Vẻ đẹp của người phụ nữ trong chiến tranh

Chia sẻ

Phải đợi đến năm 2015, giải Nobel văn chương danh giá mới tôn vinh tác phẩm có tên gọi “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” của Svetlana Alexievich (nhà văn người Belarus). Nhưng, với một dân tộc không bao giờ chịu khuất phục trước mọi kẻ thù xâm lăng, từ bao đời nay hình ảnh người phụ nữ không chỉ hiện lên mỹ lệ, dịu dàng, đoan trang mà còn ngời ngời khí phách.

Một thời, vẻ đẹp người phụ nữ Việt đã được khắc hoạ bằng cảm hứng anh hùng ca từ cội nguồn lịch sử, cội nguồn dân gian với những câu ca dao mộc mạc nhưng rất đáng tự hào được lưu truyền:

Anh hùng đã tỏ tài trai
Nữ nhi cũng chẳng kém loài bồng tang
Nhớ xưa phất ngọn cờ vàng
Bà Trưng, Bà Triệu chiến trường xông pha
Cai Vàng lại có bà Ba
Tây Sơn bà Phó cũng là anh thư
Xúm tay xoay lại cơ đồ
Dân yên quốc thịnh phất cờ Việt Nam
Từ ngày quân Pháp kéo sang
Chợ Tràng cô Tám cũng gan anh hùng.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ ác liệt, nhiều người phụ nữ đã nêu tấm gương anh hùng, bất khuất, góp phần vào thắng lợi đại thắng mùa xuân ngày 30 tháng 4 năm 1975. Vẻ đẹp của họ hiện lên ở những nét vừa bình dị, vừa cao quý, vừa đảm đang tay cày/tay súng, tay chèo/tay súng góp phần vào thắng lợi chung…
Trước hết, đó là những người mẹ Việt Nam, biểu tượng của gia phong, nề nếp, của sự vị tha nhân ái trong văn hoá Việt. Trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, người mẹ Việt Nam bao đời nay đều âm thầm lau nước mắt tiễn chồng, tiễn con ra trận: “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ/ Các anh không về, mình mẹ lặng im” (Đất nước - Tạ Hữu Yên). Cũng như bà mẹ (bầm) của miền Trung du bán sơn địa trong thơ trong thơ Tố Hữu hay người mẹ trong thơ Bằng Việt lặng lẽ chăm sóc những người con thương binh bằng những thứ cây nhà, lá vườn đơn sơ mà đậm tình nghĩa quê hương:

Con xót lòng, mẹ hái trái bưởi đào
Con nhạt miệng, có canh tôm nấu khế
(Mẹ)

Trong cuộc kháng chiến mới này, có những người mẹ còn trực tiếp tham gia vào những điểm nóng nơi chiến tuyến. Những người chiến sĩ, những thế hệ sinh ra và lớn lên trong chiến tranh hẳn còn nhớ hình ảnh những người mẹ với tên tuổi cụ thể như mẹ Suốt, mẹ Tơm, bà má Hậu Giang… Mẹ Suốt nhiều lần gan dạ chèo đò đưa bộ đội ta sang sông trong làn đạn. Người mẹ miền Trung bình dị trong từng câu nói mà ngang tàng cứng cỏi: “Tàu bay hắn bắn sớm trưa/ Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò” (Mẹ Suốt - Tố Hữu). Một bà má Hậu Giang anh dũng hy sinh để bảo vệ đàn con chiến sĩ: “Má có chết một mình má chết/ Cho các con trừ hết quân Tây” (Bà má Hậu Giang - Tố Hữu).

Vẻ đẹp của người phụ nữ trong kháng chiến chống Mỹ còn đến từ hình ảnh những người phụ nữ trẻ trung nhưng đầy kinh nghiệm đấu tranh cách mạng và bản lĩnh. Chị Út Tịch trong tác phẩm “Người mẹ cầm súng” của nhà văn Nguyễn Thi vừa đảm đang lo việc nhà, vừa lo việc nước. Cái cách mà chị thể hiện lòng yêu nước mang phong cách rất đặc trưng của người phụ nữ Nam Bộ vừa hóm hỉnh vừa gan góc: “giặc đến nhà, còn cái lai quần cũng đánh”.

Người phụ nữ trong chiến tranh còn là những huyền thoại. Họ mang vẻ đẹp vừa lung linh huyền ảo, vừa mang tầm triết lý sâu sắc. Điều đặc biệt là, dù chiến tranh khốc liệt, giữa đạn bom hiểm nguy, các cô gái vẫn hiện lên với vẻ đẹp nữ tính, hồn nhiên và lấp lánh. Họ tựa như thiên thần. Cô gái trong thơ Lưu Trọng Lư với sức vóc tuổi trẻ, với niềm lạc quan: “Em đạp phăng mười bậc/ Em hạ dốc Ba Thang/ Em đi giữa thác lũ nắng ngàn/ Em chấp cả bùn lầy vắt muỗi” (Ðường em làm, đường em đi - Lưu Trọng Lư).

