Trốn cai nghiện sẽ bị xử lý như thế nào?

Chia sẻ

Câu hỏi
Em trai tôi nghiện ma túy và thuộc diện phải đưa vào cai nghiện bắt buộc. Nhưng em tôi không muốn đi và định sẽ bỏ trốn, tự đi cai nghiện khi nào hết nghiện thì về. Cho tôi hỏi: Trường hợp em tôi bỏ trốn sẽ bị xử lý thế nào? Và khi không còn nghiện nữa thì có phải đi cai nghiện bắt buộc nữa không? Xin cảm ơn quý báo!

Trần Văn Toàn (Hà Đông)

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trả lời
Khoản 12, khoản 13 Điều 2 Luật Phòng chống ma túy năm 2021 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 quy định: “Người nghiện ma túy là người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này; cai nghiện ma túy là quá trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội, giúp người nghiện ma túy dừng sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, phục hồi thể chất, tinh thần, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi để chấm dứt việc sử dụng trái phép các chất này”.

Điều 32 Luật Phòng chống ma túy năm 2021 quy định đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc như sau:

“Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;

2. Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;

3. Người nghiện ma túy, các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện;

4. Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện”.

- Khoản 1 Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 49 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022) quy định đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc như sau: Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy”.

- Khoản 3, khoản 4 Điều 48 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy, quy định như sau:

“3. Cơ quan ban hành quyết định quản lý người nghiện ma túy có trách nhiệm:

a) Thông báo cho gia đình, cơ sở quản lý và người nghiện ma túy về quyền và nghĩa vụ của họ trong thời gian quản lý;

b) Thực hiện các biện pháp hỗ trợ gia đình, cơ sở quản lý trong việc giám sát người nghiện ma túy trong thời gian quản lý;

c) Khi được thông báo về việc người nghiện ma túy bỏ trốn hoặc có hành vi vi phạm pháp luật, cơ quan quyết định quản lý phải có biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Khi được thông báo về việc người nghiện ma túy bỏ trốn, cơ quan ban hành quyết định quản lý phải phối hợp với cơ sở quản lý, gia đình người nghiện để truy tìm, áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết theo quy định của pháp luật để đưa đối tượng về nơi quản lý.

Trường hợp người nghiện ma túy được giao gia đình quản lý mà bỏ trốn thì cơ quan ban hành quyết định hủy quyết định quản lý người nghiện ma túy tại gia đình và áp dụng hình thức quản lý tại cơ sở quản lý”.

- Điểm b khoản 1 Điều 14 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, quy định: “1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

b) Vi phạm quy định về việc chấp hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”.

Đối chiếu với các quy định của pháp luật thì biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chỉ áp dụng cho người bị nghiện ma túy. Nếu không còn nghiện thì không áp dụng biện pháp này (việc xác định tình trạng nghiện ma túy là do người có thẩm quyền là các bác sỹ, y sĩ, được cấp chứng nhận hoặc chứng chỉ theo quy định); trường hợp em trai bạn bị áp dụng biện pháp đưa vào trại cai nghiện bắt buộc nhưng trốn không đi cai nghiện thì có thể bị áp dụng các hình thức xử lý như sau: Bị truy tìm, áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết theo quy định của pháp luật để đưa về nơi quản lý, đồng thời, bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng, ngoài ra, nếu trong quá trình bỏ trốn họ gây thiệt hại về tài sản, con người thì tùy vào mức độ của hành vi mà họ có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, vì vậy bạn nên động viên em trai đi cai nghiện theo đúng quy định.

BÁO PHỤ NỮ THỦ ĐÔ

Tin cùng chuyên mục

Muộn màng

Muộn màng

(PNTĐ) - Thay đồ xong, nhìn vào gương, khuôn mặt vui tươi, chị khẽ mỉm cười thì chuông cửa vang lên. Vừa mở cổng ra chị sững sờ bởi trước mặt chị là người chồng đã ly thân gần một năm nay kể từ ngày anh xách va ly đi theo cái mà anh gọi là tiếng gọi tình yêu.
Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

(PNTĐ) - Phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, hướng tới các hoạt động cơ sở, trong quý II/2024, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, cuộc vận động; tích cực hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và tập trung tổ chức, hoàn thành tốt việc thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.