Vòng tay bình yên
Tôi chưa từng gọi bà là mẹ. Ngày bố tôi đưa bà về, tôi làm mình làm mẩy, trốn sang nhà chị họ ngồi khóc nguyên một ngày. Bà không đẹp, không cao sang quyền quý, không đeo những món trang sức đắt tiền, công việc của bà cũng không ổn định, bà từng có một đời chồng.
Và điều làm tôi khó có thể chấp nhận nhất, đó là tôi không muốn bất kỳ một người phụ nữ nào thay vị trí mẹ mình.
Mẹ tôi ra đi sau một trận ốm nặng. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình cô đơn vì xung quanh vẫn còn bố, ông bà nội, các cô chú. Thế nhưng, đối với một đứa con gái, dù sao đi nữa mẹ vẫn là số một. Tôi đã từng tự thu mình lại, thấy nhớ mẹ hơn bao giờ hết, thấy thương thân mình và thật sự buồn, buồn muốn chết khi chứng kiến vợ mới của bố cười hạnh phúc, rạng rỡ chào họ hàng trong bộ váy cưới tuyệt đẹp, cùng ánh đèn lung linh rợp hiên nhà ông bà nội. Lòng tôi quặn lại. Nỗi buồn khó ai có thể cảm thông được. Làm sao bạn có thể hiểu được sự ganh tị, bất mãn của đứa trẻ 6 tuổi khi nhìn người khác đang đứng cạnh bố, chiếm luôn vị trí vốn dĩ phải là của mẹ?
Ảnh minh họa
Tôi cho rằng vợ mới của bố đang diễn rất đạt, rất khớp vai. Bà chăm sóc tôi như con đẻ. Mặc kệ cho tôi có vùng vằng, khó chịu, thậm chí gắt gỏng, bà vẫn chu đáo tận tụy, vẫn im lặng thay mẹ làm mọi thứ. Bà còn qua nhà ông bà ngoại, chăm sóc ông bà như bố mẹ đẻ. Tôi mất mẹ từ sớm, tâm lý nhạy cảm hơn những đứa trẻ cùng trang lứa, tôi hiểu được bà, nhưng tôi không cho phép ai được lấp đầy vị trí bị trống của người mẹ tội nghiệp.
Đến khi có gia đình, và làm mẹ của hai đứa con gái, tôi mới nhận ra một điều rằng: Chính trái tim nhân hậu của bà đã cứu tôi ra khỏi con đường tệ nạn, chơi bời hư hỏng. 16 tuổi, tôi từng đi theo một nhóm bạn xấu. Chúng lừa tôi cắm xe đạp, ép tôi uống rượu, rồi bắt chụp ảnh (mãi sau này tôi mới biết đó là tư thế của người mẫu trong các loại văn hóa phẩm đồi trụy), tôi sợ hãi định tìm cách chạy trốn nhưng bị đám người đó nhất quyết giữ lại. Mẹ kế xuất hiện, đưa tôi trở về nhà an toàn. Tối muộn ngày hôm đó, tôi bắt gặp bà đứng trước di ảnh của mẹ tôi khóc nức nở. Lòng tôi bỗng chùng xuống. Tôi luôn hiểu một điều, lúc con người ta khóc một mình, là lúc người ta buồn bã, khổ sở và thật lòng nhất. Giây phút đó, tôi thấy lạnh một bên má. Tôi rơi nước mắt. Lần đầu tiên, tôi khóc vì một người không phải mẹ mình, mà là người thay vị trí của mẹ mình.
Về sau, tôi có nghe rất nhiều thông tin trên báo đài, bình luận về việc trẻ em nếu không được quan tâm đúng cách, không được gia đình, cha mẹ đồng hành, sẽ dễ trượt dài, ăn chơi hư hỏng, hoặc kinh khủng hơn nữa là vi phạm pháp luật. Tôi đã kịp hiểu ra tình cảm mẹ kế dành cho mình. Bà sống thật với lương tâm, bà thương tôi thật, bà muốn dành cho tôi những điều tốt nhất, mà tôi nhất thời không hiểu ra, hoặc có giây phút nào đó cố tình không hiểu. Bà muốn cho tôi một gia đình trọn vẹn, nhưng bản thân tôi lại không chấp nhận trong gia đình có thêm một người mẹ kế. Càng nghĩ đến những điều mẹ kế đã làm, tôi càng day dứt ân hận, giận bản thân mình ghê gớm.
