Tự học

Chia sẻ

Năm nay, con gái tôi thi vào đại học. Theo công bố, có tới 80 trường đại học sẽ xét tuyển đầu vào theo kỳ thi đánh giá năng lực của đại học Quốc gia. Phút chốc, kỳ thi này đã trở nên vô cùng quan trọng.

Bắt trúng xu hướng ấy, trên các trang mạng xuất hiện quảng cáo chiêu sinh ôn thi năng lực đại học Quốc gia. Chỉ cần đăng ký và nộp tiền học (cỡ khoảng trên 5 triệu đồng/khóa) là các sĩ tử sẽ được tham gia vào các lò luyện trực tiếp hoặc trực tuyến. Ngoài việc đi học, người ta còn bán cả bộ đề thi đánh giá năng lực, cuốn nào cũng được quảng cáo là “tuyệt chiêu”, “bám sát” đề thi thật.

Một cô bạn có con bằng tuổi con tôi hỏi: “Thế cậu đăng ký cho con gái học ở “lò” nào?”. Tôi đáp: “Không, con nhà tớ tự học thôi. Một là tớ cũng chẳng có nhiều tiền để cho con học thêm quá nhiều. Hai là tớ chẳng có thời gian đưa đón con đi học thêm học nếm. Ba là nhà tớ không có thói quen học thêm”.

Cô bạn tròn xoe mắt nhìn như thể tôi là người từ hành tinh khác rớt xuống. Rồi cô ấy bảo: “Đề thi đánh giá năng lực khó lắm, không học thêm thì làm sao mà thi đỗ được. Cậu đừng tự tin quá vào khả năng học của con mình”. Tôi cười và không có ý định thay đổi quyết định của mình.

Quả thực, các con của tôi, từ nhỏ, đều chưa từng đi học thêm bên ngoài. Các cháu chỉ học đúng ở trường, tan học xong là về nhà. Tôi cũng chưa bao giờ rơi vào cảnh cứ hết giờ làm là phải vội vàng về nhà chở con đi học thêm. Nếu lớp học ở gần nhà thì mẹ còn có thể về nhà, tranh thủ làm việc nọ việc kia rồi đến giờ lại tới đón con. Còn lớp học thêm ở xa, nhiều ông bố/bà mẹ phải ngồi luôn ngoài đường mấy tiếng đồng hồ để đợi tới giờ con tan học.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tất nhiên, tôi không có ý phản bác hay chế giễu các ông bố/bà mẹ ấy. Bởi mỗi người có một lựa chọn, quyết định riêng, miễn là phù hợp với hoàn cảnh và đứa trẻ. Nếu đi học thêm mà đứa trẻ ấy có thêm điều kiện phát triển toàn diện thì học thêm cũng tốt. Chỉ là, học thêm không phải là lựa chọn của gia đình tôi mà thôi.

Con tôi không đi học thêm không có nghĩa là con tôi chẳng học gì. Chỉ là từ nhỏ, cháu đã được dạy rằng tự học là cách học thêm tốt nhất.

Trong nhà tôi có nuôi một bể cá vàng. Lần đó, cứ hai, ba ngày lại có một con cá nhỏ bị chết. Bình thường, khi cá con chết thì chỉ cần vứt cá đi là xong. Nhưng, con tôi rất trăn trở muốn biết xem chuyện gì đang xảy ra với bể cá nhà mình. Cháu bắt đầu tìm đọc trên internet và phát hiện một trong nhiều nguyên nhân dẫn tới cá nuôi bị chết có thể là do bể bị thiếu ni-tơ. Cháu lại tìm đọc một hồi để xem phải làm gì để tạo chu trình ni-tơ trong bể. Sau đó, cháu tự làm theo và nhờ đó, cá trong bể không còn bị chết nữa.

Nhờ việc tìm hiểu để cứu những con cá vàng, con tôi đã tự trang bị thêm thêm nhiều kiến thức mới mẻ khác. Cháu hiểu hơn về môi trường sống, về sự cộng sinh, về cơ chế sống của cây thủy sinh, về vai trò của ni-tơ, ô-xy trong nước.

Khi dịch Covid-19 xuất hiện khiến cả thế giới bị ảnh hưởng con tôi cũng rất tò mò và đã tìm đọc các tài liệu về những dịch bệnh lớn từng xảy ra trong lịch sử loài người. Cháu cũng đọc cả về cơ chế của vắc-xin, về cách mà các nhà khoa học nghiên cứu và thử nghiệm vắc-xin trước khi tiến hành tiêm trên cơ thể người. Nhiều những kiến thức cháu đọc, nếu đợi được dạy thì phải tới bậc đại học và có lẽ, cũng chỉ có những sinh viên khoa Sinh mới được tiếp cận.

Lần khác, cả nhà tôi cùng ngồi xem một bộ phim truyện về nước Đức. Bình thường, xem phim chỉ là để giải trí nhưng khi trong phim nhắc tới Adolf Hitler, hôm sau, tôi thấy con đã ngồi tra cứu, tìm hiểu về Hitler, về Đức quốc xã, về chiến tranh thế giới thứ Nhất, chiến tranh thế giới thứ Hai… Từ đó con đã có hiểu biết khá toàn diện về một giai đoạn lịch sử với những con người lịch sử.

Có lẽ cũng nhờ quá trình tự học, tự đọc ấy, mà con tôi có thể vượt qua các bài thi Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Khoa học… ở trường một cách rất nhẹ nhàng. Con cũng không đi học thêm nhưng các thầy giáo đều đánh giá con có một nền kiến thức sâu rộng. Chính con cũng nói với tôi: “Con sẽ tham gia kỳ thi đánh giá năng lực mà không cần phải đi học thêm đâu mẹ ạ”.

Với tôi, việc tự học không chỉ nhằm để giúp con vượt qua một kỳ thi cụ thể nào. Quan trọng hơn, nó giúp cho con thái độ chủ động tự làm chủ kiến thức.

THÁI THỊ THU

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.