Xáo trộn khi nhà có thêm em bé

PHÙNG THU
Chia sẻ

(PNTĐ) - “Bà, bà bỏ em Táo xuống đi, bà bế con” - cu Bi đứng dưới đất, ôm chân bà đang thả xuống bên mép giường trong phòng chăm sóc dành cho mẹ bầu sau sinh mổ, cái mặt phụng phịu, môi chu lên đòi hỏi. Nhìn con trai quấy quả, nhõng nhẽo, ông bố trẻ năm nay mới 25 tuổi vỗ đốp một cái vào mông cu cậu, nhắc nhở: “Bà đang bế em, con không được hư, trật tự để các em trong phòng còn ngủ”.

“Lên chức” anh, con trai bỗng thay tính đổi nết

Ấy là câu chuyện của buổi tối trong ngày đầu tiên bé Táo chào đời. Vì sinh mổ nên chị Hồng (mẹ bé Táo) phải ở lại bệnh viện vài ngày để chăm sóc, theo dõi. Dù nhà cách viện gần 30km, tối đó Thắng (chồng của Hồng) vẫn đưa bố mẹ cùng cậu con trai năm nay được 3 tuổi vào thăm mẹ con Táo. Từ hôm mẹ đi viện, biết là đi sinh em bé nhưng Bi vẫn thấy lạ lẫm, nhớ mẹ lắm. Thế nên lúc vừa vào phòng, nếu không phải Thắng nhanh tay kéo lại thì suýt chút nữa cu cậu đã lao đến, lăn xả vào lòng đòi ôm mẹ. 

Hồng nhìn thấy con trai nhớ mình thì cười tít mắt, động viên: “Mẹ vừa mổ, có vết thương ở bụng nên bị đau, giờ không ôm con được. Con lại đây, ra thăm em Táo đi” – Hồng gọi, tay vẫy vẫy rồi chỉ về phía chiếc nôi, trên đó đặt một em bé quấn tã đang nằm ngủ ngon lành. Không được ôm, Bi vẫn ngoan ngoãn nghe lời mẹ, tò mò bước về phía em nhưng gương mặt lộ rõ vẻ hụt hẫng. Miệng còn đang hỏi mẹ “sao em Táo bé tí tẹo thế”, tay Bi đã lần lần, sờ nhẹ rồi nhéo má bé Táo. Con bé bị giật mình, khóc ré lên. Còn Bi cũng được bố tặng cho một cái tét vào mông, kèm nhắc nhở: “Không nghịch em. Em mới đẻ, con làm thế em đau đấy. Lần sau con chỉ được sờ nhẹ thôi, nhớ chưa?”.

Có điều trẻ con mà, cảm xúc đến nhanh, đi nhanh, cũng dễ quên mấy lời dặn dò tức thời của bố mẹ. Bi cũng vậy, lúc ấy cậu gật đầu vâng dạ với bố, mắt còn cụp xuống ra vẻ biết lỗi thế mà một lát sau… đâu lại vào đấy. Hết chạy ra nắn trộm chân em, cậu lại đòi bà nội thả em xuống để chơi bập bênh bằng chân với mình. Trước lúc ra về, mẹ chồng Hồng nói nhỏ với con dâu: “Bi nó ngoan, biết thương mẹ, thương em, nghe lời nhưng các con phải lưu ý tâm lý của thằng bé. Kiểu gì cũng có ngày Bi bị bố mắng oan, đánh oan vì bé Táo”.

Xáo trộn khi nhà có thêm em bé - ảnh 1
Ảnh minh họa

Y rằng, từ khi Hồng ở bệnh viện về nhà, hầu như ngày nào chị cũng nhức đầu vì sự thay tính đổi nết của con trai. Rõ ràng trước khi đi viện, chị đã giao hẹn với Bi và được cu cậu đồng ý rằng mẹ sẽ ngủ với em Táo còn con qua ngủ cùng bà nội. Ấy thế mà ngay tối đầu tiên ở nhà, em Táo chưa khóc đã thấy anh Bi nước mắt ngắn dài, mặt phụng phịu: “Con cũng muốn mẹ bế. Con muốn ngủ với mẹ như em Táo, con không muốn ngủ với bà”. Dỗ kiểu gì cũng không được, đến lúc anh Thắng buộc phải dùng đến bạo lực, cu cậu mới miễn cưỡng đồng ý, nín khóc.

Về đến phòng bà nội, bố vừa quay đi cu Bi đã khóc nấc lên, kể tội: “Bà ơi, bố mẹ con có em Táo rồi, không ai yêu Bi nữa, không ai chơi cùng Bi, không ai ngủ với Bi”. Bà nội nhìn cháu trai vừa thương vừa buồn cười. Ôm cu cậu vào lòng, bà thủ thỉ dỗ dành, hứa cả ngày mai sẽ dành thời gian để đưa Bi đi chơi những trò cu cậu thích. Mãi rồi cu cậu mới gật đầu, nín khóc, chìm dần vào giấc ngủ với đôi mắt còn ướt mi.

