Tuổi già của ông

Huyền Linh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sau khi về hưu, ông nội vẫn làm thêm cho một vài cơ quan với vai trò là cố vấn. Nhờ đó mà nhịp sống của cả nhà vẫn diễn ra bình thường. Nhưng, từ ngày bước vào tuổi 70, chẳng thể làm thêm nữa, ông nội bắt đầu thay tính, đổi nết.

Ông trở thành “cái máy chấm vân tay” kiểm đếm tần suất đến thăm ông bà của con cháu. Con nào, cháu nào cả tuần chẳng thấy mặt sẽ bị ông mắng là vô trách nhiệm, vô tâm. Con cháu thì bận rộn đi học, đi làm, có phải lúc nào cũng chỉ quanh quẩn bên ông được đâu.

Ông cũng hay để ý nết ăn, nết mặc, bắt ne bắt nét các cháu về cách đi lại, nói năng, ăn mặc... Ông khó chịu khi cháu gái làm bộ tóc xù mì, sơn móng tay đỏ chót, cháu trai mặc cái quần bò rách, lúc nào cũng cắm tai nghe trong tai... Ông cho rằng chỉ có bọn trẻ hư, không được dạy dỗ cẩn thận mới có “giao diện” như vậy. Thế rồi ông hạ lệnh “cấm, cấm tất” đứa cháu nào theo ông là có biểu hiện nhâng nháo.

Tuổi già của ông - ảnh 1
Ảnh minh họa

Ông còn tự nhiên nghĩ ra bao nhiêu là quy định, luật lệ buộc con cháu phải nghe theo. Ngày trước, đàn con cháu có thể thoải mái phóng xe máy tới tận cửa, nay ông yêu cầu phải dừng xe, tắt máy từ đầu ngõ rồi dắt bộ vào nhà vì ông không chịu  được tiếng động cơ. Trần nhà có một hệ thống đèn chiếu sáng, nhưng ông chỉ cho bật đúng một cái đèn khiến nhà cửa lúc nào cũng tối thui. Hỏi thì ông bảo nhà của ông, ông thích thế nào là quyền của ông.

Tóm lại từ đứa cháu vốn gắn bó và được ông chiều chuộng nhiều nhất, đến đứa to xác đã gần 30 tuổi, sắp làm bố, làm mẹ đến nơi cũng không quen được với sự thay đổi tới mức khó chịu đó của ông nội. Nhưng, tránh ông thì bị ông trách, mà cố ở gần thì bị ông phê.

Cho đến một ngày, cả nhà mới phát hiện ra căn nguyên. Là ông bị sốc tuổi già. Từ chỗ được sống có ích, quảng giao, nay, ông thấy cuộc sống của mình thật cô đơn, vô nghĩa. Ông cáu kỉnh, hay gây gổ với con cháu cũng là để con cháu nhớ đến mình, hoặc cũng có thể để ông có cớ xả bớt những dồn nén trong lòng.

Trong bối cảnh đó, cháu trai lớn quyết định mua tặng ông một chiếc Ipad nhỏ có kết nối internet để ông có thể lên mạng cập nhật tin tức, thay vì chỉ nằm rỗi ở nhà cả ngày. Cháu trai nhỏ thì tặng ông bộ cờ tướng và đôi vợt cầu lông để ông nhập hội chơi cờ, đánh cầu lông với các cụ già trong xóm. Mỗi ngày chỉ cần ông chịu ra ngoài một chút, đánh đôi ba ván cờ là cũng thấy nhẹ nhõm và không còn cô đơn.

Thay vì sợ hãi, chê trách ông nội, cả nhà tôi đang cố gắng hiểu, đồng hành và giúp ông lấy lại cân bằng tuổi già. Ông nội ơi, cạnh ông luôn có gia đình mình.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.