Tình cha

Lê Thường
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hiển đi làm về thì trời đã nhập nhoạng tối. Một mình mẹ anh ngồi trước thềm. Không gian im phăng phắc chỉ nghe tiếng những cơn gió xuân rung lên xào xạc. Đôi mắt bà nhìn ra ngõ như đang ngóng chờ ai.

Thấy anh về bà bảo:

- Con về rồi hả, nghỉ ngơi tí rồi ăn cơm.

Nhác trông vào nhà anh hỏi mẹ:

- Ông ấy đi lâu chưa mẹ?

- Đi suốt từ sáng đến giờ. Nghe điện thoại xong là xách ba lô đi.  Khổ lúc nào cũng say khướt như thế ra đường không khéo lại ngã vào đâu - Bà chép miệng, tiếng thở dài đầy mệt mỏi  pha lẫn chán chường buông vào chiều chầm chậm.

Hiển vào nhà, với cái khăn lau mặt rồi ngồi xuống bên mâm cơm đã dọn sẵn trên bàn. Đã mấy tháng nay bữa cơm nhà anh hầu như chỉ có hai mẹ con. Anh bỗng nhớ cái cảm giác đầm ấm khi xưa biết bao. Dạo đó, cứ tối đến là cả nhà cùng ngồi quây quần bên nhau. Bố khi thì hỏi han anh về công việc, khi thì kể dăm ba câu chuyện tầm phào. Bữa ăn cứ thế mà trở nên vui vẻ lao xao tiếng nói, tiếng cười. Bây giờ thì cái điều đơn giản ấy cũng trở nên quá xa xỉ. Bố dường như đã trở thành người khác, đôi lúc anh gần như không còn nhận ra bố mình nữa.

Cái người bố hiền lành hết mực yêu thương vợ con nay đã trở thành người đàn ông nát rượu. Chỉ mới có mấy tháng mà trông ông tàn tạ hẳn đi. Nhìn ông bước thấp bước cao loạng quạng ngã dúi ngã dụi mà anh thấy buồn ghê gớm. Tất cả chỉ vì chuyến đi đó.

Mấy tháng trước, bố anh bảo đưa ông đi lên Hà Nội chơi với mấy người bạn. Lên đến nơi ông bảo anh ngồi lại một quán cà phê chờ ông. Ông bảo lâu ngày không gặp họ nên có nhiều chuyện để hàn huyên có mặt anh không tiện. Anh ngồi chờ mãi đến tận chiều không thấy ông quay trở lại. Gọi điện thì ông nhắn ngồi đó chờ. Mãi đến xâm xẩm tối mới thấy có một người đưa ông về quán cà phê. Đó là bác sĩ Thanh con bà Tâm, một người bạn cũ của ông.

Tình cha - ảnh 1
Minh họa sưu tầm.

Anh dằn dỗi:

- Bố đi đâu mà đi cả ngày, để con ngồi chờ nóng hết ruột gan.

- Bạn cũ lâu ngày gặp lại không dứt ra được. Bà Tâm mời bố về nhà bà ấy chơi.

- Bà ấy là người yêu cũ của bố à? - anh hỏi đùa. Không ngờ ông lại hạ giọng:

- Ừ, về đừng có nói gì với mẹ mày đấy nhé.

Về nhà, ông dường như thay đổi tính nết. Ông nhất quyết dọn ra căn buồng bỏ không bên chái nhà ngủ riêng chứ nhất định không ở cùng phòng với mẹ anh. Ông còn lớn tiếng cấm mẹ con anh không ai được phép bước vào lãnh địa của mình. Ông bắt đầu uống rượu. Những trận rượu triền miên, sớm tối. Trông ông xuống mã từng ngày. Ai cũng bảo con ma men nó hại ông.

Thi thoảng anh thấy ông có nghe điện thoại của ai đó. Mỗi lần nghe điện thoại xong là ông lại đi Hà Nội cả ngày. Hiển đoán là ông lên chơi với bà Tâm. Không dám nói sự tình với mẹ vì sợ mẹ buồn nhưng trong lòng anh giận bố lắm. Từng này tuổi rồi mà bố còn vấn vương tình cũ, bỏ bê gia đình, vợ con.

Thấy mẹ bưng bát cơm mà nuốt không trôi, Hiển càu nhàu:

- Lúc nào cũng rượu, chả hiểu ông ấy muốn biến cái nhà này thành cái gì nữa. Đến xấu hổ không dám vác mặt ra đường.

