Tội gì mà về ngoại...

Lan Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Gần 2 năm rồi Thoa chưa được về thăm nhà. Tiếng là quê cô ở xa, nhưng cũng chỉ sau vài giờ máy bay là tới. Chẳng qua nhà chồng Thoa cứ lấy đủ lý do để ngăn không cho cô về. Mẹ chồng Thoa chỉ muốn ở gần con cháu, nhưng chưa từng nghĩ bố mẹ Thoa cũng vậy.

Là vì nhà chồng cho rằng, Thoa quá sướng khi được về đây làm dâu. Nếu không, giờ này chắc Thoa vẫn vất vưởng lo làm lụng mưu sinh, chui ra chui vào trong cái gian nhà trọ bé xíu, nóng hầm hập như lò than. Một khi họ đã cho Thoa cơ hội đổi đời, thì cũng không cần phải có trách nhiệm đáp ứng thêm những mong muốn khác của Thoa.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Thoa thoát ly gia đình, một mình vượt mấy trăm km lên Hà Nội lập nghiệp. Ở quê Thoa, có bằng cấp 3 cũng có thể “vung vinh”, nhưng thành phố lắm nhân tài, nhiều cạnh tranh, Thoa lận đận mãi không xin được việc tử tế. Cuối cùng, Thoa đành làm chân bưng bê ở một quán ăn.

Rồi run rủi thế nào mà Thoa đã gặp được người cô cưới làm chồng ở đó. Tiến thích nét mộc mạc, đậm chất quê của Thoa nên tìm cách tiếp cận cô. Rồi sau một thời gian hai người yêu nhau, anh đặt vấn đề cưới Thoa về làm vợ.

Tội gì mà về ngoại... - ảnh 1
Ảnh minh họa

Thoa chẳng dám tin vào truyện cổ tích, chuyện cô bé lọ lem lấy được chàng hoàng tử lại xảy ra với mình. Vậy mà đúng. Tiến là người đàn ông tử tế, yêu thương Thoa thật lòng. Anh chưa từng e ngại về xuất thân, gia cảnh của Thoa. Nhưng gia đình anh, nhất là mẹ anh thì không như vậy. Bà không thích Thoa lẫn gia đình cô, cho rằng cuộc hôn nhân này không môn đăng hộ đối. Phải nhờ tới sự kiên quyết của Tiến mà bà mới nhượng bộ.
Hồi đó, vì đường xá xa xôi nên nhà trai xin làm đám hỏi và cưới chỉ trong một ngày. Bố mẹ Thoa biết ý, tìm nhà khách gần như tốt nhất ở thị trấn để nhà trai ở trong thời gian lo đám cưới cho các con. Ấy vậy mà lên đến nơi, nhìn thái độ là Thoa biết mẹ chồng cô “sợ” quê cô thế nào. Bà chê phòng khách chật chội, thiếu tiện nghi, đến nhà Thoa thì rón rén chẳng dám ngồi, chẳng dám uống nước… 

Và đó cũng là lần duy nhất bà đến thăm nhà Thoa. Những năm sau, bà lấy đủ lý do sức khỏe, đường sá xa xôi, rồi bận công việc… nên chỉ liên lạc với bố mẹ Thoa qua điện thoại. Để giữ mối quan hệ, thời gian đầu, thi thoảng, bố mẹ Thoa còn cất công gửi quà từ quê ra cho nhà thông gia. Nhưng, công một nén mà nhà chồng Thoa không hề để mắt tới. Mẹ Thoa còn không cho nhà dùng đồ quê Thoa vì chỉ quen và tin đồ mua ở siêu thị.

Mẹ chồng Thoa lúc nào cũng cho rằng Thoa có phúc to bằng cái đình, chân lấm tay bùn mà một phát đổi đời. Thoa chẳng phủ nhận cuộc sống của cô cũng có nhiều thay đổi sau khi kết hôn. Thoa không còn phải ở trong gian nhà trọ chật chội, không còn phải lo lắng mưu sinh, tiền bạc chi tiêu, sắm sửa trong nhà đều do Tiến kiếm ra. Bố mẹ chồng Thoa cũng có của ăn của để còn cấp vốn cho chồng cô mở công ty để làm ăn lớn. Tiến chỉ cần Thoa chuyên tâm ở nhà sinh con, chăm con cho tốt. 

Tội gì mà về ngoại... - ảnh 2
Ảnh minh họa

Thấm thoắt mà cũng đã 7 năm. Lớn lên trong cảnh nghèo khó, Thoa đã quen với vất vả, chẳng mấy khi đòi hỏi gì cho bản thân. Việc đối nội đối ngoại, nhà cửa, con cái… một tay Thoa lo liệu. Từ ngày có Thoa, nhà chồng tiết kiệm hẳn một khoản thuê người giúp việc lại còn rất an tâm. Mẹ chồng Thoa cũng như cất được lo toan, có thể rảnh rang đi đâu tùy thích. Cũng vì thế mà chẳng biết từ bao giờ, Thoa trở thành người “không thể thiếu” của gia đình. Vắng Thoa một ngày là mọi người sẽ nháo nhác. Chồng Thoa quen có Thoa ngày cơm nước 3 bữa, quần là áo lượt sẵn sàng. Mẹ chồng quen có Thoa như con ong chăm chỉ, suốt ngày lau chùi, dọn dẹp nhà cửa tới bóng loáng. Các con quen có Thoa đưa đón đi học, rồi cho ăn, tắm rửa thơm tho, dạy chúng học bài. Họ hàng quen thấy Thoa đến sớm vào bếp trong các buổi giỗ chạp, rồi lại về sau cùng vì còn phải dọn rửa. Nhưng, cũng vì thế mà mọi người ít để ý tới tâm trạng, cảm nghĩ của Thoa.

