Tình yêu của người già

Thương Huyền
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Thấy tôi về, bà giục: “Cháu rửa tay rồi ăn cơm với ông. Hôm nay bà mệt nên đã ăn cơm rồi”. Nghe vậy, tôi biết ngay bà chỉ nói tránh thôi chứ thực ra bà lại giận ông nên ăn cơm trước rồi. 

Ông bà tôi là vậy. Ba ngày năm trận, hết bà giận ông lại đến ông giận bà. Mà lý do của những trận cãi vã thì vô cùng lãng xẹt. Để tôi kể lại cho mọi người cùng nghe. 

Cùng xem phim, bà bênh vực một nhân vật, còn ông thì lại bênh vực đối thủ của nhân vật của bà. Thế là bà quay sang chỉ trích ông không biết điều. Ông lại cho rằng bà mới là người vô lý. Rồi bà tôi có thói quen vừa xem phim vừa ngủ, khi bà choàng tỉnh dậy thì phim đã chiếu thêm một đoạn dài. Bà quay sang hỏi ông nhưng ông bắt bí, nhất quyết không kể lại đoạn phim đã bị lỡ cho bà nghe. Cứ như thế, một buổi tối xem phim thôi mà mấy lần ông bà tôi mặt nặng mày nhẹ. Tôi ở giữa cũng thấy mệt theo. Nếu tôi không kịp thời giảng hòa, chắc ông bà tôi còn ôm theo cục tức suốt cả đêm.

Càng về già, ông bà tôi càng hay nghĩ vẩn vơ. Ông tôi bị nghễnh ngãng, nhiểu khi bà gọi ông mà ông không nghe ra. Thế là bà tôi nói ông coi thường bà, ông gia trưởng. Ồng bị bà nói vậy thì phản ứng lại nếu không quan tâm đến bà và gia đình thì làm sao thời trẻ ông phải vất vả đi làm nuôi gia đình. Bà lại bảo, ông vất vả thì bà cũng góp sức như ông. Từ chuyện ông bị nghễnh ngãng, ông bà chuyển sang tranh cãi ai là người yêu gia đình hơn. Khi không tìm được lời giải, bà bỏ vào phòng nằm, mặc kệ ông ngồi một mình buồn tênh ngoài phòng khách. 

Tình yêu của người già - ảnh 1
Ảnh minh họa

Lại có lần, trong bữa cơm, bà thổi cơm khô khiến ông không ăn được. Ông “kết tội” bà đoảng vị, không biết là người già ăn cơm khô có hại cho dạ dày. Bà nghe xong thì dỗi, bảo vậy thì từ nay, ông tự thổi cơm mà ăn. Ông chỉ ngồi yên đợi bà phục vụ, cơm bưng nước rót mà vẫn còn đòi hỏi. 

Đã có lúc, tôi nghĩ, ông bà tôi không còn yêu nhau. Cho đến khi ông tôi có cơ hội xa nhà một tuần khi được mời đi tham quan cùng Hội Người cao tuổi ở địa phương. Cứ tưởng ông đi vắng rồi thì bà tôi sẽ vui vì chẳng còn ai mà cãi nhau với bà hay khiến cho bà cảm thấy bực tức nữa. Song tôi đã nhầm. 

7 ngày ông đi vắng, ngày nào bà cũng giục tôi gọi điện cho ông. Rồi bà bảo tôi hỏi ông xem ăn uống thế nào, tối có ngủ được không, ông có mệt không hay có uống thuốc đúng giờ không. Bà như nuốt từng lời ông qua điện thoại. Còn ông thì lại len lén gọi điện cho tôi, hỏi tôi xem nên mua loại trà gì về làm quà cho bà, trà sen, trà đào hay trà nhài. Khi bị tôi trêu là ông chiều bà quá thì ông bảo: “Chả nhẽ đi xa không mua quà cho người ở nhà. Mà bà cháu hay dỗi, ông không mua lại quay sang trách cứ ông, mệt lắm”.

Tình yêu của ông bà tôi là như vậy. Ở gần nhau thì cãi lộn, nhưng xa nhau thì cứ thắc thỏm nghĩ về nhau. 

 

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.