Thực tế ở riêng quá phũ phàng

HẢI NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sống chung với mẹ chồng được chăm lo từ bữa ăn đến giấc ngủ nhưng Mai thấy vẫn gò bó, khó chịu. Lúc nào cô cũng mơ tưởng đến cuộc sống ở riêng, thoải mái, tự do, được làm điều mình thích.

Mấy ngày nữa là chuyển ra ở riêng, trong lòng Mai vô cùng háo hức. Tối nào cô cũng hì hụi dọn dẹp, đóng gói đồ đạc, dù cho Hải cau có: “Đến hôm ấy thu dọn một lúc là xong sao em cứ sốt sắng như muốn chuyển đi ngay ấy nhỉ. Mẹ nhìn thấy lại buồn”. Mai không nói gì nhưng cô cũng nhận ra từ lúc vợ chồng cô quyết định ra ở riêng thì mẹ chồng trở nên trầm lắng, ít nói cười hơn trước.

Thực lòng Mai rất quý trọng mẹ chồng, mấy năm sống chung hai mẹ con chưa hề có xích mích gì to tát. Ngày mới về làm dâu, Mai thực sự không thoải mái vì phải sống chung với nhà chồng với lý do Hải là con út, nhà cửa rộng nên ở cùng  bố mẹ để tiện chăm sóc. Thế nhưng, mẹ chồng Mai là người tốt, tính thoải mái lại nấu ăn rất ngon. Bởi thế, vợ chồng cô mới là người được mẹ chăm sóc từ bữa ăn đến giấc ngủ.

Thực tế ở riêng quá phũ phàng - ảnh 1
Ảnh minh họa

Hai vợ chồng Mai đi làm xa, sáng dậy đã có đồ ăn sáng chuẩn bị sẵn trên bàn và hai cặp lồng cơm canh nóng hổi để mang đi ăn trưa. Hôm nào cũng vậy, ăn xong bữa tối là mẹ chồng lại hỏi: “Ngày mai hai đứa muốn ăn gì để mẹ chuẩn bị”.

Tan làm về nhà, vợ chồng Mai cũng chỉ phải tắm giặt là ngồi vào bàn ăn có cơm nước tinh tươm dọn sẵn. Công việc duy nhất mà Mai làm hàng ngày là rửa bát cho bữa cơm tối. Còn tất tần tật từ dọn dẹp nhà cửa, quần áo, đi chợ, cơm nước cũng đều do một tay mẹ chồng quán xuyến.

Đến khi có con, em bé cũng do bà chăm, từ việc ăn uống đến tắm rửa. Vợ chồng Mai đi làm về chỉ việc chơi đùa với con là xong. Biết mẹ chồng chu đáo, chăm sóc con cháu như vậy nên Mai cũng rất quan tâm đến bà. Cô rất hay mua sữa, vitamin để mẹ chồng bồi bổ, cuối tuần cô còn dẫn bà đi massage bấm huyệt để đỡ đau mỏi vai gáy.

Tuy nhiên, dù mẹ chồng có gần gũi và hợp ý con dâu thế nào thì cũng khó tránh khỏi những lúc bất đồng quan điểm, rồi sinh ra khó chịu, sống cũng ngại ngần, không thoải mái. Giữa Mai và mẹ chồng, vấn đề lớn nhất đó là bà khá nguyên tắc và truyền thống, còn Mai thì thích lối sống hiện đại.

Thế nên, khi sống chung một thời gian dài, thỉnh thoảng Mai lại thấy chán “cơm nhà mẹ nấu”. Cô muốn đổi bữa với những món Tây, Nhật, Hàn thì bố mẹ chồng ăn lại không hợp. Nếu như Mai có ý định đi ăn ngoài hàng thì mẹ chồng lại không vừa lòng với lý do “ra ngoài ăn vừa đắt lại không đảm bảo vệ sinh”.

Thực tế ở riêng quá phũ phàng - ảnh 2
Ảnh minh họa

Ở cùng nhà chồng, Mai cũng chẳng mấy khi được đi chơi, ăn uống với bạn bè. Vì nhóm bạn của cô mỗi lần gặp nhau là lại “bung xõa” hết mình, mà cô biết mẹ chồng không thích điều đó. Có lần Mai đi sinh nhật về khuya, có uống một chút bia, mẹ chồng giận lắm.

Bà khăng khăng qua bế cháu sang phòng ngủ cùng vì cho rằng “mùi khó chịu”. Đến sáng hôm sau, bà gọi cả hai vợ chồng Mai xuống để nhắc nhở. Tuy bà nói nhẹ nhàng nhưng khi ngẫm nghĩ từng câu chữ, Mai thấy khó chịu và nghĩ mẹ chồng quá khắt khe.

