Tinh thần SEA Games

NGUYỄN THỊ HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sau khi xem xong lễ khai mạc SEA Games 31, ông nội mới kể cho tôi một bí mật mà tôi chưa từng biết về ông. Đó là ông từng suýt là một vận động viên bơi lội. Tôi thầm nghĩ, nếu ông theo nghiệp thể thao, biết đâu Việt Nam ta lại có thêm một “kình ngư”.

Ông tôi kể, trước đây, nhà của các cụ tôi ở trong vùng có nhiều sông hồ. Từ nhỏ, ông đã biết bơi lội. Ông có lợi thế hơn các bạn là dáng người nhỏ, lại rất linh hoạt nên bơi được nhanh. Vì thế, ông sớm ấp ủ ý định sau này sẽ trở thành một vận động viên bơi lội. Chỉ cần nghĩ tới cảm giác được bơi trong làn nước, xung quanh có đông khán giả cổ vũ là ông tôi đã thấy rạo rực, sung sức lắm.

Thời chiến tranh loạn lạc, làm gì có các trung tâm dạy bơi như bây giờ. Ông tôi bèn nghĩ ra cách lấy hai cái can đựng nước, buộc vào tay để tự tập bơi. Hai can nước nặng, mỗi lần quạt tay để đẩy được can nước và người tiến lên phía rất tốn sức. Song, cũng nhờ vậy mà ông rèn được cả về thể lực và độ khó. Khi bỏ hai can nước ra, người ông nhẹ tênh, toàn thân lao vun vút về phía trước. 

Ông tôi bảo, khi ông lớn thêm, ông hiểu rằng, nếu đất nước vẫn còn chiến tranh thì sẽ chẳng có thể thao. Bởi vì, không có người dân của đất nước bị chiến tranh nào an tâm thi đấu, thể hiện thành tích. Thế là, ông tôi tạm gác ước mơ làm kình ngư của thể thao Việt, đăng ký nhập ngũ. Và ông đã trở thành đặc công nước. 

Thế rồi trong một lần hành quân, ông tôi không may rơi vào ổ phục kích của địch và bị thương nặng. Ông được các đồng đội đưa vào bệnh xá trong tình trạng mất máu nhiều, mê man. Khi tỉnh dậy, ông tôi thấy mình đã bị cưa mất cả hai chân, nửa người trên cũng chi chít vết bầm dập. 

Tinh thần SEA Games - ảnh 1
Ảnh minh họa

Sau một thời gian dài điều trị, ông tôi được xuất ngũ nhưng cơ thể không còn lành lặn. Giấc mơ làm vận động viên bơi lội của ông cũng tiêu tan. Giờ đây, ông còn không thể tự vận động, dù chỉ là một vài bước đi bộ nhỏ chứ đừng nói gì đến việc đắm mình  trong làn nước. Ông tôi buồn lắm, mãi còn chẳng dám biên thư về báo tin cho gia đình. Ông sợ sẽ trở thành gánh nặng của người thân.

Chính bà nội là người mà ông nói đã “hồi sinh” cuộc đời của ông. Bà tôi là một người phụ nữ khỏe mạnh, lành lặn, vì cảm phục những chiến công của ông mà tình nguyện lấy ông. Bà đã giúp ông lấy lại niềm tin trong cuộc sống.

Bao năm qua, tôi đã lớn lên với hình ảnh ông tôi là một thương binh “tàn mà không phế”. Ông có thể làm được mọi việc như mọi người, thậm chí còn phi thường hơn. Tuy không thể bơi nhưng ông tôi không quên giấc mơ sông nước. Ông đã mở một công ty chuyên sản xuất phao cứu sinh. Nhờ công ty đó mà ông tôi đã nuôi được cả đại gia đình. Ông tôi mới học chưa hết cấp 3, sau khi xuất ngũ trở về đã đăng ký học tiếp cho tới khi đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông. Rồi tới khi đầu bạc, ông tôi còn đi học thạc sĩ về quản trị kinh doanh, là học sinh lớn tuổi nhất trong lịch sử nhiều năm đào tạo thạc sĩ của trường. Mỗi tối, nhìn thấy ông lái xe lăn đi học mà tôi rất khâm phục. Ông tôi học để có thêm kiến thức hỗ trợ ông trong công việc và giúp đỡ con cháu sau này. Cho đến ngày bố tôi vững vàng tiếp quản công ty thì ông mới yên tâm nghỉ hưu. Nhưng ông tôi chỉ nghỉ điều hành chứ không nghỉ hoạt động xã hội. Dù mất hai chân ông tôi vẫn tự đi đến nhiều nơi để tặng quà, tiền, chia sẻ khó khăn với những người còn khó khăn hơn mình. 

Cho đến hôm nay, tôi mới biết ông còn suýt trở thành một vận động viên. Tôi nghĩ, với ý chí, nghị lực của ông, nếu như không có chiến tranh và không bị bom đạn biến ông thành người khuyết tật, chắc chắn ông tôi sẽ là vận động viên bơi lội giỏi. 

Ngồi bên ông nghe ông kể về ước mơ thời trẻ của mình, tôi hỏi ông: “Bây giờ, nhìn các vận động viên thi đấu ở SEA Games, ông có thấy tiếc không?”. Ông tôi cười bảo: “Ông chỉ không tham gia thi đấu thôi chứ ông lúc nào cũng có tinh thần thể thao trong người đấy chứ. Chính thể thao đã dạy cho ông phải không ngừng nỗ lực, vươn lên, thua cuộc mà không nản. Ông không đua trên làn bơi, nhưng ông lại đua trong cuộc đời và tự đua với mình để buộc mình luôn phải về đích”. 

Rồi ông vỗ vai tôi bảo: “Những ngày này xem thi đấu ở SEA Games, cháu đừng chỉ xem cho vui nhé. SEA Games cũng cho chúng ta nhiều bài học quý đấy cháu ạ”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.