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trong bức ảnh đen trắng khổ dọc của nhà báo Phan Thoan (nguyên phóng viên Báo Hà Tĩnh) có tên "O du kích nhỏ", nữ du kích Nguyễn Thị Kim Lai (17 tuổi, quê ở xã Phú Phong, Hương Khê, Hà Tĩnh) với cây súng tiểu liên đang áp giải phi công Mỹ có tên là William Andrew Robinson. Hình ảnh huyền thoại đó đã đi vào thơ ca, thêm một lần nữa, cô du kích hiện lên như một biểu tượng cho tinh thần bất khuất của phụ nữ Việt Nam:

"O du kích nhỏ giương cao súng
Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu
Ra thế! To gan hơn béo bụng
Anh hùng đâu cứ phải mày râu"
                                        (Tố Hữu)

Dù “chiến tranh đâu phải trò đùa”, nhưng trong tâm hồn anh giải phóng quân không thể thiếu vẻ đẹp lãng mạn, mỹ lệ của những cô gái thanh niên xung phong, những người thương, những “nàng thơ” ấy. Người đọc sẽ còn tiếc nuối hình ảnh Nguyệt trong đêm trăng Trường Sơn như một huyền thoại: “Qua làn ánh đèn tù mù của đoàn xe xích lao đi ầm ầm bên cạnh, tôi kịp nhận thấy vẻ xinh đẹp của cô gái, một vẻ đẹp giản dị và mát mẻ như sương núi tỏa ra từ nét mặt, lời nói và tấm thân mảnh dẻ” (Mảnh trăng cuối rừng).

Vẻ đẹp của người phụ nữ trong chiến tranh còn đến từ cách họ nghĩ về bản thân mình, biết yêu mình, tự tin về mình. Cũng như Nguyệt, nhân vật Phương Định trong “Những ngôi sao xa xôi” của nhà văn Lê Minh Khuê có vẻ đẹp vừa lạc quan yêu đời, yêu Tổ quốc vừa có tâm hồn trong trắng, hồn nhiên. Cô tự tin khăng định vẻ đẹp của mình, thể hiện quan niệm sống của người phụ nữ trong thời đại mới: “Cô tự hào về vẻ đẹp của mình: "Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: "Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!".

Đằng sau tất cả những hình ảnh ấy là người phụ nữ Việt với những ưu tư về hạnh phúc, về ngày mai: “Hạnh phúc là gì? Bao lần ta lúng túng/ Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi không ra/ Cho đến ngày cất bước đi xa/ Miền Nam gọi, cả hai cùng có mặt” (Bài thơ về hạnh phúc - Dương Hương Ly).

Trong mùa xuân đại thắng năm 1975, non sông quy về một mối, giữa những đoàn quân chiến thắng tiến vào cửa ngõ Sài Gòn có cả nụ cười của những cô gái mặc áo lính. Họ là những bông hoa kiên cường trong gian khó, luôn toả hương làm nên vẻ đẹp của cuộc kháng chiến, vẻ đẹp bất khuất của một dân tộc yêu chuộng hoà bình. Sau ngày đất nước thống nhất họ trở về xây dựng quê hương, đất nước, làm mẹ, làm chị giữ lửa ấm cho mỗi gia đình…

VIỆT PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Làm gì khi con biết yêu?

Làm gì khi con biết yêu?

(PNTĐ) - Khi phát hiện con, nhất là con đang trong cấp học phổ thông biết yêu, một số cha mẹ lo lắng, hoang mang, một số lại bình tĩnh đón nhận. Cũng có cha mẹ chọn cách quyết liệt ngăn cấm, nhưng có người lại “ngó lơ” để con được tự nhiên với những rung động đầu đời. Chia sẻ của Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng Nguyễn Hải Vân, chuyên viên tâm lý học đường Trường liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi Sao Hà Nội sẽ giúp các cha mẹ có thêm câu trả lời cần làm gì khi con biết yêu.
Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

(PNTĐ) - Xã đảo Minh Châu là nơi bao đời nay người dân sống dựa vào nghề chăn nuôi với những chuồng trại lợn, bò, mùi hôi từ chất thải gia súc. Và rồi, có một người phụ nữ nhỏ nhắn đang mạnh dạn góp sức để biến Minh Châu thành một điểm du lịch xanh, sạch trong tương lai. Đó chính là bà Ngô Thị Thanh Vân – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ và Dịch vụ Bảo vệ môi trường Minh Châu Organic Farm.
Sống xanh ở Thủ đô

Sống xanh ở Thủ đô

(PNTĐ) - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, sống xanh đã trở thành xu hướng tích cực lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt là ở giới trẻ. Từ việc hạn chế sử dụng đồ nhựa, chọn phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, đến việc tham gia các hoạt động tình nguyện vì thiên nhiên – những hành động tưởng chừng nhỏ bé ấy lại đang góp phần xây dựng một Thủ đô Hà Nội ngày một xanh.