Văn xuôi đề tài chiến tranh - thử thách của người cầm bút trẻ

Phương Việt
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thời gian càng qua đi, chúng ta càng có một độ lùi để có thể chiêm nghiệm, suy ngẫm về những chiến công, sự hy sinh của các thế hệ cha anh, thân phận con người trong chiến tranh… từ đó hiểu hơn về ý nghĩa của hòa bình, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ.

Nói đến văn xuôi về đề tài chiến tranh, người lính không thể không nhắc đến các “cây đại thụ”- những người lính cầm bút như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trí Huân, Khuất Quang Thụy, Bảo Ninh, Chu Lai… Tiếp theo phải kể đến các thế hệ cầm bút mới như: Nguyễn Đình Tú, Bích Ngân, Phong Điệp, Đoàn Dũng, Đinh Phương, Nguyễn Thị Kim Hòa… cũng là để lại ấn tượng bằng cách nhìn của người trẻ.

Công bằng mà nói, dù số lượng tác phẩm viết về chiến tranh không hề ít, các cuộc vận động sáng tác, trại sáng tác về đề tài chiến tranh, cách mạng, người lính vẫn thường xuyên được tổ chức để khích lệ các nhà văn nhưng không phải tiểu thuyết, ký, truyện ngắn nào về đề tài này cũng thành công. Tuy nhiên cũng có thể bước đầu phác thảo ra một diện mạo về các xu hướng và những thành công của họ.

Nếu như với các nhà văn thế hệ trước, sự trực diện, phản tỉnh được đề cao như một hướng “hiện đại hóa” cuộc chiến tranh với Tiếng lục lạc của Nguyễn Quang Lập, Mười ba bến nước của Sương Nguyệt Minh, Mình và họ của Nguyễn Bình Phương, Khoảng rừng có những ngôi sao của Văn Lê… Thành công của  các cây bút này là việc họ coi chiến tranh như một sự day dứt, đau đáu, thấy mình mắc nợ quá khứ… với hiện thực đa chiều, tạo ra nhiều điểm tham chiếu. Có thể nói đây là một sự dũng cảm, quyết liệt của người cầm bút.

Văn xuôi đề tài chiến tranh - thử thách của người cầm bút trẻ - ảnh 1
Ảnh minh họa

Xu hướng thành công thứ hai là sự khai thác các thân phận cá biệt, riêng biệt như các sáng tác của nhà văn Hồ Anh Thái, Chu Lai, Bảo Ninh… ở đó, các nhân vật của họ hiện lên như một tiêu điểm, không lẫn vào đám đông, tính cách tập thể mà chân thực như một người đang sống thật ngoài đời.

Kế thừa những sáng tạo của các cây bút thế hệ trước như Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Dương Hướng… cảm hứng đối thoại, giễu nhại, mang màu sắc giải thiêng vẫn xuất hiện trong các sáng tác đầu thế kỷ XXI và đem đến những thành công không nhỏ.

Thậm chí, trong Hoang tâm của Nguyễn Đình Tú, nhà văn đã cho nhân vật “chế” hẳn một đoạn trong ca khúc Bước chân trên dãy Trường Sơn của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối: “Ta là con của bố mẹ ta, nhớ nhà là ta tút ra về. Ta không cần ba lô không cần ôtô không cần chi mô, ta về thăm bố xong ta lại lên. Trên con đường ta đi có nhiều gian nguy làm ta khiếp vía, ta đi theo lối nhỏ là lối an toàn…”.

Cùng với đó, còn xuất hiện xu hướng làm sống lại không khí chiến tranh qua trải nghiệm của bản thân như: Quân khu Nam Đồng (Bình Ca), Quảng trị 1972 - Hồi ức của một người lính (Nguyễn Quang Vinh), Chuyện lính Tây Nam (Trung Sỹ)…

Bên cạnh những xu hướng đó, ta vẫn nhận ra điểm hạn chế ở một vài hướng đi, ở cách thể hiện của nhà văn hôm nay. Viết về chiến tranh chính là cách nhà văn ứng xử với quá khứ, bởi thế, nếu không tự tạo ra ngôn ngữ, thì những lối trần thuật, hình tượng của mình sẽ rơi vào nhàm chán.

Trong khi Huỳnh Trọng Khang, Đinh Phương, Nguyễn Thị Kim Hòa, Trịnh Sơn, Võ Thu Hương, Minh Moon, Nguyệt Chu, Trần Thị Tú Ngọc, Lê Vũ Trường Giang, Lê Quang Trạng… táo bạo, mạnh mẽ thì nhiều nhà văn trẻ quan niệm chỉ cần viết giống các bậc tiền bối đã từng cầm súng ra chiến trường.

Đã đến lúc nhà văn phải đứng ngoài cuộc chiến để có cách nhìn nhận khách quan, thay vì sự miêu tả, tường thuật của người trong cuộc đơn thuần bởi nếu chỉ kể, chúng ta sẽ không thể nói hay hơn một cựu chiến binh. Bởi thế, ngoài ra, sự non nớt, vụng về của nhiều cây bút còn bộc lộ ở việc họ sử dụng từ ngữ thô nhám, đưa vào văn xuôi tư liệu còn ở dạng thô và coi đó là hiện thực, là cách để tái hiện một thời đại đang sống. Trên các báo, tạp chí địa phương xuất hiện không ít các tác phẩm này, khiến người đọc cảm thấy chán nản, bi quan.

Văn xuôi viết về chiến tranh hôm nay vẫn có sức hút với người đọc bởi đó là một phần lịch sử hào hùng của dân tộc. Dù không được chứng kiến nhưng nhiều người cầm bút trẻ vẫn coi đề tài chiến tranh là thử thách muốn vượt qua. Tuy nhiên, để có được thành công các nhà văn cần dũng cảm sử dụng các thủ pháp mới mẻ, với cảm quan nghệ thuật của con người hôm nay, bằng rung động của chính mình, thay vì sự tái hiện, mô phỏng rập khuôn, máy móc…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đêm trăng suông

Đêm trăng suông

(PNTĐ) - Vừa bước xuống sân khấu, Diệp Linh nghe ai đó gọi tên mình, và một cánh tay giơ lên vẫy vẫy, Diệp Linh chưa kịp nhận ra ai thì cô nhận được cái bắt tay thật chặt, “Anh Nam đây! Lâu quá rồi! Anh vẫn nhận ra em, em không thay đổi mấy”.
Khống chế đòi nợ có vi phạm pháp luật?

Khống chế đòi nợ có vi phạm pháp luật?

(PNTĐ) -  Cháu tôi có vay nợ một khoản tiền, đến hạn nhưng chưa trả đủ. Vừa rồi, khi cháu đang đi trên đường thì bị chủ nợ cho người chặn đường lấy xe máy để trừ nợ. Xin hỏi hành vi trên của chủ nợ có bị xử lý theo quy định pháp luật không? Lê Hồng Khanh (Sóc Sơn, Hà Nội)