Vợ làm trụ cột, gia đình thêm vững

Tâm Giao
Chia sẻ

(PNTĐ) - Anh bảo nếu để vợ đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài về rồi được lên chức, thành đạt hơn chồng, bấy giờ vai trò trụ cột gia đình sẽ bị “đổi ngôi”. Và, anh cũng sẽ mất đi vị trí của mình trong gia đình...

Người đàn ông đến phòng tư vấn kể cả tháng nay đấu tranh tư tưởng để giải quyết vấn đề của hai vợ chồng, nhưng vẫn không thể thông suốt được. Bởi cứ mỗi lần nghĩ đến việc vợ thành đạt, có vị thế cao hơn mình là anh lại thấy bức bối không yên. Dù gì thì gia đình anh lâu nay không có chuyện vị thế phụ nữ cao hơn đàn ông, vậy mà đến đời anh lại xảy ra tình huống này. Trong khi vợ anh là một phụ nữ quyết đoán, dám mơ ước và dám thực hiện mơ ước đó đến cùng. Chị thậm chí còn tuyên bố: Nếu anh không “tiến bộ” về tư tưởng thì sẽ “đường ai nấy đi”.

Anh kể, ngày trước “chọn vợ”, anh đều đưa ra tiêu chuẩn người vợ của mình sau này phải có địa vị học vấn thấp hơn mình, hoặc cùng lắm là ngang bằng. Trong cuộc sống hôn nhân, chồng phải là trụ cột có tiếng nói, quyền hành cao nhất. Những người trong gia đình anh từ phụ nữ đến đàn ông đều quan niệm nếu lấy vợ cao hơn mình thì lúc đó người chồng sẽ luôn sống với cảm giác "hèn hèn", không dám "mạnh mồm" trong giao tiếp, quyết định các vấn đề to lớn trong nhà.

Do vậy, đàn ông trong gia đình anh mỗi lần tìm hiểu, kén vợ thường né tránh chuyện chênh lệch trình độ ngay từ khi mới quen biết nhau. Khi yêu người đàn ông phát hiện người phụ nữ "đa tài", nổi trội hơn mình mọi mặt, nhất là về học vấn và làm kinh tế thì sẽ rút lui từ sớm để khỏi vướng vào vòng "đứng dưới vợ" về sau. 

Vợ anh trước khi yêu và lấy anh cũng chỉ là một cô nhân viên bình thường của một công ty liên doanh nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu về các thiết bị lọc, xử lý nước. Anh yêu sự chăm chỉ, cách sống thiên về xu hướng truyền thống trong gia đình của chị.

Viễn cảnh khi yêu và quyết định tiến tới hôn nhân cùng chị trong thâm tâm anh là xây dựng một tổ ấm bình dị, vợ đi làm rồi về chăm lo con cái, thu vén nội trợ, việc nhà, chồng đảm nhiệm vai trò trụ cột, chỉ huy mọi việc trong gia đình, trên bảo dưới nghe, chồng hô vợ đáp...

Vợ làm trụ cột, gia đình thêm vững - ảnh 1
Ảnh minh họa

Họ cưới nhau trong niềm hạnh phúc và hài lòng của gia đình hai bên. Ai cũng nghĩ, cuộc hôn nhân được xây dựng trên nền tảng đó thì sẽ êm ấm hạnh phúc. Nhưng rồi mọi thứ của cuộc sống sau khi cưới không diễn ra đúng như sự sắp xếp sẵn trong suy nghĩ của anh lâu nay. Hóa ra vợ anh không hẳn là người phụ nữ sống an phận, chị là người dám mơ ước và cố gắng tìm mọi cách để thực hiện hoài bão của mình.

Từ một nhân viên nữ “vô danh tiểu tốt” trong công ty, chị nỗ lực làm việc, học hỏi từ các đồng nghiệp, đưa ra các ý tưởng sáng tạo mới, từ đó gây được sự chú ý của lãnh đạo trong công ty. Dần dần, chị được lãnh đạo để ý cho vào danh sách nhân viên có năng lực sáng tạo, xếp vào diện đào tạo để đưa vào các vị trí cao hơn. Cứ thế, chị từng bước thành đạt trong công việc.

