Trở về

Hải Linh
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Đã ba năm rồi, Quý chưa về quê ăn Tết.

Không khí xuân đã ngập tràn khắp nơi rồi. Ở đâu, người ta cũng nói chuyện về ngày được đoàn tụ, được trở về với gia đình, cùng đón một cái Tết ấm áp. Trong công ty nơi Quý làm việc cũng thế. 

Cứ vào dịp này, 5 năm nay, Quý thường lảng đi, vờ như không nghe thấy những câu chuyện đượm mùi thân thuộc của gia đình như thế. Thay vào đó, anh sẽ vùi đầu thật sâu, thật lâu vào công việc, hùng hục như một con thiêu thân, miễn sao, không phải nhớ đến Tết, nhớ nhà là được. Vì với anh, quê nhà, là điều gì đó vẫn còn nhói đau lắm.

Từ khi còn rất nhỏ, Quý đã cảm giác nhà mình “khác” hẳn những gia đình khác. Bố lúc nào cũng ngập trong men rượu rồi về nhà đập vỡ đồ đạc, la hét. Mẹ lo sợ nhưng không dám làm gì, chỉ biết ôm hai chị em Quý vào lòng, để ba mẹ con cùng vơi bớt đi sự run rẩy. Có những bữa cơm đạm bạc, chưa kịp ăn đã bị đổ sạch xuống đất chỉ vì một điều gì đó không theo ý bố.

Trở về - ảnh 1
Ảnh minh họa

Quý nhớ những đêm mẹ dậy từ 2 giờ sáng để đi cấy thuê. Bàn tay thô ráp của mẹ vuốt ve má và luồn vào tóc hai chị em, sao mà ấm êm, ngọt ngào đến thế. Cảm giác ấy còn đang lan dần, chưa tan hết thì đã bị những tiếng roi vụt nhấn chìm. Khi ấy, bố vẫn còn trong cơn say, mỗi bước chân bố đến gần là hơi rượu càng nồng nặc. Bố đánh Quý, đánh chẳng cần biết vì sao. Mà đã say rồi, thì còn biết gì được nữa. Quý đau quá, hét lên rồi bỏ chạy. Bố đuổi theo đằng sau. Giữa đêm đen chỉ có tiếng các loài côn trùng kêu, thì giờ có thêm tiếng nấc của đứa trẻ, co ro ngoài đường. Những điều này, Quý không hề kể với mẹ. Bởi chiều tối hôm sau khi mẹ về, thì bố lại bình thường, nhà đã vơi đi mùi rượu, và mắt Quý thì cũng đã thôi sưng. 

Ở làng quê nghèo này, đàn ông uống rượu là chuyện bình thường, uống rượu say là một đặc ân bởi “trai vô tửu như cờ vô phong”, làm đàn ông mà không biết, hay không thích uống rượu thì chỉ có thể là đồ… vứt đi. Rượu nhấn chìm luôn niềm vui sống của người phụ nữ. Họ chỉ có một nhiệm vụ là cam chịu, là phục tùng, là cấm được cãi và nếu bị đánh thì cũng là… trách nhiệm. Mẹ Quý là vậy, và những người đàn bà ở đây cũng thế. Cho nên, tiếng bố đánh Quý giữa đêm, tiếng Quý nức nở chạy trốn những đòn roi của bố, người ta nghe thấy hết. Nhưng can ngăn mà làm gì, vì hôm sau, sẽ lại đâu vào đấy cả thôi.

Mẹ héo mòn, còn chị em Quý lớn lên với một mường tượng xa xôi về một gia đình hạnh phúc. “Làm gì có hạnh phúc, chỉ có đớn đau và sặc mùi men”, Quý từng định viết như thế vào một bài văn trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh mà mình vinh dự được trường cử đi. Nhưng, Quý kịp giữ lại điều đó trong lòng, viết lại về một gia đình hạnh phúc. Không khó để viết, vì cứ ngược lại với nhà Quý, là sẽ trở thành gia đình hạnh phúc. Ở đó, mẹ sẽ luôn tươi tắn, trẻ trung, đẹp đẽ, chứ không héo mòn, và dành hết cam chịu về mình như mẹ Quý. Viết xong bài, Quý gục mặt xuống bàn, khóc thầm. 