Ảnh minh họa
Tôi lấy chồng xa, bà chắt chiu dành dụm cho tôi 3 chỉ vàng. Tôi theo chồng bước khỏi mái nhà bao năm gắn bó, không dám quay đầu lại, nhưng tôi biết rằng có một trái tim đau và đôi mắt đỏ hoe sưng mọng của người ấy đang dõi theo tôi. Tôi cắn môi, cố bước thật nhanh. Ánh nắng chan hòa ấm áp như tình yêu của một người chẳng máu mủ ruột rà phủ kín bờ vai gầy gò của cô dâu mới.
Tôi mang thai con đầu lòng, bà không muốn tôi phải vất vả chợ búa mua bán thức ăn, tuần nào cũng gửi cho tôi thịt cá, rau khoai. Có khi là cả một lọ ruốc to, có khi lại can nước mắm. Tôi ngại ngần không nhận, bà cười xòa, có gì đâu, bầu bí đi lại đường sá xe cộ không an toàn.
Con gái tôi chào đời, tôi lại bắt gặp những giọt nước mắt của mẹ kế. Tôi nhìn bà, khóc trong hạnh phúc. 1 tháng tuổi, cháu gặp vấn đề về đường ruột, phải phẫu thuật gấp. Mẹ kế cũng là người thức đêm chăm cháu, trời sáng bà lại về nhà tất bật cơm nước, rồi đem vào cho tôi. Nhìn cái bóng gầy nhỏ liêu xiêu, tôi thấy có lỗi khi nghĩ về những ngày tháng xa xưa tôi hắt hủi bà, tôi vùng vằng, tôi kiếm chuyện cãi cọ, tôi nói xấu bà, tôi làm nhiều điều không hay nhằm muốn bà “bốc hơi” khỏi cuộc đời mình.
Ảnh minh họa
Những câu chuyện trong quá khứ cứ như những thước phim ngắn nối tiếp nhau phát lại trong tâm trí tôi. Nếu ngày hôm đó bà không xuất hiện, thì cuộc đời tôi đã sa vào vũng bùn không thể nào đứng dậy được, hoặc nếu tôi cố phản kháng, có lẽ chúng đã không để cho tôi yên, kinh khủng hơn nữa, đó sẽ là ngày cuối cùng tôi được sống. Nếu không có duyên được cảm nhận trái tim nhân hậu bao dung của mẹ kế, thậm chí tôi còn đánh mất chính bản thân mình.
Thế nhưng, ông trời chẳng có một chút ưu ái nào dành cho bà. Khi còn trẻ, còn sức khỏe, bà chưa một lần được mang thai. Về già, bà mắc bệnh hiểm nghèo. Bác sĩ nói tế bào ung thư đã lan ra khắp cơ thể, gia đình phải chuẩn bị tâm lý. Vợ chồng tôi hết lòng chạy chữa nhưng bà không qua khỏi. Ngày đưa bà đi, tôi lặng lẽ rơi nước mắt. Những giọt nước mắt đau lòng, ân hận. Đường quê mùa đông mờ ảo sương sớm, khung cảnh ảm đạm, lạnh lẽo như tiễn biệt một kiếp người lam lũ, vất vả, nhưng vượt lên trên đó là một trái tim nồng ấm, bao dung vô vàn, đẹp hơn tất thảy mọi thứ lụa là, vàng bạc.
Tôi ngước nhìn lên, ở nơi cao xanh xa xa kia, chắc hẳn bà đang nhìn tôi mỉm cười. Mẹ à, con bỏ lỡ cơ hội được gọi người thêm một tiếng “mẹ” rồi. Tiếng “mẹ”, phát âm thì dễ, mà sao mãi con không thể nói ra? Giờ đây tôi mới nhận ra một điều rằng, con trẻ chỉ có thể phát triển về thể chất và tâm lý một cách tốt nhất khi có gia đình là điểm tựa. Tình yêu bao la và trái tim nhân hậu sẽ cứu rỗi một đứa trẻ đang tự cô lập mình. Liều thuốc tốt nhất cho tâm hồn đang bị tổn thương đó là sự quan tâm, lòng bao dung, và cánh tay rộng mở của người giữ lửa trong gia đình. Tôi sống tốt, là một người có trách nhiệm với cuộc đời mình, là công dân có ích cho xã hội, phần nhiều là công lao dưỡng dục của một người không phải mẹ đẻ. Tôi thầm cảm ơn ông trời đã ban cho mình một người mẹ thứ hai, để mình được mẹ sinh ra một lần nữa…
ĐỖ HÀ MY