Tình cảm cũng cần chính danh

Mai Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Các nhà làm luật đều thừa nhận một thực tế rằng ly thân là một hiện tượng xã hội đang tồn tại trong nhiều gia đình Việt Nam. Thậm chí, ly thân còn làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp khiến việc có nên luật hóa nó hay không luôn luôn nóng.

Ly thân - một quả bom nổ chậm

Gia đình hai bên có điều kiện, Việt và Như tay trong tay đến với hôn nhân khá dễ dàng. Những tưởng cuộc sống sẽ mãi hạnh phúc như lời hứa “cùng đi với nhau đến già” năm nào. Nhưng không, Việt liên tục ngoại tình và không có ý định giấu Như. Thậm chí, khi biết Như sẽ mời bố mẹ chồng họp gia đình, Việt còn nhắc trước bố mẹ mình, rằng hãy mặc kệ cô ấy!

Người lớn trong nhà khuyên cả hai nên ly thân một thời gian để cùng nhìn lại mình. Và cũng bởi nếu ly hôn, con cái sẽ chịu thiệt thòi nhiều nhất. Thương con, thương cả mình lỡ dở, Như chấp nhận vẫn sống chung nhà với gã đàn ông bội bạc ấy, và vẫn cố chấp nuôi hy vọng một ngày anh ta sẽ đổi thay, quay về với mình.

Tình cảm cũng cần chính danh - ảnh 1
Ảnh minh họa

Ấy thế nhưng, ly thân trở thành chìa khóa cho Việt “sổ lồng”, ngang nhiên đi quen biết nhiều bạn gái. Chưa đủ, anh ta còn mang bạn gái về quê giới thiệu với bố mẹ, rồi đưa bạn gái đi chơi, đi mua sắm, tung hê hết lên mạng xã hội hình ảnh tình tứ của cả hai, thậm chí ở nhà bạn gái dài ngày. Như biết chuyện, cô khó chịu vô cùng. Không hề là hàn gắn hôn nhân như cô nghĩ, ly thân chỉ giam lỏng mình cô.

Bạn bè khuyên nhủ Như ly hôn quách đi cho xong, chịu nhục mãi làm gì. Nhưng Như sợ, ly hôn rồi, thì một mình cô gánh đủ thứ áp lực, điều tiếng được không? Còn Việt, anh ta quá thoải mái với mối quan hệ kiểu này, nên cũng không muốn phải ly hôn làm gì. Giờ, họ vẫn là vợ chồng, nhưng cạn sạch tình cảm, chỉ ràng buộc mỗi đứa con.

Tình cảm cũng cần chính danh - ảnh 2
Ảnh minh họa

Còn với Minh Phương, ly thân là giai đoạn làm những vết cứa tình cảm trong lòng cô thêm nham nhở. Lấy nhau, chẳng phải ngoại tình, mà vì không cùng quan điểm sống, họ quyết định ly thân một thời gian để thử thách lẫn nhau, xem có thể cứu vãn cuộc hôn nhân này được nữa hay không. Những tháng ngày ly thân, đôi bên mạnh ai nấy sống, như một cuộc thi gan khi mỗi người đều cố ra vẻ đối phương không còn quan trọng với mình nữa. Hai vợ chồng chỉ nói những chuyện cần thiết phải giải quyết, chuyện về con, còn lại thì ai ở phòng nấy. “Thế mà rồi cũng quen, giờ cảm xúc ít nhiều chai sạn. Bảo còn tình cảm với nhau không, thì vẫn còn chứ. Nhưng bảo quay về như ngày xưa, chắc là khó. Thôi cứ thế này cũng được, chứ đi bước nữa, mình sợ lắm”, Phương ngậm ngùi.
Câu chuyện ly thân để trì hoãn ly hôn đang trở thành “xu hướng”, nhất là đối với những cặp vợ chồng tri thức hoặc có điều kiện. Theo chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình, lý do phổ biến nhất là không ai muốn con cái phải chịu cảnh không có cả bố lẫn mẹ ở bên. Tiếp theo, nhiều người không muốn phân chia tài sản hoặc vẫn còn hy vọng đối phương thay đổi. Ngoài ra có người không muốn ly hôn để giữ thể diện và hình ảnh cho bản thân. Ở góc nhìn tiêu cực hơn, trong thời gian ly thân, nhiều người đã tìm cách tẩu tán, hợp thức hóa tài sản chung thành tài sản riêng, hoặc cố tình vay mượn để bắt người kia phải chung trách nhiệm “vợ chồng” trả nợ… 

Tỷ lệ ly thân chiếm một con số không hề nhỏ trong đời sống của các cặp vợ chồng. Vậy nên dù muốn hay không thì vẫn phải thừa nhận ly thân là một hiện tượng xã hội đã đang và sẽ tiếp tục tồn tại. Vấn đề luật hóa hiện tượng ly thân này đã từng được đem ra thảo luận trong quá trình dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, đến Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì chế định này vẫn chưa được ghi nhận. 

