Trước khi ông tôi đi mổ
(PNTĐ) - Tháng sau ông tôi đi mổ thì tháng này ông mới báo cho tôi biết. Là bởi ông sợ tôi lo lắng sẽ ảnh hưởng tới việc học.
Còn tôi, lúc đó mới biết là tim của ông không khỏe. Ông cứ âm thầm chịu đựng cho tới khi bác sĩ bảo phải đặt stent, nếu không sẽ ảnh hưởng tới tính mạng thì ông mới đồng ý vào viện. Các bác sĩ yêu cầu phải có người nhà đứng ra ký giấy bảo lãnh mới phẫu thuật cho ông.
Sau khi làm hết các loại xét nghiệm, rồi lên lịch mổ xong xuôi, ông tôi còn một việc nữa cần tôi đồng hành. Đó là ông muốn cùng tôi ra ngân hàng để chuyển người đứng tên trong sổ tiết kiệm từ ông sang tôi. Mà có nhiều nhặn gì đâu, cả đời ông tôi chỉ tiết kiệm được 600 triệu đồng. Nhưng ông tôi bảo: “Cháu đứng tên sổ thay ông, nhỡ khi trong quá trình phẫu thuật, ông có làm sao thì cháu cứ chủ động định đoạt số tiền đó”. Rồi ông còn đưa cho tôi 2 cái nhẫn vàng là của hồi môn từ thời bà ngoại tôi. “Cháu cũng cứ giữ lấy nhé. Ông có gì quý giá sẽ bàn giao hết cho cháu trước khi ông lên bàn phẫu thuật”.
Ông tôi già rồi lại có bệnh nền, việc phải chịu đựng ca phẫu thuật thật không đơn giản. Nhỡ khi ông có mệnh hệ gì thật thì tôi biết phải làm sao? Nghĩ thế, tôi khóc tu tu, thì ông lại trở thành người an ủi, động viên lại tôi phải lạc quan lên.

Trước ca mổ, tôi thấy ông rất vui vẻ. Ông vẫn tập thể dục đều đặn, ăn ngủ cũng khoa học. Toàn bộ tiền viện phí, ông tôi cũng chuẩn bị đầy đủ, chứ không để cho con cháu nào phải lo. Ngoài việc chuyển sang tên tôi trong sổ tiết kiệm, ông còn dặn dò các cháu cố gắng học hành cho tốt vì đó là mong mỏi lớn nhất của ông. Rồi chúng tôi nên hạn chế dùng điện thoại, tăng cường tập thể dục để giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh.
Ông tôi đã chuẩn bị hết mọi việc trước khi đi mổ, sẵn sàng cả tình huống mình sẽ không bao giờ tỉnh lại. Ông còn bảo, ở tuổi này rồi, ông không còn lấn cấn, luyến tiếc gì. Chỉ là nếu cái stent cho ông được sống thêm vài năm nữa thì ông sẽ có cơ hội chứng kiến các cháu ông trưởng thành, có gia đình, được đón tay các chắt.
Ngày ông tôi vào phẫu thuật, những đứa cháu chúng tôi đều có mặt, túc trực đợi ông ở bên ngoài. Lúc này, khi người thân của chúng ta bước vào lằn ranh sinh tử, thì chúng ta mới thấy thấm thía những ngày mà mọi người đều khỏe mạnh, sum vầy bên nhau nó quý giá như thế nào. Rồi cũng chưa bao giờ chúng ta thấy tất cả những điều mình làm cho người thân đều là chưa đủ, chỉ mong có cơ hội sửa sai.
May mắn là ông tôi đã vượt qua thử thách đó một cách kiên cường. Chúng tôi vẫn còn ông để nương tựa. Đợi ông tôi ra viện, tôi nói với ông: Vậy cháu lại trả cuốn sổ tiết kiệm lại cho ông nhé. Nhưng ông tôi bảo: “Không, cháu cứ cầm lấy, tiền đó ông dành dụm cũng là để cho các cháu. Sau này, mấy anh em cần gì thì cháu là anh cả, hãy chủ động lấy ra để đỡ đần các em. Còn ông thì già rồi, chả cần đến tiền nữa. Ông được sống trong vòng tay của các cháu là đủ rồi”.