Tiếng ve
(PNTĐ) -
Từ vòm phượng lửa như thiêu
Đốt hồng thành phố: ve kêu ngút trời
Tiếng kêu xao xác, rã rời
Ả oi trưa nắng, à ời chiều râm
Ve kêu đường phố u sầm
Ve kêu rả rích - mưa dầm nỉ non
Ve kêu xơ xác, héo hon
Ve kêu rũ ruột chỉ còn tiếng ve
Ve ăn mòn hết mùa hè
Khu vườn có một tiếng ve - đã gầy!
Đang khi lơ lửng đêm này
Dàn ve dũa sáng nửa ngày bên kia...
10/11/1985
Phạm Khải

LỜI BÌNH:
Tiếng ve là một đặc trưng của mùa hạ. Cùng với những cành phượng đỏ, những trận mưa xối xả, đã làm nên một mùa hạ đầy biến động, sôi nổi và thiết tha. Cũng vì thế, mỗi năm tôi thường chọn đọc một bài thơ về tiếng ve khác nhau, lần này, tôi chọn Tiếng ve của nhà thơ Phạm Khải:
Từ vòm phượng lửa như thiêu
Đốt hồng thành phố: ve kêu ngút trời
Tiếng kêu xao xác, rã rời
Ả oi trưa nắng, à ời chiều râm
Ngay từ lúc bắt đầu, tiếng ve đã ồn ã như thế đó, nhà thơ khéo ở chỗ tạo nên sự ồn ã ấy bằng chính cấu trúc của khổ thơ, và những từ biểu cảm: “Ngút trời”, “xao xác, rã rời” và cả những từ gợi trạng thái mệt mỏi như: “Ả oi”, “à ời”. Khi đã đạt được cái tầm cao ấy, khổ thơ thứ hai là một điệp khúc thật sự mạnh mẽ, thôi thúc:
Ve kêu đường phố u sầm
Ve kêu rả rích - mưa dầm nỉ non
Ve kêu xơ xác, héo hon
Ve kêu rũ ruột chỉ còn tiếng ve
Bốn tiếng ve, bốn cung bậc cảm xúc như một bức tranh liên hoàn được tạo nên bởi âm thanh. Từ tiếng ve âm u (u sầm), tiếng ve rả rích như mưa miên man đến tiếng ve xơ xác héo mòn và tiếng ve thoát xác. Trong tiếng ve ta nghe ra được bước đi của thời gian, được sự rũ bỏ thân xác để hợp nhất giữa âm thanh và linh hồn (chỉ còn tiếng ve). Bốn tiếng ve ấy cũng là bốn cung bậc vọng vào chính tâm hồn mình. Những tưởng thanh âm kia chỉ làm ồn ã phố xá hóa ra còn làm mục rữa ruột gan của chính bản thể ấy. Nhưng sau tất cả cái còn đọng lại chính là “chỉ còn tiếng ve”. Đó là một sự khẳng định qua thời gian: Những gì đọng lại là tinh anh, tính chất, là giá trị sống được nhắc tên, được khắc ghi trong lòng người.

Để rồi, tiếng ve đã ám ảnh nhà thơ vào mùa hè năm 1985 ấy mới thật kỳ lạ, chẳng gặp lại bao giờ:
Ve ăn mòn hết mùa hè
Khu vườn có một tiếng ve - đã gầy!
Đang khi lơ lửng đêm này
Dàn ve dũa sáng nửa ngày bên kia...
Có lẽ đến bài thơ này của nhà thơ Phạm Khải, người ta mới gặp tiếng ve đay đả, sắc lạnh đến thế. Trước đây, chỉ thấy sương tuyết “bổ mòn gốc liễu”, thấy nắng, mưa mòn đá núi (Gió không phải là roi/ mà vách núi phải mòn - Thơ viết ở biển, Hữu Thỉnh). Cái lạ ở đây là tiếng ve tưởng rộn rã như thế, sôi nổi như thế hóa ra lại buồn, lại u sầu và cuối cùng là thứ âm thanh ấy còn vắt qua ngày mới:
Đang khi lơ lửng đêm này
Dàn ve dũa sáng nửa ngày bên kia...
Phải là một người nhạy cảm, phải là tiếng ve thật sự ám ảnh trong mùa hè đặc biệt mới nhận ra cái “dũa sáng” của thứ thanh âm này.
Trước mùa hạ, nghe một tiếng ve trên vòm lá, đọc một bài thơ thật ám ảnh, nhấp một ngụm trà, ngẫm về bước đi của thời gian thấy yêu những gì mà ta đang được cảm nhận.