Mẹ nó nghiêm giọng:

- Con không không được nói như vậy, thế là bất hiếu đó biết chưa.

- Hiếu mới chả hạnh, có được như bố người ta đâu, nghĩ mà chán. Bị mẹ mắng Hiển phát khùng.

- Cứ nói riết rồi dần dần ông cũng phải nghe theo.

- Đến bao giờ, đến khi trái đất ngừng quay hả?.

Hiển đặt bát cơm xuống mâm đứng dậy. Anh vừa thương vừa giận mẹ. Đến nước này mà vẫn còn bênh bố được. Vừa lúc đó thì anh thấy bóng bố liêu xiêu đổ dài nơi đầu ngõ. Ông loạng quạng bước vào nhà trong hơi thở nồng nặc mùi rượu. Bà ân cần:

- Ông ăn cơm rồi vào nghỉ. Tôi có phần canh chua với cá kho.

Ông trả lời trong cơn ngà ngà say.

- Hai mẹ con ăn đi phần tôi làm gì?

- Ăn hết rồi! Còn một mình ông thôi đó. Nhậu ở đâu mà đi suốt ngày vậy?

- Tôi có công chuyện trên Hà Nội, bà hỏi mà làm chi?

Hiển nghe xong vụt miệng.

- Công chuyện cái nỗi gì. Có mà bồ bịch thì có. Già rồi còn đổ đốn.

- Mày, mày nói cái gì? - ông chỉ tay vào mặt Hiển quát lớn.

Hiển trả treo:

- Tôi nói ông qua nhà người đàn bà đó. Ông có giỏi thì đi ở hẳn với họ đi, cớ gì ở đây mà làm khổ mẹ con tôi.

Thấy hai cha con cãi nhau. Bà quay sang con gằn giọng:

- Mày nên im, bố nói gì mặc kệ. Vào ngủ đi con. Khuya rồi đừng làm ầm ĩ xóm làng lên.

Hiển bực tức đi vào trong nhà. Lát sau anh trở ra với chiếc ba lô:

- Con đi đây. 

- Đi đâu hả con? Bà run run hỏi khi thấy cái vẻ giận dữ của cậu con trai vằn lên trong ánh mắt

- Đi đâu cũng được miễn là không phải chứng kiến cái cảnh này. Con chán lắm rồi. Con sẽ dọn ra ngoài ở!

- Tối tăm thế này đi đâu bây giờ, ở nhà có mẹ có con, con ạ - bà khẩn khoản.

Tình cha - ảnh 2
Minh họa sưu tầm.

Bỏ ngoài tai lời nói của mẹ, Hiển xách ba lô rồi phóng xe máy đi mất. Bà chạy theo cản không được, tiếng gọi con như xé toang màn đêm. Khi bóng anh đã mất hút khỏi ngã ba đường phía trước, bà buồn bã trở về.

Ông ho dữ dội, cơn ho như vắt hết sức lực của ông. Ông cố gắng lết cái thân thể say mèm vào trong buồng. Bỗng ông quay trở ra miệng lắp bắp:

- Ba lô… cái ba lô của tôi đâu? bà cất nơi nào rồi. Mau trả lại đây.

Bà nhìn ông trả lời.

- Thằng Hiển nó vừa mang đi rồi.

Ông ngồi bệt xuống nền. Dường như mọi sức lực đã cạn kiệt. Ông đổ sụp xuống đầy bất lực

- Trả chiếc ba lô ấy lại cho tôi.

Ông nằm co ro, chỉ nghe tiếng ho trong căn buồng tối om dội vào đêm vắng.

Hiển phóng xe máy trong đêm. Cơn giận khiến anh gần như mất kiểm soát. Anh giận bố, không! nói đúng hơn là anh hận ông. Anh hận cái con người bội bạc đó.

Trời trở về khuya, những cơn gió đẫm sương đêm thổi vào anh mát lạnh khiến anh tỉnh táo hơn. Anh rẽ vào một nhà nghỉ ven đường định bụng nghỉ qua đêm rồi sáng mai tính sau.

Anh thuê một phòng nghỉ trên tầng hai. Vào phòng anh lấy quần áo trong ba lô treo lên. Bỗng nhiên anh thấy một cuốn sổ khám bệnh và một đống giấy tờ ở đáy ba lô. Anh cầm cuốn sổ lên, thì ra đó là cuốn sổ khám bệnh của bố.

