Thành Cổ Loa - Di tích quốc gia đặc biệt
(PNTĐ) -
Thành Cổ Loa là tòa thành có niên đại cổ nhất ở Việt Nam được xây dựng từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên. Đây là kinh đô nước Âu Lạc xưa, nay thuộc địa phận ba xã Cổ Loa, Dục Tú và Việt Hùng - huyện Đông Anh - Hà Nội. Di tích này gắn liền với những truyền thuyết lịch sử hấp dẫn của dân tộc Việt Nam: Chuyện An Dương Vương định đô, xây thành; chuyện kể về chiếc nỏ thần bắn một phát hạ hàng trăm tên giặc hay mối tình bi thương và cảm động của Mỵ Châu – Trọng Thủy…
Thành Cổ Loa là điểm tham quan, du lịch độc đáo của Thủ đô. Đã từ bao đời nay, dấu vết của ngôi thành cổ này cùng với những nhân vật được huyền thoại hóa từng đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam. Bài viết này chỉ xin nêu những nét khái quát nhất về khu di tích có giá trị đặc biệt của Thủ đô ngàn năm tuổi. Tòa thành này có rất nhiều tên gọi khác nhau như Loa thành (thành Ốc), thành Côn Lôn, thành Tư Long, Cửu thành, thành Việt Vương, thành Khả Lũ, Cổ Loa thành. Đến thế kỷ thứ X, thời kỳ Ngô Quyền làm vua, Cổ Loa lại trở thành kinh đô lần thứ hai.

Về mặt kiến trúc: Thành Cổ Loa được xây dựng kiểu vòng ốc nên được gọi là Loa thành. Tương truyền rằng thành khi mới xây xong có tới 9 vòng xoáy trôn ốc. Tuy nhiên theo khai quật khảo cổ thì hiện nay dấu tích thành chỉ còn 3 vòng; diện tích gần 46ha.
Ba vòng đó là: Thành Nội, thành Trung, thành Ngoại khép kín, đắp bằng đất, với tổng chiều dài là 15,820km... Khi xây thành, người Việt cổ đã biết lợi dụng tối đa và khéo léo các địa hình tự nhiên. Ông cha ta đã biết tận dụng chiều cao của các đồi, gò, đắp thêm đất cho cao hơn để xây nên hai bức tường thành phía ngoài. Vì thế hai bức tường thành này có đường nét uốn lượn theo địa hình tự nhiên chứ không theo đường thẳng như bức tường thành trung tâm. Người xưa lại xây thành bên cạnh con sông Hoàng để dùng dòng sông này vừa làm hào bảo vệ thành vừa là nguồn cung cấp nước.
Mỗi vòng thành đều có hào nước bao quanh bên ngoài, hào rộng trung bình từ 10m đến 30m, có chỗ còn rộng hơn. Các vòng hào đều thông với nhau và thông với sông Hoàng. Sự kết hợp của sông, hào và tường thành không có hình dạng nhất định, khiến thành như một mê cung. Loa thành là một khu quân sự vừa thuận lợi cho tấn công vừa rất tốt cho việc phòng thủ. Thuyền bè đi lại dễ dàng trên ba vòng hào để đến trú đậu ở Đầm Cả hoặc ra sông Hoàng và từ đó có thể tỏa đi khắp nơi.
Thành Cổ Loa có ý nghĩa giá trị nhiều mặt. Về phương diện quân sự, thành thể hiện sự sáng tạo độc đáo của người Việt cổ trong công cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm giữ nước và bảo vệ lãnh thổ. Về mặt xã hội, với sự phân bố từng khu cư trú cho vua, quan, binh lính, thành Cổ Loa là một chứng cứ về sự phân hóa của xã hội thời bấy giờ.

Thời kỳ này, vua quan không những đã tách khỏi dân chúng mà còn phải được bảo vệ chặt chẽ. Ở phương diện văn hóa, đây là một tòa thành cổ nhất của nước ta còn để lại nhiều dấu tích, Cổ Loa trở thành một di sản văn hóa, một bằng chứng cụ thể về sự sáng tạo, về trình độ khoa học kỹ thuật quân sự cũng như văn hóa của người Việt cổ. Những năm qua, người ta đã đào được rất nhiều mũi tên đồng ở khu vực Cổ Loa.
Hàng năm, vào ngày 6 tháng Giêng âm lịch, cư dân Cổ Loa tổ chức một lễ hội trang trọng để tưởng nhớ đến những người xưa đã có công xây thành, và nhất là để ghi ơn An Dương Vương. Thành Cổ Loa là một trong 21 khu Du lịch Quốc gia của Việt Nam.
Với ý nghĩa giá trị lớn nhiều mặt, ngày 27/9/2012 Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Thành Cổ Loa được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt. Ngày 27/1 vừa qua, Lễ hội thành Cổ Loa cũng đã chính thức được công nhận di sản phi vật thể cấp Quốc gia.