Vượt qua thử thách bằng giữ vững niềm tin

Trâm Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Với nhiều gia đình, hạnh phúc không phải là một con đường dễ đi. Thế nhưng, chỉ vì “chúng ta là một gia đình” mà họ sẵn sàng nắm tay nhau cùng vượt qua giông bão. Bởi khi nghĩ về một gia đình hạnh phúc, họ luôn nghĩ về cách mà họ cùng nhau bắt đầu một gia đình, là sự cam kết, tự nguyện hay mong muốn được san sẻ cuộc sống cùng nhau.

Những “ngôi nhà nhỏ - hạnh phúc to”

“Mỗi người sẽ có một quan niệm riêng về hạnh phúc, đối với mình hạnh phúc chỉ đơn giản là có người để yêu thương và có nơi để trở về. Hạnh phúc là sau những giờ phút làm việc vất vả gia đình nhỏ của mình lại được ngồi quây quần bên mâm cơm. Hạnh phúc là được nấu thật nhiều món ngon cho chồng và con mình thưởng thức. Hạnh phúc là được nhìn thấy người mình thương vui vẻ. Hạnh phúc là được nghe tiếng con cười. Có lẽ thứ duy nhất mà tiền không thể mua được đó chính là hạnh phúc”, Nguyễn Thiên Trang (31 tuổi) đã tâm sự như thế khi nói về tổ ấm của mình.

Hai vợ chồng Trang quen nhau từ ngày còn đi học, lớn lên thì yêu nhau và đi xuất khẩu lao động cùng nhau, rồi cưới và có con. Đến nay, tổng thời gian ấy đã là 20 năm, họ đã hiểu về nhau quá nhiều. Sự cố gắng của cả hai được đền đáp bằng một ngôi nhà nhỏ, xây bằng chính công sức của hai vợ chồng và đóng góp, động viên của gia đình đôi bên. “Ngôi nhà không lớn nhưng vô cùng có ý nghĩa, nó đánh dấu quá trình bên nhau, cùng nhau cố gắng của cả 2 đứa mình. Và quan trọng hơn, ngôi nhà đó là sự quan tâm giúp đỡ của tất cả mọi người trong gia đình mình và gia đình chồng, Từ khi đặt những viên gạch đầu tiên, mọi người đã luôn quan tâm, giúp đỡ vợ chồng mình, đến khi xây xong, dường như mọi thứ đồ dùng trong nhà mình đều được tặng.

Nếu không có mọi người, ngôi nhà của mình không bao giờ được đầy đủ, ấm cúng như bây giờ. Vì là ngôi nhà đầu tiên và cũng là tài sản lớn nhất của vợ chồng mình nên cả hai đứa đều chăm chút cho nó từ những chi tiết nhỏ nhất, từ việc chọn mẫu nhà, chọn gạch hay chọn màu sơn đều do vợ chồng mình bàn bạc và cùng nhau quyết định. Ngay cả rèm cửa cũng là mình đặt về rồi chồng mình tự tay lắp... Nói chung từng món đồ đều chứa đựng thật nhiều tâm huyết và tình cảm của mình ở đó. Mình cảm thấy mình thật may mắn, vì trong lúc thiếu thốn, khó khăn nhất vẫn được mọi người quan tâm, giúp đỡ, may mắn vì luôn được ủng hộ; vì trong bất kì hoàn cảnh nào vẫn có gia đình bên cạnh. Hạnh phúc của mình vậy”, Trang cho biết.

Vượt qua thử thách bằng giữ vững niềm tin - ảnh 1
Ảnh minh họa

Hạnh phúc hiển hiện trong mỗi gia đình mỗi khác. Có những nhà, muốn có được hạnh phúc là muôn vàn sự đánh đổi, để giữ lại điều thiêng liêng nhất là một tổ ấm, một gia đình thực thụ. Hoàn cảnh của Thanh Loan (33 tuổi, ở quận Hoàng Mai) là thế. Cả hai vợ chồng từng trải qua nhiều rạn nứt tưởng chừng không thể hàn gắn, Loan từng dắt con gái ra khỏi nhà và chỉ muốn nhanh chóng chấm dứt với người chồng tệ bạc. Nhưng rồi như một cái duyên và thật nhiều nặng nợ ân tình, họ lại trở về bên nhau khi chồng Loan bị một tai nạn giao thông cực kỳ nghiêm trọng. “Bao nhiêu đêm anh hôn mê bất tỉnh là từng ấy đêm mình không ngủ nổi.

Từng có lúc mình chờ tin anh trong vô vọng”. Nhìn thấy chồng gầy và xanh đi, cô chỉ biết thầm động viên anh cố gắng, “mình nhớ lúc ấy chồng không động đậy nhưng hai hàng nước mắt đã chảy dài” - Loan nhớ lại. Họ đã tha thứ cho nhau tất cả vì vẫn còn nghĩ về nhau là một gia đình. Không phụ lòng chăm sóc của vợ, chồng Loan đã dần hồi phục và tốt lên. “Có được gia đình yên ấm như bây giờ, mình đã phải đánh đổi rất nhiều, như thể đánh cược với số phận một lần nữa, vậy nên giờ với mình, hạnh phúc chỉ đơn giản anh phải mau khỏe để bù đắp cho hai mẹ con”, Loan nói.