Tình cảm cũng cần chính danh - ảnh 3
Ảnh minh họa

Ứng xử sáng suốt trong hôn nhân

Có một câu nói đùa rằng, nếu xã hội như một mạng xã hội thì top trend hashtag (từ khóa thịnh hành) chắc là tatcalataiphunu (tất cả là tại phụ nữ). Và khi một mối quan hệ kết thúc, mọi người có khuynh hướng tin rằng phụ nữ đã không dành đủ thời gian và nỗ lực để giữ cho nó ấm êm. Nói cách khác, phụ nữ phải nhận mọi lỗi lầm. Phụ nữ vẫn đầy gánh nặng. Nhưng phán xét về họ bao giờ cũng định kiến, khắt khe. 

Theo Thạc sỹ tâm lý Tô Nhi A, ly thân nghe có vẻ như là cơ hội chia đều cho cả hai, cả hai đều suy nghĩ về tương lai và gia đình nhưng thực sự mà nói người đàn ông sẽ lợi đến 2/3. Bởi dư luận vẫn nhìn người đàn ông ly thân rất dễ. Còn với phụ nữ vẫn rất thiệt thòi. Theo bà, phần đông phụ nữ chọn ly thân hơn là ly hôn. Bởi vì họ còn nặng tình, chưa thể dứt khoát được. Họ trì hoãn để chờ đợi người cha của những đứa con quay lại và hàn gắn với họ. 

Tình cảm cũng cần chính danh - ảnh 4
Ảnh minh họa

Bà Tô Nhi A cho hay, khác với tình huống ly hôn là đã kết thúc trọn vẹn một bi kịch với đầy đủ cơ sở pháp lý, ly thân – nếu biết cách, có thể sẽ khiến cuộc hôn nhân khá lên và cứu vãn được. Để ly thân thực sự có hiệu quả, thời gian ly thân không nên kéo dài quá lâu. Trong giai đoạn ly thân nên có sự giãn cách giữa người phụ nữ và đàn ông, nhưng chỉ trong phạm vi gia đình. Những ứng xử bình tĩnh, sáng suốt, thấu tình đạt lý của những người trong cuộc lúc này sẽ ngay lập tức quyết định số phận hạnh phúc của họ và của con cái họ.

Khi người ta quyết định đi đến hôn nhân, ai cũng muốn sống đến đầu bạc răng long, hạnh phúc viên mãn. Nhưng trong quá trình sống chung, những mâu thuẫn, xô lệch sẽ khiến họ có thể không thể tiếp tục sống với nhau, vì sống tiếp sẽ chỉ toàn là bất hạnh. Họ có quyền thay đổi cuộc sống của mình, vấn đề là thay đổi bằng cách văn minh hay không văn minh. Gốc của vấn đề này chính là bình đẳng giới, là thân phận của người phụ nữ, địa vị của đàn ông, địa vị đàn bà, quan niệm về tự do cá nhân, thái độ chúng ta nhìn nhận. Chúng ta đòi hỏi ở phụ nữ quá nhiều thứ và rồi luôn trách họ đầu tiên mỗi khi có vấn đề nào đó trong gia đình xảy ra. Để giải quyết bất bình đẳng này, không gì khác là phải giáo dục kỹ năng sống, nâng cao trình độ nhận thức, văn hóa, dân chủ và quyền tự do của con người, về hôn nhân, về ly hôn… từ sớm. Để trước mỗi một bi kịch gia đình, người ta không đổ lỗi cho phụ nữ đầu tiên, thậm chí hào hứng đổ thật nhiều lỗi, đặt thật nhiều biệt danh xấu xa gắn vào người họ. Để dù có chia tay, vợ cũ – chồng cũ vẫn tôn trọng nhau và giao tiếp thật sự thấu đáo. Và hơn cả, để tỉnh táo nhận ra một điều là cả đàn ông và phụ nữ đều phải chịu trách nhiệm về một mối quan hệ và hôn nhân. Rạn nứt không bao giờ chỉ là lỗi của một người.

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.