Sau những lần như thế, càng ngày Mai càng muốn được dọn ra ở riêng. Mai ngỏ ý với chồng, ban đầu anh gạt đi vì cho rằng “ở với bố mẹ đang sướng”. Thế nhưng, biết chồng cũng thương và chiều vợ nên Mai ra sức thuyết phục. Cuối cùng anh cũng đồng ý. Khi vợ chồng Mai xin phép bố mẹ ra ở riêng, ban đầu ông bà cũng phản đối. Thế nhưng sau dịp bà cô lên chơi, chẳng biết nói chuyện thế nào mà bố mẹ chồng mới xuôi xuôi.

Mẹ chồng nói: “Dọn ra ở riêng thế hai đứa định ở đâu? Con cái cho học trường nào? Đưa đón đi học ra sao, đã tính hết chưa? Bố mẹ chẳng khắt khe gì đâu nhưng cuộc sống đang ổn định, chuyển đi kiểu gì cũng bị xáo trộn. Đặc biệt những lúc Hải nó bận việc đi tối ngày, vợ chồng phải biết bảo ban nhau”. Mai nghe thấy mẹ chồng nói vậy, mừng rỡ khôn xiết, cuống quýt gật đầu: “Mẹ yên tâm, bọn con sẽ tính toán đâu vào đấy. Kế hoạch thế nào con sẽ nói chuyện với mẹ sau ạ”. Thế rồi Mai mơ màng nghĩ đến cảnh được sống thoải mái, thích gì ăn nấy, đi chơi cũng chẳng có ai cấm cản… Nhưng cô đâu nghĩ đến bao bộn bề, vất vả phía sau.

Thực tế ở riêng quá phũ phàng - ảnh 3
Ảnh minh họa

Mong mỏi mãi cũng đến ngày chuyển đi. Cho dù chỉ là căn hộ thuê nhưng Mai cũng chịu khó sắm sửa, decor để có một không gian sống mơ ước. Bữa ăn đầu tiên, Mai đặt pizza và gà rán, món khoái khẩu của cả nhà, ai nấy đều vui vẻ ăn một bữa ngon. Bé Bin còn dặn mẹ: “Mai mẹ lại cho con ăn món này nữa nhé. Ở nhà với bà chẳng bao giờ được ăn cả”.

Những ngày đầu ở riêng với Mai thật tuyệt vời. Dù có vất vả hơn vì mọi việc đều đến tay, từ đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp, nhưng cô thấy mình trưởng thành hơn nhiều. Hai vợ chồng tự sắp xếp công việc, bớt thời gian lướt web, ôm điện thoại để lo việc nhà, chăm con.

Nhưng thời gian sau, công việc của Hải bận rộn, sáng đi sớm đến tối muộn mới về, ngày cuối tuần cũng phải tăng ca. Thế nên, mọi việc trong nhà đều do một tay Mai quán xuyến. Sáng sớm dậy nấu ăn, cho con đi học, đến chiều lại tất tả về đón con, thế mà hôm nào con cũng ở lại muộn nhất lớp. Về đến nhà là cô lao vào bếp nấu cơm, cho con ăn, kèm con học, rồi đến khi lên giường là đã khuya muộn.

Ngày trước, Mai cứ nghĩ ra ở riêng thì tha hồ đi cà phê tán gẫu với hội bạn mà chẳng có ai soi mói. Thế nhưng, thực tế lại quá phũ phàng, cô chẳng có thời gian rảnh rang mà hẹn hò với ai. Chưa kể những hôm con sốt, chồng lại tăng ca ở nhà máy, một mình Mai vất vả đêm hôm dậy chăm con mới thấy thấm thía. Những lúc mệt quá, cô mơ màng suy nghĩ “giá như có mẹ chồng ở đây, bà sẽ bế và vỗ về được cháu, mình cũng đỡ cực hơn nhiều rồi”.

Tự nhiên, Mai thấy nhớ mẹ chồng, trong lòng có chút ân hận. Mai vẫn còn nhớ như in lời mẹ dặn lúc cô đang háo hức dọn đồ chuyển đi: “Ra ngoài sống nếu vui vẻ thì bố mẹ mừng, còn thấy vất vả quá thì lại về đây, ngôi nhà này lúc nào cũng mong bọn con và bé Bin trở về”. Chuyện dọn về Mai chưa nghĩ đến, nhưng chắc chắn cô sẽ về nhà ở mấy hôm để dược mẹ chồng chăm lo cho bớt mệt mỏi.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.
Cành cây của Chúa trời

Cành cây của Chúa trời

(PNTĐ) - Với những đứa trẻ khác, sinh ra trong một gia đình có bố là quan chức, mẹ là giáo sư đại học cũng giống như nắm giữ chiếc chìa khóa vàng. Nhưng đó là một loại áp lực đối với tôi vì tôi không được thừa hưởng gen tốt của bố mẹ.