Dành nhiều thời gian bên nhau để vun trồng  hạnh phúc

Theo TS Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhiều kết quả nghiên cứu đã cho thấy, các gia đình đề cao các yếu tố tình cảm, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình chứ không phải các yếu tố vật chất. Điều này cho thấy yếu tố vật chất có thể chỉ là điều kiện đảm bảo để xây dựng gia đình hạnh phúc.

Khi điều kiện vật chất đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu thì yếu tố quyết định gia đình hạnh phúc chính là các giá trị tinh thần có trong gia đình. Kết quả nghiên cứu gợi ý rằng khi con người còn khó khăn về kinh tế thì việc có cơm ăn no bụng và có áo mặc ấm là hạnh phúc, nhưng khi con người đã nỗ lực để có được cơm no và áo ấm thì “hạnh phúc không chỉ là có cơm ăn và áo mặc. Xây dựng gia đình hạnh phúc không chỉ chú trọng đến yếu tố vật chất của gia đình mà bỏ qua các yếu tố văn hóa-tinh thần, đặc biệt là chất lượng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.

Vượt qua thử thách bằng giữ vững niềm tin - ảnh 2
Ảnh minh họa

Bởi thế, những bữa cơm đầy đủ các thành viên trong gia đình ngỡ như bình dị mà lại có tác dụng gắn kết tình cảm lẫn nhau rất sâu sắc. Và với nhiều người phụ nữ, căn bếp thực sự là nơi giữ ngọn lửa hồng của hạnh phúc gia đình. Như vợ chồng trẻ Hương – Lâm, chồng là công nhân còn vợ là nhân viên văn phòng, mỗi bữa cơm tối ở nhà cũng chỉ 3 món quay vòng, chẳng cao lương mỹ vị nhưng lại là bữa ăn ngon nhất. “Ai đi làm về trước thì đi chợ nấu cơm. Vợ chồng ngồi ăn cơm kể vài câu chuyện nhỏ ở công ty, cho con ăn, chơi rồi cho con đi ngủ. Một ngày cứ thế bình yên trôi. Nghèo thôi nhưng không phải đòi hỏi hay suy nghĩ quá nhiều về sóng gió bên ngoài kia”, Hương cười.

Dành thời gian bên nhau nhiều nhất là bí quyết gìn giữ hạnh phúc gia đình của chị Thùy Hương (sống tại TP HCM). 20 năm hôn nhân là từng ấy thời gian để dung hòa quá nhiều sự khác biệt, chị nhận ra, luôn chia sẻ với nhau mọi lúc mọi nơi là cách để tất cả thành viên luôn cảm thấy mình được quan tâm và hạnh phúc. “Nhà mình có thể không bên nhau, nhưng vẫn giữ liên lạc với nhau bằng nhiều cách, như lập group chung để nói chuyện trên các mạng xã hội. Tiện lắm, làm thế thì các con mình cũng thấy được bình đẳng với bố mẹ, được tham gia góp ý từng chuyện lớn nhỏ. Gắn kết để chia sẻ cũng làm các thành viên hiểu nhau nhiều hơn, phải tôn trọng và tin nhau bởi nếu không thì có đủ đầy vật chất mấy cũng không hạnh phúc được”, chị Hương nói.

ông bà ta vẫn nói “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, kết quả cuối cùng của sự giữ vững niềm tin trong hôn nhân là không những có những cuộc hôn nhân hạnh phúc, mỹ mãn như mơ, mà còn gặt hái được những điều bất ngờ, chính là một thứ tình yêu mới mẻ và một người vợ tốt!

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tưởng chung mà hóa... riêng

Tưởng chung mà hóa... riêng

(PNTĐ) - Có những tài sản, khoản nợ hình thành trong hôn nhân, được biết bởi cả hai vợ chồng nhưng lại không phải là tài sản và nợ chung. Vì vậy, quyền sở hữu tài sản hay trách nhiệm trả nợ lại chỉ thuộc 1 trong 2 bên.
Một ngày hai lần làm giỗ cha...

Một ngày hai lần làm giỗ cha...

(PNTĐ) - Cứ đến ngày giỗ ông Thành là đám con cháu, họ hàng thân tộc nhà ông lại nhộn nhịp vào ra ăn cỗ hết nhà con trai trưởng đến nhà con trai thứ. Cỗ nhà nào cũng to, khách mời không kém nhau một người. Ai ăn cỗ nhà anh con trưởng mà không vào ăn cỗ ở nhà con trai thứ hoặc ngược lại thì thế nào ngày mai cũng… to chuyện.
Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

(PNTĐ) - Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...
Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

(PNTĐ) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực thăm hỏi, tri ân các các nữ thương binh, vợ liệt sỹ gia đình có công, san sẻ khó khăn với phụ nữ... Các hoạt động đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đồng thời khơi dậy khát vọng cùng góp sức xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.