Trong khi, anh vẫn mãi đứng ở một chỗ, không có ý bon chen vào bất cứ một vị trí nào cao hơn. Bởi anh luôn cho rằng những vị trí cao hơn đều không đến lượt mình. Vì vậy, anh an phận bằng lòng với công việc hiện tại cùng mức thu nhập đủ trang trải các nhu cầu thiết yếu của gia đình ở mức trung bình. Cuộc sống hôn nhân của anh đảo lộn dần từ khi vợ anh được cất nhắc lên trong công việc.

Vì không muốn vợ có vị trí cao hơn mình ở ngoài xã hội nên anh có xu hướng gây khó khăn, cản trở con đường đi lên của vợ. Anh không vui mỗi lần vợ báo tăng lương, được bổ nhiệm vào vị trí cao hơn một bậc so với công việc hiện tại. Có khi anh còn khích bác, châm chọc, tỏ vẻ coi thường những gì mà vợ đạt được...

Còn chị mỗi khi thành công trong đường công danh, sự nghiệp đều muốn chạy ngay về nhà chia sẻ niềm vui với... anh, nhưng lần nào cũng bị thất vọng bởi thái độ "dửng dưng", coi thường, thậm chí là hạ thấp sự nỗ lực cố gắng của vợ từ anh. Sự thất vọng đó cứ lớn dần lên làm giảm dần sự chia sẻ, động viên của vợ chồng đối với nhau trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng điều đó cũng không làm giảm đi niềm đam mê trong công việc, nỗ lực thăng tiến, thành đạt trong sự nghiệp của vợ anh. 

Anh thú nhận việc vợ dần có vị thế cao hơn mình ở ngoài xã hội đã khiến anh thấy mình bị lép vế, không còn sự tôn nghiêm của một người đàn ông mỗi lần đi ra ngoài cùng vợ. Điều đó khiến anh mặc cảm, tự ti và có lúc nghĩ đến chuyện tìm đến với một phụ nữ mà khi bên cạnh cô ta, anh không bị cảm giác thua kém đè nặng. Anh biện minh cho phút xao lòng đó của mình là ở bên người phụ nữ ấy anh mới cảm thấy mình là người đàn ông thật sự! Cũng may phút xao lòng ấy không kéo anh đi quá xa mà kịp dừng lại đúng lúc trước khi sự việc lộ ra. 

Gần 1 năm nay, công ty của anh khó khăn lâm vào cảnh cắt giảm lương. Thu nhập của anh không đủ để duy trì cho những chi tiêu thiết yếu trong gia đình. Cũng may lương vợ ổn định, thậm chí còn cao hơn nhờ mức thưởng từ những dự án do vợ thực hiện thành công. Nhưng điều đó cũng có nghĩa chị bị cuốn vào guồng quay công việc nhiều hơn, bận bịu tối ngày không lo được việc nhà chu toàn như trước nữa. Hàng ngày, chị “nhờ” chồng đi đón con, về nhà nấu ăn “hộ” mình nhiều hơn so với trước. 

- Thỉnh thoảng một, hai lần thì tôi còn chấp nhận được nhưng càng về sau thì cô ấy có vẻ “khoán trắng” việc đó cho tôi. Do đó, tôi đã bắt cô ấy chọn lựa một là phải “đảm việc công ty, giỏi việc nhà”, hai là “bớt việc công ty để lo chu toàn việc nhà” như trước. Cô ấy bảo không thể bớt được việc công ty và giải quyết việc nhà bằng cách thuê giúp việc. Điều này càng khiến tôi dần mất đi quyền điều hành trong gia đình – anh kể. 

Vợ làm trụ cột, gia đình thêm vững - ảnh 2
Ảnh minh họa

Đỉnh điểm mâu thuẫn của vợ chồng anh là công ty đang có kế hoạch cho vợ anh ra nước ngoài học chuyên tu về công nghệ xử lý nước để đảm nhiệm vị trí trưởng bộ phận nghiên cứu dự án xử lý nước. Đây là vị trí mà vợ anh mơ ước và nỗ lực phấn đấu đạt được. Thế nhưng khi nói với anh về thời gian đào tạo 2 năm ở nước ngoài, chị đã không nhận được sự đồng ý của chồng.

Anh cho rằng việc đó ảnh hưởng rất nhiều đến vị thế đàn ông trụ cột gia đình của anh sau này. Khi vợ anh được đặt vào vị trí đó nghĩa là đã trở thành “sếp” có vai vế cao hẳn hơn chồng rất nhiều ngoài xã hội. Như vậy, vai trò trụ cột gia đình của anh theo đó cũng sẽ “chuyển ngôi” sang cho vợ. Bấy giờ, anh hoàn toàn mất đi sự tôn nghiêm của mình. 

