Vai trò của nữ giới được “tăng cường”trong ngành giải trí thế giới
Những năm gần đây, cùng với nhiều lĩnh vực như chính trị, văn hóa giáo dục, khoa học, y tế…vai trò của nữ giới trong lĩnh vực nghệ thuật - vốn được coi là mảnh đất được thống lĩnh bởi phái mạnh đã có nhiều sự thay đổi đáng kể.
Hàng loạt liên hoan nghệ thuật quốc tế hướng đến nữ quyền
Âm nhạc là một lĩnh vực ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ của giới nữ khi hàng loạt nữ ca sĩ đã được vinh danh. Một cái tên khiến nhiều người không thể nào quên là Beyoncé, nữ ca sĩ, nhạc sĩ, vũ công, nhà sản xuất âm nhạc và diễn viên người Mỹ đã “ẵm trọn” tới 28 giải thưởng ở Grammy 2021. Chưa hết, con gái cô là Blue Ivy Carter (9 tuổi) cũng đã trở thành một trong những người trẻ tuổi nhất đoạt giải Grammy. Nữ rapper Megan Thee Stallion (26 tuổi), đến từ bang Texas (Mỹ) đã nhận giải "Nghệ sĩ mới xuất sắc" trong lễ trao giải thưởng âm nhạc lớn nhất hành tinh. Megan Thee Stallion nổi tiếng vì thúc đẩy nữ quyền, đã giành chiến thắng nhờ phần trình diễn rap trong đĩa đơn Savage, kết hợp cùng nữ ca sĩ Beyoncé.
Nữ ca sĩ Miranda Lambert đã xúc động khi nhận giải "Album nhạc đồng quê (country) xuất sắc" với album “Wildcard” ra mắt cuối năm 2019, cô chia sẻ: "Tôi nhận giải thưởng này cho tất cả chúng ta, đặc biệt là cho phái nữ chúng ta". Nữ ca sĩ Taylor Swift cũng đã xuất sắc mang về cho mình 6 đề cử tại Grammy 2021. Giải "Ca khúc R&B xuất sắc" dành cho H.E.R với bài hát “Better Than I Imagined”, nữ ca sĩ đồng thời cũng nhận giải thưởng “Ca khúc của năm" với bài hát "I Can't Breathe" lấy cảm hứng từ phong trào chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ, đặc biệt là câu nói "I Can't Breathe" (Tôi không thở được) của ông George Floyd, người đàn ông da đen bị một cảnh sát da trắng ghì gáy đến chết tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ hồi tháng 5/2020.
Nữ đạo diễn người gốc Trung Quốc Chloé Zhao tiếp tục được đề cử tại giải Oscar.
Chắc hẳn người ta vẫn còn nhớ đến cái tên Chloé Zhao - nữ đạo diễn gốc Á lần đầu tiên trong lịch sử được vinh danh tại giải thưởng Quả cầu Vàng lần thứ 78 cao quý với hai giải thưởng quan trọng là "Đạo diễn xuất sắc" và "Phim truyện xuất sắc - Thể loại chính kịch". Giải Quả cầu Vàng 2021, có tới 3 nhà làm phim nữ nhận đề cử "Đạo diễn xuất sắc" lần lượt là Chloé Zhao (phim Nomadland), Regina King (One Night in Miami) và Emerald Fennell (Promising Young Woman). Trong lịch sử giải thưởng cao quý này, trước đây chỉ có duy nhất 5 nữ đạo diễn nhận vinh hạnh này lần lượt là Barbra Streisand với "Yentl" (1984), Jane Campion với "The Piano" (1994), Sofia Coppola với "Lost in Translation" (2004), Kathryn Bigelow với "The Hurt Locker" (2010) và "Zero Dark Thirty" (2013), Ava DuVernay với "Selma" (2015) do đó, chiến thắng của Chloé Zhao được coi là “bước ngoặt quan trọng trong lịch sử” của sự kiện điện ảnh đình đám này khi số lượng đề cử dành cho nữ đạo diễn còn áp đảo cả phái nam khi có tới 3 trong tổng số 5 cái tên được đề cử giải thưởng này. Đáng lưu ý hơn là giải thưởng này trước đó còn từng phải hứng chịu nhiều lời chỉ trích nặng nề vì "trọng nam kinh nữ" dù các đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất nữ có xuất sắc tới đâu.
