Thơ tặng vợ hiền

Việt Phương
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Em ngồi đó, quên cả ngày tàn quên đêm khuya khoắt
Mười ngón tay, lau một thế giới dịu hiền
Những con búp bê kia muôn màu lung linh ánh mắt
Em lẳng lặng đẩy lùi cơn bão dập đời anh.

Gầm rít quanh ta cơn bão phũ phàng
Cuộc vây hãm dằng dai của mắt cú miệng hùm lưỡi rắn
Em ngồi đó, mười ngón tay lau đằm thắm
Một thế giới dịu hiền - thông điệp của hồn em.

Cái thời nhố nhăng cặn bã hóa vương quyền
Rồi lọc hết qua bàn tay em - chỉ sau cùng còn lại
Chỉ sau cùng còn lại
Một thế giới dịu hiền nâng giấc mãi thơ anh.

                                                    Bùi Minh Quốc

Thơ tặng vợ hiền - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

LỜI BÌNH
Trong những ngày tháng Ba này, chúng ta có một cảm xúc rất đặc biệt đó là sự trân trọng, nâng niu dành tặng những người mẹ, người chị, người bạn gái… “một nửa” dịu dàng, xinh đẹp của thế giới này. Nhưng trong đó, tình cảm dành cho người phụ nữ cùng sẻ chia, gắn bó, cùng xây dựng tổ ấm vẫn là những rung động đặc biệt nhất. Thơ tặng vợ là một đề tài khá phổ biến, được các nhà thơ từ cận đại đến hiện đại khai thác với nhiều cung bậc cảm xúc. Có điều, dù có phong phú, đa dạng đến đâu cũng sẽ không rơi vào sự trùng lặp, nhàm chán bởi sự chân tình. Thơ tặng vợ hiền của nhà thơ Bùi Minh Quốc là một thi phẩm đáng đọc như thế:

Em ngồi đó, quên cả ngày tàn quên đêm khuya khoắt
Mười ngón tay, lau một thế giới dịu hiền
Những con búp bê kia muôn màu lung linh ánh mắt
Em lẳng lặng đẩy lùi cơn bão dập đời anh.

Bốn câu thơ nặng trĩu như một khúc trường ca. Có lẽ, nhà thơ đã nhận ra người vợ ấy có một “sức mạnh mềm” bởi sự cần mẫn, kiên trì (quên cả ngày tàn quên đêm khuya khoắt). Cũng chính sự âm thầm của người vợ đã tạo nên sự che chắn, bao bọc âm thầm phía sau người chồng của mình: “Em lẳng lặng đẩy lùi cơn bão dập đời anh”. Hai chữ “đẩy lùi” ấy thật mạnh mẽ, có thể cơn bão ấy là những cám dỗ, là cạm bẫy mà cũng là tham vọng chăng? Chỉ biết là, người vợ cứ âm thầm như thế để bảo vệ tổ ấm của mình mà có khi chính người chồng cũng đâu biết có một cuộc chiến căng thẳng này. Thì đây, đến khổ thơ thứ hai tất cả đã rõ nét hơn, nàng vẫn bình thản mặc xung quanh là bao thách thức, đe dọa:

Gầm rít quanh ta cơn bão phũ phàng
Cuộc vây hãm dằng dai của mắt cú miệng hùm lưỡi rắn
Em ngồi đó, mười ngón tay lau đằm thắm
Một thế giới dịu hiền - thông điệp của hồn em.

Ở đây, chúng ta nhận ra một sự đối lập: Một đằng là sự đe dọa, vây hãm của những “mắt cú miệng hùm lưỡi rắn” tạo thành cơn bão dữ nhằm xô đổ ngôi nhà hạnh phúc. Nhưng ở chiều ngược lại là một đối lập của sự bình thản, tĩnh lặng: Em cứ ngồi đó, cứ lau những con búp bê kỹ càng, chu đáo, chỉ cần như thế đủ tạo ra một thế giới, một bầu khí quyển cho riêng anh: “Một thế giới dịu hiền - thông điệp của hồn em”. Và anh viết tiếp bởi nếu dừng ở đây thì chưa đủ:

Cái thời nhố nhăng cặn bã hóa vương quyền
Rồi lọc hết qua bàn tay em - chỉ sau cùng còn lại
Chỉ sau cùng còn lại
Một thế giới dịu hiền nâng giấc mãi thơ anh.

Bốn câu thơ nhưng chỉ đọng lại một ý tứ: Người vợ chính là lăng kính gạn lọc những bụi bặm để đem về sự trong lành, bình yên. Đời càng “nhố nhăng cặn bã” thì cô lại càng muốn thơ của anh lấp lánh, dịu êm. Người vợ ấy là điểm tựa, là phép màu hay chính là nàng thơ chăng? 

Chỉ biết rằng, viết về nàng như thế đủ để chúng ta cảm thấy yêu quý và trân trọng hơn những người vợ hiền.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Nâng cao hiểu biết cho người lao động

Nâng cao hiểu biết cho người lao động

(PNTĐ) - Đa phần công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố đến từ các tỉnh/thành. Trong bối cảnh thế giới ảo đang có sức hút lớn, kênh giải trí chủ yếu của nhiều công nhân lao động là internet, rất cần có các hoạt động để nâng cao hiểu biết pháp luật, chăm lo đời sống tinh thần, tập hợp, thu hút, định hướng tư tưởng công nhân lao động.