Vẻ đẹp của chùa Pháp Vân

THÁI DŨNG (tổng hợp)
Chia sẻ

(Chùa Pháp Vân, trước đây được gọi là Long Hưng, nằm trên đường Giải Phóng thuộc quận Hoàng Mai, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km.

Đây là một trong những ngôi chùa lâu đời nhất tại Hà Nội. Vì vậy, không chỉ được các Phật tử thường xuyên tới thăm và lễ bái, chùa còn đón tiếp nhiều du khách thập phương từ xa tới vãn cảnh.

Bên cạnh không gian linh thiêng, cổ kính, chùa còn sở hữu nét kiến trúc độc đáo, mang đậm phong cách thiết kế truyền thống Việt Nam.

Lịch sử ngôi chùa: Tuy thời gian cụ thể ngôi chùa được xây dựng từ năm nào chưa biết rõ nhưng theo bia cổ còn lưu giữ trong chùa thì việc trùng tu chùa diễn ra vào thời vua Thành Thái, tức hơn 100 năm trước đây. Ngày nay, chùa Pháp Vân vẫn mang vẻ đẹp khang trang và bề thế khi được cải tạo lại vào năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Vẻ đẹp của chùa Pháp Vân - ảnh 1

Sở dĩ chùa được đổi thành tên gọi hiện tại vì đây là nơi thờ cúng Pháp Vân - một trong tứ Pháp theo tín ngưỡng của người Việt, gồm có:  Pháp Vân tức Thần mây, Pháp Vũ tức Thần mưa, Pháp Lôi tức Thần sấm, Pháp Điện tức Thần chớp. Bốn vị thần này thể hiện sự kết hợp giữa đạo Phật và tín ngưỡng bản địa vào thời điểm Phật giáo từ Ấn Độ được du nhập vào Việt Nam.

Về kiến trúc tổng thể, chùa Pháp Vân có Tam Quan và Chính điện, đằng sau là Nhà Tổ và hai Tăng Xá. Chùa được xây dựng trên khu đất rộng hơn 7.000m2, có quy mô lớn hơn nhiều so với trước đây. Bước vào cổng chùa, du khách sẽ không khỏi ấn tượng bởi khoảng sân chùa rộng cùng hai hàng cây lớn trước Đại Hồng Bảo Điện, còn gọi là Điện chính. Bước qua 13 bậc thang nối sân với điện sẽ thấy bức tượng Phật thếp vàng với hai bên là bức tượng tỳ hưu bằng đá.

Đây cũng là nơi đặt tượng thờ Pháp Vân. Ngoài ra, di tích này còn có các khu thờ chính khác như: Chính Điện, Nhà Tổ và Nhà Mẫu. Mặc dù được xây mới nhưng chùa vẫn giữ nét kiến trúc truyền thống của Việt Nam.

Cổng Tam Quan chùa giáp mặt đường Giải Phóng với kiến trúc uy nghi, cao ba tầng, mái uốn cong và khắc hình rồng phượng. Tầng trên cùng treo một quả chuông đồng lớn, chỉ mở ra trong các dịp lễ của chùa. Vào những ngày bình thường, du khách sẽ đi vào qua cổng phụ bên trái. Qua cửa Tam Quan, bạn sẽ cảm thấy sự bình yên của nơi thiền tự trang nghiêm, tâm hồn thư thái, an nhiên.

Vẻ đẹp của chùa Pháp Vân - ảnh 2

Tượng Phật: Khu Chính Điện có tượng Phật đồ sộ nằm ở vị trí cao nhất, mang vẻ đẹp uy nghiêm, linh thiêng. Mỗi bức tượng cạnh đó như một cách thể hiện suy nghĩ và tâm tưởng của chúng sinh, gợi lên cảm giác nương nhờ Đức Phật và sự bình an giữa cuộc sống bộn bề những lo toan.

Trước khu Chính Điện là pho tượng Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, lớn nhất; tiếp theo là các bức tượng A Di Đà, Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Đại Thế Chí, và hai bên là Bồ Tát Văn Thù, Đức Bồ Tát Phổ Hiền và Đức Bồ Tát Địa Tạng. Các vị Bồ Tát tượng trưng cho các đức tướng hạnh nguyện của các vị phật khi các ngài còn hành đạo. Phía sau là ban thờ các vị sư tổ, và trụ trì của chùa là Đại Đức Thích Thanh Huân.

Nhà thờ Mẫu của chùa rộng lớn nhưng hệ thống tượng thờ ở đây không quá đồ sộ như ở khu Chính điện. Phần lớn các bức tượng tại khu Mẫu là tượng cổ, trong đó có những pho tượng quý đã hơn trăm năm tuổi.

Lễ hội chùa Pháp Vân được tổ chức vào ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch với nghi lễ rước kiệu rất trang trọng, thu hút đông đảo nhân dân quanh vùng và du khách gần xa. Năm 1991, chùa Pháp Vân đã được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia.

Tin cùng chuyên mục

Tập huấn phòng chống xâm hại trẻ em trước khi vào hè

Tập huấn phòng chống xâm hại trẻ em trước khi vào hè

(PNTĐ) - Bạo lực, xâm hại trẻ em là một vấn đề nhức nhối đang diễn ra ở nhiều nơi và nhiều hình thức, để lại hậu quả nghiêm trọng về cả vật chất và tinh thần cho trẻ. Vừa qua, các địa phương trên cả nước đã liên tục có các buổi tập huấn, ngoại khoá tại các trường học, cung cấp cho các em học sinh kiến thức để phòng, chống xâm hại.
Đêm trăng suông

Đêm trăng suông

(PNTĐ) - Vừa bước xuống sân khấu, Diệp Linh nghe ai đó gọi tên mình, và một cánh tay giơ lên vẫy vẫy, Diệp Linh chưa kịp nhận ra ai thì cô nhận được cái bắt tay thật chặt, “Anh Nam đây! Lâu quá rồi! Anh vẫn nhận ra em, em không thay đổi mấy”.
Khống chế đòi nợ có vi phạm pháp luật?

Khống chế đòi nợ có vi phạm pháp luật?

(PNTĐ) -  Cháu tôi có vay nợ một khoản tiền, đến hạn nhưng chưa trả đủ. Vừa rồi, khi cháu đang đi trên đường thì bị chủ nợ cho người chặn đường lấy xe máy để trừ nợ. Xin hỏi hành vi trên của chủ nợ có bị xử lý theo quy định pháp luật không? Lê Hồng Khanh (Sóc Sơn, Hà Nội)