Hoá ra hôm anh đưa ông đi Hà Nội là ông đã giấu anh đi khám bệnh. Biết bà Tâm có cậu con trai là bác sĩ nên ông tìm gặp nhờ tư vấn giúp vì bấy lâu ông cứ ho dai dẳng mãi không dứt. Sau một vài lần tái khám, bác sĩ cho biết ông bị ung thư. Ông không đồng ý chữa trị đồng thời giấu biệt sổ khám bệnh. Ông không muốn trở thành gánh nặng của vợ con, số tiền ấy ông muốn để lo việc xây nhà cưới vợ cho cậu con trai. Ông mượn rượu để giấu đi việc sức khỏe của ông đi xuống từng ngày. Ai cũng nghĩ rằng ông tiều tuỵ là do rượu chứ chả ai biết là ông đang mang trong mình căn bệnh nan y.

Đọc xong sổ khám bệnh Hiển rơm rớm nước mắt, anh hối hận vô cùng. Bấy lâu nay anh đã mải làm ăn mà không để ý đến sức khoẻ của bố.

Vừa lúc đó điện thoại của anh reo lên. Anh nhấc máy.

- Xin lỗi, đây có phải là số máy của anh Hiển - một giọng nam trầm ấm vang lên.

- Dạ, vâng. Đúng rồi ạ.

- Chào anh, xin tự giới thiệu tôi là Thanh, bác sĩ cũng là con trai của bà Tâm bạn bố anh. Tôi xin phép được nói chuyện với anh được không?

Tai Hiển ù đi khi nghe báo tin dữ. Theo kết quả khám ngày hôm nay bố anh đã chuyển bệnh nặng hơn. Thế nhưng ông vẫn nhất quyết yêu cầu bác sĩ giấu bệnh với gia đình. Ông còn nhờ bác sĩ Thanh đưa đến văn phòng luật sư để làm di chúc để lại hết nhà cửa vườn tược cho con trai.

- Bác cứ muốn tôi giấu gia đình, nhưng tôi thấy bệnh của bác không thể trì hoãn được nữa. Bác phải được điều trị tích cực anh ạ.

Bác sĩ Thanh vừa dứt lời anh vội vàng cảm ơn bác sĩ rồi vơ quần áo nhét trở lại vào chiếc ba lô. Những giọt nước mắt lăn dài trên má anh trong suốt quãng đường trở về nhà.

Về đến nhà anh thấy bố đang nằm trên giường với gương mặt nhợt nhạt, hơi thở yếu ớt. Anh bước lại gần ngồi bên cạnh nói khẽ.

- Bố ơi! Con đã về rồi.

Ông nở nụ cười nhìn anh khẽ gật đầu. Anh nắm chặt đôi tay gầy guộc của bố. Chính bàn tay này đã bế ẵm anh ngày thơ bé. Khi anh sắp trưởng thành cũng bàn tay này cày cuốc ngày đêm cho anh ăn học thành người.

Hiển cứ trách bấy lâu nay ông ăn nhậu bê tha làm xấu hổ với người đời. Nhưng anh lại quên mất rằng ông vốn dĩ là người rất ít nói, chẳng biểu hiện chút cảm xúc nào trên mặt, chỉ có những thứ rám nắng, sự vất vả, và vết tích của thời gian là tô lên rất rõ. Ông thương con nhưng lại che đậy! Chẳng ai nhận ra, cũng không ai nhìn thấy, kể cả những người rất thân thuộc trong nhà.

Hiển nghẹn ngào nói với bố:

-  Mai bố phải nghe con nhập viện nghe bố. Bố vất vả vì con cả đời rồi bố phải cho con phụng dưỡng bố lúc tuổi già chứ, như vậy thì con mới dám ngẩng mặt mà nhìn mọi người được bố ạ.

Ông khẽ gật đầu, xiết chặt tay anh.

Chờ bố ngủ say Hiển mới bước ra khỏi căn buồng. Ngày mai anh sẽ đưa bố nhập viện. Những tháng ngày phía trước có thể sẽ rất khó khăn đối với gia đình anh, nhưng anh sẽ luôn nắm chặt tay bố để cùng ông chiến đấu với bệnh tật.

Tiết trời đã sang xuân, hương thơm thoang thoảng toát ra từ bụi hồng cổ cha anh trồng trùm lên khắp căn nhà. Anh hít thật sâu cái mùi hương thơm thảo ấy vào trong lồng ngực mà tưởng như tình cha vẫn nồng ấm trong tim.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.