Dù đã có gia đình riêng, Thoa vẫn đau đáu lo cho bố mẹ ở quê nhà lắm chứ. Không đi làm, Thoa không tự kiếm ra tiền. Vì vậy, nếu muốn giúp đỡ bố mẹ, Thoa đều phải ngỏ ý để chồng đưa tiền cho. Tiến không phải loại người eo hẹp gì, anh cũng ủng hộ việc cô báo hiếu nhưng, Thoa không thể vì thế mà suốt ngày lấy tiền chồng được. Rồi Thoa còn lo bố mẹ tuổi mỗi ngày mỗi cao, sức khỏe cũng yếu dần. Mỗi lần nghe tin bố mẹ mệt, lòng Thoa lại quặn thắt, thấy mình thật có lỗi khi không thể ở gần, thường xuyên chạy qua chạy lại để chăm sóc bố mẹ được.

Không ít lần, Thoa xin phép nhà chồng cho cô được về thăm bố mẹ ít ngày. Nhưng, năm nào cũng vậy, nhà chồng đều tìm đủ lý do để ngăn cô. Năm thì mẹ chồng nói các cháu còn nhỏ không thể xa mẹ. Năm thì mẹ chồng cô sức khỏe yếu, cần có người thường xuyên ở nhà trông nom. Rồi năm thì nhà chồng cô bận sửa nhà, xây nhà thờ họ… cũng cần có người thay mẹ chồng cô quán xuyến công việc. Lại có năm phải tập trung để Tiến lo phát triển công việc kinh doanh. Hết lần này đến lần khác, Thoa lần lữa, hoãn việc về thăm nhà. Bố mẹ Thoa sợ Thoa không yên tâm, cứ hết lời an ủi, nói Thoa không phải lo gì cho bố mẹ cả. Thế rồi hai năm trước, cũng vì dịch bệnh mà Thoa lại hoãn việc thăm nhà. 

Tội gì mà về ngoại... - ảnh 3
Ảnh minh họa

Đến năm nay, hai con cũng đã cứng cáp hơn, chuẩn bị được nghỉ hè,  Thoa lại xin được về thăm ngoại. Lần này, không có lý do để ngăn cản, thì mẹ chồng lại không cho phép Thoa mang theo con đi. Thực ra, bà sợ các cháu đang ở sung sướng nơi thành phố, lại phải về vùng quê nghèo khó, điều kiện sống khó khăn, chật chội.

- Ôi, về quê ngoại làm gì có gì, các cháu cứ ở lại đây với ông bà nội. Hè này, ông bà cho cháu đi biển, đi chơi chả sướng hơn nhiều lần. Về quê ngoại chỉ toàn phân bò, phân lợn, rồi ruồi nhặng… Chưa kể hè nóng, điều hòa không có, điện thì mất, các cháu có chịu được không. Mà mẹ các cháu nữa, có con đi theo là ở tốt trong đó luôn vài ngày. Vậy ở nhà này thì ai lo việc nhà việc cửa. 

- Nhưng, chúng cháu muốn gặp ông bà ngoại.

- Ông bà muốn gặp cháu thì ông bà sẽ tự khắc ra đây. Người lớn ngại đi xa, sao còn bắt con trẻ chịu vất vả về thăm mình. Các cháu không cần về. Nhớ ông bà thì gọi điện video là được. 

Thoa vô tình nghe được câu chuyện của mẹ chồng với hai con. Thoa hiểu ra, thảo nào mà lâu nay, hai đứa trẻ chẳng hề một lần đòi mẹ cho về quê ngoại. Từ lâu, chúng đã mặc định ở quê ngoại bẩn thỉu, nghèo nàn, về quê là bị đi đầy. Mẹ chồng Thoa thì tìm cách để Thoa thoát ly khỏi bố mẹ chỉ để cô ở lại nhà phục vụ nhà chồng. 

Tối đó, trước khi cho các con đi ngủ, Thoa vờ như không biết chuyện gì, bèn hỏi các con:

- Hè này, mẹ cho các con về chơi quê ngoại. Quê ngoại có đồng ruộng, có hồ nước đẹp lắm…

Hai đứa trẻ nhìn nhau rồi lắc đầu: Thôi, chúng con ở lại với nhà bà nội. Con không thích về ngoại, về quê ngoại làm gì có gì. Mẹ thích thì tự về một mình. Hè này, chúng con sẽ đi biển với ông bà nội. Mẹ bảo ông bà nhớ chúng con thì ra ngoài này với chúng con nhé.

Thoa nghe con nói mà òa khóc, thương mình, thương cả bố mẹ ở quê xa. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.