Vợ chồng làm nghề giáo

THU ĐÌNH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Vợ chồng tôi làm giáo viên đã hơn 10 năm. Chúng tôi đến với nghề giáo từ sự ngưỡng vọng trước bao thế hệ thầy cô đáng kính, từ gia cảnh nghèo khó, từ ước mơ được đứng trong hàng ngũ của những “kỹ sư tâm hồn”, được xã hội tôn vinh là người làm “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”! Bấy nhiêu năm gắn bó với nghề giáo, bên cạnh niềm vui còn là những nỗi niềm trăn trở.

Người ta vẫn thường bảo: Được làm cái nghề mình yêu thích cũng chính là một niềm hạnh phúc. Trong khi bạn bè cùng trang lứa, nhiều người tốt nghiệp đại học ngành Sư phạm đã lâu nhưng vẫn chưa được đi dạy hoặc còn dạy hợp đồng thì vợ chồng tôi đã sớm được biên chế trong ngành giáo dục. Chúng tôi vui khi được sống trong môi trường Sư phạm đầy tính chuẩn mực, được cháy hết mình với những trang giáo án tâm huyết, được gần gũi bên những cô cậu học trò thân yêu… Mỗi thành tích, sự tiến bộ của học trò; mỗi thế hệ học trò được chắp cánh bay cao đã là nguồn khích lệ, động viên lớn lao để chúng tôi nhận thấy mình đã và đang sống những tháng ngày ý nghĩa.

Vợ chồng làm nghề giáo - ảnh 1
Ảnh minh họa

Tôi và vợ đều đồng tình rằng: Nghề giáo thường mang lại cho chúng ta niềm vui có hậu, bình dị mà bền lâu, sâu sắc. Là bởi, vào những ngày lễ tết hay những khi rảnh rỗi, bao cô cậu học trò cũ lại tìm về gặp lại thầy cô cùng những lời chúc, món quà ý nghĩa. Có những cô cậu, nổi tiếng cá biệt khi còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng nay lại hết sức tình cảm, lễ phép. Trong những lần đi công tác xa nhà hay những dịp đi chơi, tôi còn hay có dịp gặp gỡ học trò cũ của mình đang sinh sống và làm việc khắp mọi miền. Khi ấy, thầy trò lại có dịp quây quần, hàn huyên. Bao câu chuyện trường lớp, kỷ niệm học trò một thời bỗng lại ùa về rưng rưng, xao xuyến.

Hàng xóm nơi tôi đang ở cứ bảo vợ chồng tôi có cuộc sống thật hạnh phúc. Họ bảo: Làm giáo viên không phải ngày nào cũng tất bật đi làm từ sáng đến tối, có thời gian gần gũi con cái, lại có hiểu biết nên các con thường ngoan ngoãn, tiến bộ. Tôi còn nhận thấy, có lẽ khi vợ chồng cùng làm một nghề như nghề giáo thì còn dễ hiểu nhau; dễ đồng cảm, sẻ chia nên sẽ biết yêu thương nhau hơn thay vì những mâu thuẫn, bất hòa không nên có trong tổ ấm gia đình. Hai vợ chồng cùng làm nghề giáo, chúng tôi biết sống chậm, vui với những niềm vui giản dị, bình lặng mà ấm áp trước cuộc sống xô bồ, đầy cám dỗ!

Vợ chồng làm nghề giáo - ảnh 2
Ảnh minh họa

Dù là nghề có vai trò rất quan trọng, nhìn chung vẫn được xã hội đề cao nhưng trong bước chuyển mình của thời buổi kinh tế thị trường, nghề giáo cũng như bao nghề khác không tránh khỏi những khó khăn, hạn chế, khiến nhiều người trong và ngoài nghề phải trăn trở, do dự. Người than nghề giáo nghèo, không đủ sống nên đổ xô làm nghề phụ, nhất là kinh doanh. Người cho rằng những cải cách, đổi mới nội dung chương trình và phương pháp dạy học hiện tại còn nhiều bất cập. Người mệt mỏi với bệnh thành tích, hình thức, thậm chí là những tiêu cực vẫn còn tồn tại trong giáo dục; những áp lực không đáng có đến từ các loại sổ sách, báo cáo, hội họp, thi cử... Đó còn là những biểu hiện xuống cấp, suy đồi về đạo đức của một bộ phận phụ huynh, học sinh khiến không ít giáo viên cảm thấy hụt hẫng với nghề…

Dẫu biết khó khăn, hạn chế của nghề giáo trong hiện tại là thế nhưng chúng tôi vẫn bám trường bám lớp; vẫn miệt mài với những trang sách, giáo án; gần gũi bên những học trò thân yêu. Bởi lẽ, mọi sự thay đổi đều không tránh khỏi những vấp ngã và cũng chẳng có việc gì là dễ dàng, vấn đề là mỗi người phải cố gắng thay đổi cách nhìn, cách làm để kịp thích ứng. Với những giá trị, ý nghĩa to lớn và lâu bền của nghề giáo, chúng tôi vẫn yêu nghề mình đã chọn! 

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.