Trận chiến chưa hồi kết

Hải Linh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chỉ vì cái miệng trót hay vui vui đưa chuyện của mình mà Hợp đang khiến mẹ và vợ mình vào tình thế dở khóc dở cười, không ai chịu nhường ai.

Hợp là chàng trai tỉnh lẻ, xuống thành phố học tập rồi ở lại làm việc. Sau một thời gian, anh quen Trâm, cô tiểu thư, nhà ở trung tâm thành phố. Hai người yêu nhau. Nhưng khi Hợp nhắc tới chuyện cưới xin thì Trâm ra điều kiện, “anh phải mua được nhà, xe ở đây thì em mới đồng ý”. 

Hợp đang băn khoăn không biết phải làm thế nào, vì anh đang còn đi làm thuê, lương sau khi trừ tiền nhà trọ, tiền sinh hoạt và chi phí hẹn hò với Trâm thì chỉ còn dư ra không đáng kể. Một phát bắt anh phải có cả nhà lẫn xe giữa phố thị đắt đỏ này thì khó hơn lên giời. Bí quá, Hợp tâm sự với… mẹ, vì bình thường chàng trai này có gì cũng về kể hết với mẹ. Mẹ Hợp cũng không biết phải khuyên con kiểu gì, tiếp tục đeo đuổi mối tình thì bà thấy không ổn vì nghĩ thấy Trâm cũng vật chất quá. “Hay thôi con bỏ đi, về quê mẹ tìm cho mối khác. Gái quê hiền lành mà gần nhà, kiểu gì cũng xứng hơn con ạ!”.

Nghe xong lời khuyên của mẹ mà Hợp vẫn chưa thôi nghĩ ngợi. Giữa lúc đang căng thẳng thì lại có “biến” căng hơn: Trâm có bầu! Thôi thì thầy nào phán cũng không bằng thầy thuốc, đã bảo có bầu thì phải cưới ngay thôi. Hợp vui quá báo tin ngay về cho gia đình. Ai ngờ, tới lúc này, chuyện mới bắt đầu xảy đến.

Mẹ Hợp vẫn còn không vui về việc Trâm đòi hỏi con trai bà phải có nhà, có xe nên bây giờ bỗng dưng được ở thế thắng, bà bắt đầu… đòi hỏi lại. Mặc dù trong bụng rất vui vì giờ có được “cả trâu lẫn nghé”, nhưng ngoài mặt, bà bình thản như thể chưa có chuyện trọng đại của con trai. Thế là trong lúc cả nhà rậm rịch lo nghĩ sắm cái này, chuẩn bị cái kia, lên danh sách khách mời gần xa thì bà cứ bình chân như vại. Tới nỗi chồng bà, biết vợ điệu đà hay mua sắm mà cũng phải thốt lên: “Ơ thế không sắm sửa váy áo mà đón con dâu à?”.

Tính là vậy nhưng ngày giờ xuống thăm nhà gái vẫn được quyết định. Trong buổi đi thăm ấy, bà tuyên bố một câu xanh rờn, “tôi say xe nên hôm đón dâu, tôi không đi được”. Với tục lệ “cha đưa mẹ đón” khi đón dâu, tuyên bố của bà khiến cả hai bên ngỡ ngàng. “Say xe thì uống thuốc, thì nghỉ ngơi sớm, tôi có bắt bà phải lo gì lắm đâu mà mỗi chuyện đi đón dâu bà lại giở quẻ thế”, bố Hợp bực mình vì vợ làm bẽ mặt với thông gia. “Kệ, giờ quyền quyết định là ở nhà mình, nó có bầu thì nó phải theo mình, tội gì mình đi theo nó!”, bà phản pháo.

Trận chiến chưa hồi kết - ảnh 1
Ảnh minh họa

Đến ngày cưới, trong khi cả họ hàng, quan khách tưng bừng, Hợp mời tận 30 mâm bạn bè thân thiết đến dự, chúc tụng vang trời thì mẹ anh cứ giữ khuôn mặt sưng sưng như vừa ốm dậy. Bà cũng không theo chồng và con trai con dâu đi chúc khách từng mâm. Sau đám cưới, có nhiều người xì xầm ra vào về thái độ ấy, đến tai Hợp. Vốn vô tư hay tồng tộc hết chuyện với mẹ nên Hợp mang ra kể hết. Nào ngờ, mẹ anh nhận luôn: “Đúng rồi đấy, tao vui thế nào được. Lấy phải đứa con dâu đòi hỏi như thế thì sau này biết sống thế nào mới vừa lòng nó”. Hợp ố á vì không hiểu chuyện gì xảy ra.

Chuỗi ngày căng thẳng giữa mẹ chồng và nàng dâu cũng đã chính thức bắt đầu. Nó không phải kiểu ghen ghét nhau thái độ ăn ở, hành xử, mà ở cái mâu thuẫn vốn không có gì đáng nói, nhưng đã ăn sâu vào tâm trí mẹ Hợp. Tới nỗi, lắm đêm bà mất ngủ, cứ thở dài thườn thượt vì “nghĩ đến là bực”. Mặc dù chuyện Trâm đòi nhà, đòi xe đã ở tận xa lắc xa lơ của quá khứ, giờ Trâm đã là con dâu bà dù Hợp vẫn chưa thể mua nhà, mua xe. Bởi vậy, mỗi cuối tuần khi hai vợ chồng Hợp – Trâm về quê thăm bố mẹ, chỉ có mình bố Hợp là xởi lởi, vui vẻ đón tiếp còn mẹ anh cứ như mặt trời, đến gần chỉ thấy bức bối. 