Tương tự như Quả cầu Vàng, Oscar 2021 chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của phái nữ khi ghi nhận số lượng nhà làm phim nữ kỷ lục. Theo đó, Oscar năm nay cũng được coi là một chiến thắng sớm khi có 70 phụ nữ nhận được tới 76 đề cử. Nữ đạo diễn người Mỹ gốc Trung Quốc Chloé Zhao với tác phẩm “Nomadland” đã từng gặt hái nhiều giải thưởng trước đó tiếp tục làm nên kỳ tích khi trở thành người phụ nữ gốc Á đầu tiên được đề cử cho giải thưởng “Đạo diễn xuất sắc nhất”, nhiều đại diện đến từ châu Á cũng đã được xướng tên. Con số đề cử năm nay được cho là gần như cao nhất từ trước đến nay. "Minari", một bộ phim về người nhập cư Hàn Quốc ở Mỹ, vốn đã giành nhiều thắng lợi ở lễ trao giải Quả cầu Vàng thì nay, nữ diễn viên Yuh-Jung Youn đã trở thành minh tinh người Hàn Quốc đầu tiên được đề cử cho một giải Oscar liên quan đến diễn xuất.
Những năm gần đây, Oscar đã thể hiện rõ thông điệp về bình đẳng giới cũng như lên tiếng mạnh mẽ chống lại nạn phân biệt chủng tộc. Lễ trao giải Oscar lần thứ 93 sẽ diễn ra tại Los Angeles vào ngày 25/4 tới.
Beyoncé làm nên lịch sử tại lễ trao giải Grammy với 28 giải thưởng.
Kiên trì đấu tranh
Để có được chỗ đứng và sự thay đổi như hiện nay là cả một quá trình đấu tranh cũng như biết bao nỗ lực xây dựng những phong trào bình đẳng của nữ giới trong giới màn bạc. Đáng ghi nhớ là phong trào “#MeToo” được khởi xướng lại vào năm 2017, phơi bày mặt trái của nhiều nền công nghiệp giải trí, là tình trạng nữ nghệ sĩ thường xuyên bị quấy rối, tấn công tình dục. “#MeToo” được nhà hoạt động xã hội người Mỹ Tarana Burke khởi xướng từ năm 2006, nhưng chỉ thực sự gây chấn động khi năm 2017 nữ diễn viên Alyssa Milano phanh phui bê bối tình dục của Harvey Weinstein - người có quyền lực bậc nhất trong làng điện ảnh Mỹ. Sau một đêm, đã có 50.000 người phản hồi bài viết của cô, trong đó có Salma Hayek, Gwyneth Paltrow, Angelina Jolie...
Phong trào này sau đó lan rộng toàn cầu. Malhaar Rathod, một ngôi sao Bollywood mới nổi, chia sẻ rằng nhờ phong trào bảo vệ nữ quyền “#MeToo” mà cô mạnh mẽ và chống lại những quy tắc ngầm ở Bollywood. Rathod từng bị yêu cầu phải cởi đồ mới được giao vai diễn. Điều này được xem là quy tắc “ghế thử vai” ở Bollywood dành cho các diễn viên nữ. Nhờ “#MeToo” mà nhiều người mới lên tiếng tố cáo tình trạng trên.
H.E.R (trái) và Tiara Thomas nhận giải "Ca khúc của năm" với bài hát "I Can't Breathe".
Không chỉ vậy nhiều sao nữ còn đóng góp tích cực cho đấu tranh đòi quyền bình đẳng giới. Tiêu biểu như “Time’s Up” nhằm thay đổi môi trường làm việc cho nữ giới, hướng đến an toàn và công bằng hơn thông qua luật và các chính sách. “Time’s Up” đặc biệt hướng tới phụ nữ trong các ngành công nghiệp có mức lương thấp và phụ nữ da màu; thu hút hơn 300 nữ diễn viên, đạo diễn, biên kịch, quản lý, nhà sản xuất, giám đốc công ty giải trí... tham gia.
Trên thế giới còn tồn tại sự bất bình đẳng giới, nhất là tại Hollywood, nơi hoa mỹ nhưng ngập tràn bê bối về việc các nữ nghệ sĩ bị lợi dụng tình dục, phân biệt đối xử bởi các đồng nghiệp nam. Sự vươn lên của các nữ đạo diễn trong năm 2021 được cho là một dấu mốc đặc biệt. Không chỉ vậy, phim của các đạo diễn cũng như diễn viên nữ ngày càng đi vào những vấn đề gai góc, liên quan trực tiếp đến nữ quyền đang được đấu tranh khắp thế giới.
Có thể thấy trong những năm gần đây, số lượng các đạo diễn cùng diễn viên nữ gia tăng nhanh chóng trong các dự án điện ảnh lớn, điều này cho thấy cân bằng giới cuối cùng cũng đã phần nào được cải thiện trong môi trường nghệ thuật cạnh tranh khốc liệt. Và cũng kể từ đây, điện ảnh song hành cùng các dự án văn hóa, nghệ thuật khác ủng hộ phong trào nữ quyền chính đáng, đem lại niềm hy vọng về một thế giới bình đẳng hơn.
ĐỖ HỮU