Lỗi do bố mẹ… chủ quan?

Từ kinh nghiệm của mình, mẹ chồng Hồng nhận thấy rằng các con bà đang chưa biết cách cân bằng, thiếu nhạy cảm do chưa có chuẩn bị để ứng phó với sự thay đổi trong nhận thức và nhu cầu của Bi - một đứa trẻ đang ở vị trí “nhất nhà” nay “bỗng dưng” vì lên chức anh phải “nhường ngôi” cho em. Mấy lần bà cũng góp ý với Hồng, nhắc chị rằng nên để ý hơn đến cảm xúc của Bi, có thể nó đang thấy tổn thương vì nghĩ mẹ yêu em Táo hơn. Có điều cả hai vợ chồng Hồng lúc ấy quá chủ quan, suy nghĩ đơn giản, cho rằng Bi vốn dĩ rất ngoan, hiểu chuyện; nếu cu cậu có hành vi không đúng, chỉ cần bố nhắc nhở, mắng vài câu là ngoan ngay. Tiếc rằng thực tế lại không như Hồng tưởng tượng.

Càng ngày, thái độ của Bi với em càng rõ ràng, ghen tỵ với em từng tý một. Mẹ bế em cho bú, cu cậu trèo lên giường, ôm khư khư vú mẹ, không cho em ti. Mẹ ôm Táo bên trái thì Bi leo lên chân phải ôm khư khư tay mẹ; càng nhắc con càng không nghe lời. Nhiều khi bất lực với con, cộng thêm stress sau sinh, vợ chồng chị Hồng có lúc không giữ được bình tĩnh. Những câu mắng, cái tét vào mông vì thế cũng tăng dần đều.

Xáo trộn khi nhà có thêm em bé - ảnh 2
Ảnh minh họa

Sau này, khi thấy mình bế tắc, nhớ lại lời của mẹ chồng, Hồng lần mò đọc thêm các bài phân tích của chuyên gia đăng trên báo mới hiểu hơn vì sao con mình bỗng nhiên thay tính đổi nết, ghét em ra mặt như vậy, trong khi cu cậu vốn rất ngoan. Nguyên nhân chính là do vợ chồng chị chưa khéo léo trong cách dạy dỗ và làm tâm lý cho con. Ngày trước khi mới có mình bé Bi, vợ chồng chị rất chiều con trai, dành cho con sự ưu tiên số một trong hầu như mọi trường hợp. Lúc mang thai, thi thoảng chị cũng cho Bi chạm vào bụng mình, giải thích rằng bên trong là em Táo rồi hỏi con có yêu em không, khi mẹ đẻ em bé ra có chơi với em không… Con trai chưa hiểu gì nên mẹ hỏi thì hớn hở gật đầu, còn nói con sẽ đưa em đi chơi khắp nơi. Ngày Hồng đi đẻ, Bi còn tự giác nhận khi nào mẹ đi sinh sẽ sang ngủ với ông bà… 

Nghĩ con trai rất biết điều, hiểu chuyện nên chị khá chủ quan, cho rằng dặn như vậy là đủ rồi. Ai ngờ chính sự chủ quan ấy vô tình khiến chị làm Bi cảm thấy tình cảm mẹ dành cho mình ít đi, vị trí của mình đang bị “đe dọa”, cu cậu dần không còn là trung tâm của cả nhà. Trong khi Bi còn quá nhỏ, chưa đủ nhận thức về tình máu mủ, lại chỉ thấy những điều trước mắt như: Bố mẹ dành nhiều thời gian cho em hơn, hay quát mắng mình hơn… nên cho rằng do có em mà mình bị bỏ rơi, không ai yêu thương nữa; dần dần nảy sinh sinh lòng đố kị, ganh ghét em.

Về phía vợ chồng chị Hồng lại chưa hiểu đúng tâm trạng, suy nghĩ của con, chưa biết cách cân bằng sự quan tâm với hai anh em, nên vô tình khiến Bi thêm hụt hẫng, lo sợ; làm con trở nên lầm lì, ngang ngạnh, xa cách và phản ứng mạnh hơn trong từng hành vi, lời nói. Còn mừng là con chị chưa trở nên phá phách thái quá hay bị trầm cảm như một vài trường hợp các chuyên gia minh họa. Để cải thiện tình hình, chị Hồng bàn bạc và thống nhất với chồng cùng nhau tìm cách để cân bằng thời gian, sự quan tâm dành cho các con, tránh cho cu Bi đang từ một đứa trẻ ngoan lại vì chịu tác động xấu về tâm lý mà ảnh hưởng đến tính cách, sự phát triển về sau này.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.