhân trẻ trung, xinh đẹp. Vợ anh làm giáo viên ở trường huyện, sợ ảnh hưởng đến danh dự và công việc khi có chồng theo gái, ruồng rẫy vợ con nên cô đã nén đau khổ giao ước với anh rằng: Phải giữ hôn nhân dù nó chỉ còn là cái vỏ, để hai đứa con có một gia đình đầy đủ như bạn bè. Chỉ cần anh không ly hôn, cô chấp nhận cảnh chồng một bến hai đò trong bí mật. Tuy nhiên, anh vì nghe lời cô tình nhân trẻ đẹp mà không chấp nhận và công khai chuyện tình cảm rồi kiên quyết ly hôn, đi theo tiếng gọi tình yêu, để hai đứa con lại cho vợ nuôi. 

Nhưng cuộc tình của anh không bền lâu, càng sống lâu với nhân tình, anh càng nhận ra bản chất đào mỏ của cô ta. Anh vốn dĩ đã quen sống với sự hy sinh vô điều kiện của vợ cũ, nên càng ngày càng chán nản cô nhân tình. Những ngày cuối năm, nhìn cảnh người người đi sắm Tết, anh thấy nhớ da diết cuộc sống gia đình hạnh phúc trước đây. Cảm giác muốn được quay về đoàn tụ cứ thôi thúc trong anh. Nhưng là người có lỗi, chẳng biết làm cách nào để trở về.

Nghe chia sẻ của anh, chúng tôi bảo rằng những tổn thương anh gây ra cho vợ con rất lớn. Vợ anh có thể không tha thứ bởi cô ấy có quyền làm điều đó với người chồng phản bội, nhẫn tâm đạp đổ hạnh phúc mà cô hết mình gây dựng. Nhưng dân gian có câu “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, anh muốn quay về thì hãy thành tâm sửa chữa sai lầm, dù chặng đường đó gian nan, thậm chí cần rất nhiều thời gian. Hiện tại, anh có hai đứa con để làm cầu nối, hãy làm một người cha có trách nhiệm để từ đó tìm cách hàn gắn với vợ cũ.  

Năm nay, anh nên sớm về sắm Tết cho các con, xin vợ cũ cho mình qua lại đón năm mới cùng bọn trẻ. Dù hai người đã ly hôn nhưng vẫn là bố mẹ của con cái. Và vì con, bố mẹ có thể đặt xuống hiềm khích để con có niềm vui đón Tết trọn vẹn. Con đường tìm lại hạnh phúc này, tự bản thân anh phải nỗ lực để lấy lại niềm tin của vợ cũ. Người phụ nữ vốn dĩ rất dễ lay động, dễ bao dung bỏ qua lỗi lầm của bạn đời nếu như họ nhìn thấy sự hết mình vì con của người đàn ông, sự thành tâm muốn dựng lại nếp nhà của tổ ấm đã bị chông chênh trước đó. 

Mùa xuân đang gõ cửa, và trong mỗi ngôi nhà vẫn đón đợi những niềm vui đoàn tụ, sum họp. Nếu ai đó muốn quay về sau những lầm lỗi, hãy mạnh dạn bước về phía gia đình mình. Bởi chỉ có gia đình là nơi sẵn sàng che chở, tha thứ và bao dung trước mọi lỗi lầm để chúng ta có cơ hội sửa chữa, làm lại tất cả. Tết đến rồi, hãy về nhà để đoàn tụ với người thân thay vì mặc cảm chạy trốn với những lỗi lầm, để rồi đánh mất hạnh phúc mãi mãi. 

Mùa xuân đang gõ cửa, và trong mỗi ngôi nhà vẫn đón đợi những niềm vui đoàn tụ, sum họp. Nếu ai đó muốn quay về sau những lầm lỗi, hãy mạnh dạn bước về phía gia đình mình.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nỗi niềm phận gái lấy chồng xa

Nỗi niềm phận gái lấy chồng xa

(PNTĐ) - Chị khóc vùi bên mộ cha, gần 10 năm rồi chưa một lần được thăm cha mẹ, cho đến hôm nay chị cũng không về kịp để nhìn mặt cha lần cuối cùng. Mẹ chị nói, cha chị yếu dần nhưng vẫn cố gắng hết sức để đợi chị về. Tâm nguyện cuối của ông trước khi ra đi là được gặp đứa con gái duy nhất của mình. Thế nhưng, tâm nguyện đó của ông cũng chẳng thể toại nguyện.
Tình đầu đâu có... xấu

Tình đầu đâu có... xấu

(PNTĐ) - Hôm đó, mẹ vợ anh trở bệnh phải nhập viện gấp. Hai vợ chồng anh lại đang ở xa. Anh liền nhắn tin cho Như “cầu cứu”: “Mẹ vợ anh vào viện em khám chỉ có một mình. Em lo cho bà giúp anh nhé. Nay vợ chồng anh đều không đưa bà đi được”.
Những phụ nữ dám ước mơ, dám thay đổi

Những phụ nữ dám ước mơ, dám thay đổi

(PNTĐ) - Ngày nay, phụ nữ không chỉ tự tin, độc lập mà còn xây dựng các chuẩn mực, thước đo để khẳng định giá trị bản thân, hướng đến hình mẫu phụ nữ hiện đại. Họ dám nghĩ, dám làm, dám bước qua ranh giới và rào cản, quyết tâm theo đuổi đam mê, từ đó khẳng đinh tài năng trên từng lĩnh vực mà mình theo đuổi.