Trở về - ảnh 2
Ảnh minh họa

Đôi lúc nghĩ về ngày xưa, Quý thầm cảm ơn bố vì sự say xỉn của ông đã trở thành động lực cho mình cố gắng học. Quý chọn một trường đại học ở tít tận trong TP HCM, rất xa nhà để học, rồi ra trường và gây dựng sự nghiệp, sau đó là lập gia đình luôn ở đó. Nơi ấy đã cho Quý nhiều điều, khắc nghiệt, xấu xa cũng có, mà tốt đẹp, may mắn cũng nhiều. 

Cái Tết đầu tiên kể từ ngày có vợ, Quý vẫn nhớ. Năm ấy mẹ rất vui vì được con dâu tặng nhiều quần áo đẹp. Bà dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị các món ăn ngày Tết trong sự hân hoan khó tả lắm. Bởi với Quý, đây là lần đầu tiên anh thấy mẹ rạng ngời như vậy. Thẳm trong tâm hồn Quý đã khắc sâu hình ảnh mẹ luôn hốt hoảng, sợ sệt trước mặt bố, và chỉ biết bảo vệ một cách yếu ớt cho những đứa con. 

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Bố vẫn chưa hề bỏ rượu, Tết lại càng không. Thậm chí, mẹ còn dành hẳn một ngày để nấu cho bố mẻ rượu uống Tết. “Truyền thống của nhà anh đấy”, Quý mỉa mai với vợ. Anh bất lực nhìn mẹ chắt từng chút rượu đều vào những chai nhỏ, đặt ngay ngắn ở góc nhà. Bi kịch sẽ vẫn nối dài, bởi người ta đâu muốn dừng cơ chứ!

Chiều Ba mươi Tết, cả nhà ngồi ăn cơm Tất niên. Năm đầu về làm dâu, vợ Quý xung phong vào bếp và bưng mâm cơm lên mời cả nhà. Trên mâm cơm không hề có chai rượu cho bố. Chỉ có thế thôi, mà như một con người khác, bố Quý gầm lên, “chúng mày xỏ tao à? Rượu của tao đâu!”. Rồi mâm cỗ đổ kềnh xuống đất, tan tành. Vợ Quý run bắn, nép sát vào chồng. Mẹ thì vội vã vào trong lấy rượu ra cho bố để ông nhanh chóng “cắt cơn”, rồi lao vào dọn dẹp. Dường như người phụ nữ ấy không muốn chậm trễ một giây phút nào của ngày cuối cùng năm cũ, phải dọn thật nhanh để không lây sang năm mới. Nhưng với riêng Quý, Tết năm ấy đã hết thật rồi.

Trở về - ảnh 3
Ảnh minh họa

Từ đó đến nay, đã 3 cái Tết, Quý không về quê nữa. Anh ở lại thành phố để đón năm mới cùng gia đình nhỏ. Với mẹ, anh vẫn gửi tiền, quà về cho bà đều đặn. Nhưng dù có cố gắng tránh xa những vết hằn của ký ức kia, thì vẫn có lúc, Quý thấy mình bất lực.
Khi đang cố vùi đầu vào công việc để quên đi, thì Quý có điện thoại. Vợ anh gọi, bảo “mẹ gọi cho em, mẹ không dám gọi cho anh. Bố ốm quá, mẹ mong anh Tết này đưa cả nhà về ăn Tết”.

- Ý em sao? Quý hỏi vợ.

- Em theo anh. Nhưng nếu anh hỏi thì em cũng mong anh về. 5 cái Tết không ở nhà rồi, chắc mẹ buồn lắm. Còn bố, giờ chúng mình cũng nên cùng ngồi lại nói cho nhau hiểu. Có khi thời gian chẳng còn nhiều đâu anh…

Chỉ vậy thôi mà Quý ngẩn người ra. Anh muốn nhớ lại một cái Tết năm nào còn ấm áp, vui vẻ, nhưng lục mãi trong trí nhớ chẳng có. Thoảng qua chỉ toàn là hơi rượu và những ngày Tết buồn. Quý chọn rời đi thật xa, để quên được những ngày buồn ấy. Nhưng làm sao mà quên được, khi đó chính là gia đình. Chẳng gì phủi sạch được hai tiếng gia đình, dù gia đình có làm cho trái tim mình từng tan nát. Quý gác điện thoại, rồi nhìn về xa xăm. Tháng Chạp đã đến được chục ngày rồi. Nhanh thôi, Tết sẽ lại đến. Và cũng nhanh thôi, Tết lại đi. Chỉ có vài ngày thôi, hãy làm gì đó đi để không ai phải hối tiếc.

Ừ, vậy thì mình sẽ về quê. Từng ấy năm quên không được, thì trở về và đối diện vậy.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.