Đã thế, về phía Trâm, cô cũng không vừa. Không khó để cô nhận ra sự khó chịu của mẹ chồng. Vốn dĩ chuyện mẹ chồng – nàng dâu đã là muôn thuở, Trâm chỉ mong dĩ hòa vi quý, không mếch lòng nhau là được, còn để thân thiết như bạn, như tri kỷ thì cô chẳng mong tới. Nhưng chưa kịp làm được gì thì thái độ của mẹ chồng làm Trâm như bị dội gáo nước lạnh. Đã khó chịu sẵn vì ốm nghén, nay thêm mẹ chồng như thế, mỗi lần về thăm, Trâm cứ như nghèn nghẹn ở cổ. Cô hỏi chồng: “Hình như mẹ không thích em!”. Thì Hợp vô tư rằng: “À chắc tại mẹ biết em bắt anh phải có nhà có xe mới được cưới nên mẹ buồn!”.

Biết được nguồn cơn, Trâm cũng nổi điên lên, y như mẹ Hợp. Thế là từ đó mẹ chồng – con dâu đã căng càng căng hơn. Hầu như trong cuộc nói chuyện, hỏi thăm nhau qua điện thoại cũng toàn bố chồng Trâm và chồng cô nói với nhau, Trâm và mẹ chồng chỉ ngồi cạnh, không hưởng ứng gì. Biết Trâm nghén ngẩm khó ăn, nhưng mẹ chồng gửi đồ ăn xuống cho hai vợ chồng cũng gửi thôi chứ chẳng dặn dò gì riêng con dâu cho tình cảm. Ngược lại, ngày lễ, Tết, khi tặng quà mẹ chồng, dù là người đích thân đi mua nhưng Trâm toàn đưa cho chồng tặng hộ. Cảnh không bằng lòng nhau dù vẫn quan tâm tới nhau chỉ vì đòi hỏi từ thời xa lắc xa lơ ngày xưa của Trâm, thế mà kéo dài tới tận ngày cô đi đẻ. Trâm mắng chồng: “Em chả hiểu sao chuyện đấy anh cũng đi kể với mẹ được!”.

Bố con Hợp rất đau đầu vì sự lạnh nhạt của Trâm và mẹ chồng. “Giờ nó sắp sinh tới nơi rồi, cứ như mặt trăng với mặt trời thế này thì chăm nó kiểu gì! Mà bố cũng không biết nhà thông gia có biết chuyện này không, chứ biết thì tao giấu mặt đi đâu cũng không hết xấu hổ”, bố Hợp than thở.

Trận chiến chưa hồi kết - ảnh 2
Ảnh minh họa

Bên này, vợ Hợp cũng không nhường bước. Cô khăng khăng không chịu để mẹ chồng chăm khi ở cữ, dù bên nhà cô, mẹ đẻ không về chăm được khi đang còn phải đi làm. “Nếu anh không chăm được mẹ con em thì em sẽ thuê giúp việc theo giờ, hoặc nhờ được ai thì nhờ, chứ để mẹ chăm, rồi cả ngày trời mẹ con không nói với nhau câu nào, nó còn khổ hơn là tự mình em làm hết mọi việc”, Trâm ấm ức. Hợp không biết phải khuyên vợ thế nào mới được nữa, vì tự trong suy nghĩ, anh cũng cho rằng mẹ đã hơi quá đáng với vợ mình. Người con gái nào chẳng có quyền đòi hỏi sự ổn định ở người đàn ông khi muốn xây dựng gia đình với anh ta.

Thế là mới có chuyện, ngày Trâm đi đẻ, lúc bác sĩ gọi người nhà vào bế em bé, cả Hợp và bố anh đều cùng dúi mẹ Hợp vào, nhưng bà cứ mãi nấn ná không chịu bước, dù trong thâm tâm mong ngóng cháu đầu lòng vô cùng. Thành thử cả nhà bị bác sĩ mắng oan: “Cái nhà này hay nhỉ, thế là đẻ con gái thì không thích nên không vào bế hả?”. Bố Hợp đỏ phừng mặt vì bực vợ, bực cả con trai, ông hùng hổ bước vào phòng sinh, bế cháu nội ra, không quên tặng vợ cái lườm cháy mắt: “Rồi tôi xem bà hận nó mãi được đến bao giờ!.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tưởng chung mà hóa... riêng

Tưởng chung mà hóa... riêng

(PNTĐ) - Có những tài sản, khoản nợ hình thành trong hôn nhân, được biết bởi cả hai vợ chồng nhưng lại không phải là tài sản và nợ chung. Vì vậy, quyền sở hữu tài sản hay trách nhiệm trả nợ lại chỉ thuộc 1 trong 2 bên.
Một ngày hai lần làm giỗ cha...

Một ngày hai lần làm giỗ cha...

(PNTĐ) - Cứ đến ngày giỗ ông Thành là đám con cháu, họ hàng thân tộc nhà ông lại nhộn nhịp vào ra ăn cỗ hết nhà con trai trưởng đến nhà con trai thứ. Cỗ nhà nào cũng to, khách mời không kém nhau một người. Ai ăn cỗ nhà anh con trưởng mà không vào ăn cỗ ở nhà con trai thứ hoặc ngược lại thì thế nào ngày mai cũng… to chuyện.
Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

(PNTĐ) - Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...
Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

(PNTĐ) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực thăm hỏi, tri ân các các nữ thương binh, vợ liệt sỹ gia đình có công, san sẻ khó khăn với phụ nữ... Các hoạt động đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đồng thời khơi dậy khát vọng cùng góp sức xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.