Xoá bỏ định kiến “sinh con một bề”

Chia sẻ

Trong số 300 hộ gia đình ở khu dân cư số 12, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, TP Hà Nội nơi tôi sinh sống thì có đến 10 gia đình sinh con một bề là gái. Đa số các gia đình đều có tư tưởng tiến bộ: “Dù gái hay trai, cứ hai là đủ”, sống hạnh phúc và nuôi dạy các con thành đạt.

Khu dân cư chúng tôi có gia đình bà Nguyễn Thị Ngà được mọi người rất mến mộ. Ông bà quen nhau từ thuở thanh xuân, “cách nhau một giậu mùng tơi xanh rờn”. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ. Ngày chia tay bịn rịn, bà hứa: “Anh đi gìn giữ nước non/ Tóc xanh em đợi, lòng son em chờ”.
Trở về từ chiến trường Lào, ông bà kết hôn ở tuổi 24. Hạnh phúc đơm hoa kết trái, hai ông bà sinh được 2 cô con gái. Trái với một số gia đình khác, con gái thứ hai của vợ chồng ông bà được ra đời trong niềm vui của cả nhà, đặc biệt là mẹ chồng. Mẹ chồng bà Ngà luôn động viên an ủi con dâu: “Con ạ, trai làm chi, gái làm chi/ Miễn là có nghĩa có nghì thì thôi”. Quan điểm tiến bộ đó đã tiếp sức cho ông bà dừng lại ở hai con để nuôi dạy con khôn lớn, trưởng thành trong vòng tay yêu thương của cả gia đình.

Gia đình con gái bà Kim Lan tham gia hiến máu nhân đạoGia đình con gái bà Kim Lan tham gia hiến máu nhân đạo

Suốt mấy chục năm chung sống, bà không bao giờ chịu áp lực của gia đình nhà chồng và chồng là phải sinh thêm để có con trai “nối dõi tông đường”. Ông thường âu yếm gọi: “Hai con gái rượu của bố!”. Hai con gái lớn lên ngoan hiền, hiếu lễ, thành đạt và gia đình riêng hạnh phúc. Các con gái luôn quan tâm, yêu thương, chăm sóc bố mẹ, khi thì mua áo biếu bố, mua vải biếu mẹ may áo dài, lúc lại tổ chức đưa bố mẹ đi du lịch. Lúc ông bà đau yếu, các con túc trực chăm sóc ngày đêm… Cuối tuần, đại gia đình họ lại quây quần bên nhau, căn nhà đầy ắp tiếng cười.

Gia đình bác sĩ Kim Lan cũng sinh 2 cô con gái. Cả 2 ông bà đều là bác sĩ. Vì sinh hai con gái nên không ít người nói bóng gió về bà: “Không biết đẻ nên sinh toàn con gái”. Hai bên nội ngoại đều muốn bà sinh thêm để hy vọng có con trai “hương khói” sau này. Nhưng vợ chồng bà thống nhất chỉ dừng ở hai con, tập trung quan tâm, chăm sóc nuôi dạy các con. Khi kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, bà ưu tiên cho các con ăn uống đủ chất, lo sách vở đầy đủ. Nhà chật hẹp mà bà vẫn đặc biệt dành cho các con chỗ thuận tiện nhất để tập trung học tập. Ông bà muốn chứng minh cho mọi người thấy: Con gái cũng có trí tuệ, thông minh không kém gì con trai. Vì thế, năm nào, các con cũng mang tấm giấy khen về khoe bố mẹ. Hai con gái của ông bà hiện đã lập gia đình riêng, có cuộc sống đủ đầy, biết yêu thương và chia sẻ với mọi người. Nhiều năm liền, thậm chí trong đại dịch Covid-19, cả gia đình con gái, con rể và cháu ngoại ông bà đều tham gia từ thiện, hiến máu nhân đạo…

Từ những câu chuyện của các gia đình như bà Nguyễn Thị Ngà và bác sĩ Kim Lan, có thể thấy, hạnh phúc không phải đến từ việc sinh con trai hay con gái mà chính từ nỗ lực cùng nhau vun đắp hạnh phúc gia đình, giáo dục con cái như thế nào. Bởi gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc giúp mọi người trưởng thành. Gia đình có hạnh phúc, lành mạnh thì xã hội mới phát triển bền vững, trẻ em gái xứng đáng được đón nhận nền giáo dục, bảo vệ tốt, vì một thế giới tương lai tốt đẹp hơn. Muốn có được điều đó, Đảng, Nhà nước và các cấp ngành đoàn thể, trong đó có Hội Phụ nữ cần tích cực tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân, đồng thời có nhiều biện pháp quan tâm, đầu tư, chăm sóc, giáo dục, yêu thương trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới trong xã hội…

ĐOÀN MAI - HOÀNG BẢY
Khu dân cư 12 – Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Nâng cao hiểu biết cho người lao động

Nâng cao hiểu biết cho người lao động

(PNTĐ) - Đa phần công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố đến từ các tỉnh/thành. Trong bối cảnh thế giới ảo đang có sức hút lớn, kênh giải trí chủ yếu của nhiều công nhân lao động là internet, rất cần có các hoạt động để nâng cao hiểu biết pháp luật, chăm lo đời sống tinh thần, tập hợp, thu hút, định hướng tư tưởng công nhân lao động.