Dù vợ phân tích cho anh hiểu và mong anh ủng hộ mình trong sự nghiệp nhưng anh vẫn không chấp nhận. Kết quả là chị đưa ra “phương án” cho chồng chọn lựa hoặc là ủng hộ vợ để chị có điều kiện thăng tiến trong sự nghiệp, hoặc là “đường ai nấy đi”. Cùng với đó, chị cũng cam đoan dù mình có làm trụ cột về kinh tế thì anh cũng không mất đi vai trò trụ cột gia đình lâu nay vẫn nắm giữ.

có Anh rối trí, bảo không biết phải lựa chọn theo cách nào: Chấp nhận mất đi sự tôn nghiêm khi phải “đứng dưới vợ”, hay là buông bỏ cuộc hôn nhân này để làm lại với một người phụ nữ khác giữ cho anh sự tôn nghiêm ấy?

Chúng tôi phân tích cho anh hiểu về quan niệm lạc hậu, vẫn còn đè nặng lên nhiều người đàn ông. Đó là quan niệm nam giới phải là trụ cột của gia đình, là chỗ dựa cho vợ con về kinh tế và tinh thần. Người nào hoàn thành tốt được tôn vinh "đáng mặt anh hùng", người nào làm không tốt bị coi là "trai hoi", "hạng đàn ông ăn nhờ vợ"... Điều này đã tạo thành một gánh nặng tâm lý đè lên vai người đàn ông. Dù nhiều người đảm đương được, song gánh nặng ấy họ vẫn phải gồng mình lên mà mang, có lúc khiến họ nghẹt thở, áp lực trong cuộc sống gia đình. Bởi thật ra người đàn ông cũng không sung sướng gì khi phải nhận vai trò trụ cột gia đình.

Khi người đàn ông cảm thấy thua kém vợ, chủ yếu về học vấn và kinh tế, sẽ có hai cách ứng xử. Một là sự mặc cảm ấy sẽ là động lực để người đàn ông vượt lên giành thế chủ động và địa vị đáng kính trong gia đình và xã hội. Hai là, sự không hài lòng của người đàn ông đẩy anh ta vào tình trạng buồn chán, kìm hãm vợ, không thoải mái khi giúp đỡ vợ, gây sự để trút giận, để cho mình cảm thấy không bị hạ thấp. Tiếc rằng, anh lại đang nằm ở cách ứng xử thứ hai, tự làm khổ mình và làm khó cho vợ, đẩy hôn nhân đến bên bờ vực.

 Thời hiện đại nam nữ bình đẳng, phụ nữ có điều kiện học hành, vươn lên nỗ lực thành đạt trong công việc như nam giới ngoài xã hội, thì trong gia đình họ cũng có thể chia sẻ bớt gánh nặng trụ cột cho người đàn ông. Điều quan trọng là những người đàn ông hãy hiểu sự chia sẻ về kinh tế ấy của vợ, sự thành đạt hơn của cô ấy giống như tạo thêm một cái cột nữa để ngôi nhà của họ vững vàng hơn, thay vì hiểu việc đó giống như sự “xâm lược” tranh chiếm quyền lực trong gia đình về tay mình. 

Vì thế, một mặt, anh hãy ủng hộ vợ, tạo điều kiện để chị ấy thực hiện hoài bão của mình trong sự nghiệp, tiến bộ ngoài xã hội. Một mặt, anh cũng phải tự “nâng cấp” bản thân mình bằng sự nỗ lực cố gắng để không “tụt hậu” rồi nảy sinh những mặc cảm “đứng dưới vợ”. Thời hiện đại, vợ chồng giỏi mặt nào thì người bạn đời bên cạnh hãy tạo điều kiện để họ phát huy mặt đó thay vì áp đặt quan niệm vợ lúc nào cũng phải đứng sau chồng, hay chồng phải luôn giữ vị trí trụ cột.  

Nhìn tâm lý của người chồng thoải mái hơn khi rời phòng tâm lý ra về, chúng tôi hy vọng từ nay anh sẽ cởi bỏ được quan niệm lạc hậu lâu nay vẫn tồn tại trong lòng để từ nay hạnh phúc gia đình sẽ vững chãi hơn nhờ có thêm một trụ cột chống đỡ cùng. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.