Yêu thương kết trái

HẢI NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày về chung nhà với anh, chị Nhung không chỉ học làm vợ, làm dâu mà còn học làm mẹ của một đứa trẻ bướng bỉnh. Bé trai lúc đó mới chỉ 5 tuổi, đôi mắt to tròn luôn nhìn chị với vẻ nghi ngờ và xa cách.

Chị Nhung ngồi bên cửa sổ căn phòng nhỏ, ánh nắng chiều tà dịu nhẹ lướt qua làn tóc mềm mại, phảng phất mùi hương của sữa tắm mới. Chị nhìn qua sân chơi, Huy - cậu con trai riêng của chồng đang say sưa với trái bóng cùng bé út. Huy vừa trở về nhà sau gần nửa tháng ở lại trường nội trú để ôn thi hết học kỳ. Gần chục năm về chung nhà cùng anh, chưa bao giờ chị thấy thoải mái, hạnh phúc như giây phút này…

Chị Nhung và anh Minh là mối tình đầu của nhau từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhung vẫn nhớ như in ngày chị gặp anh Minh tại quán cà phê nhỏ nằm ven đường, nơi chị thường đến để thưởng thức món bánh mì yêu thích. Hai người cùng học một trường đại học, nhưng chưa bao giờ nói chuyện cho tới khi anh Minh vô tình nhận lầm chị là bạn của mình.

Tình yêu thủa học trò, trong sáng nhưng cũng thật sâu sắc. Thế nhưng, cuộc sống không như một cuốn tiểu thuyết ngôn tình, tình yêu của họ bị chia cắt khi anh Minh cùng gia đình chuyển vào Sài Gòn để mở rộng kinh doanh. Dù vẫn còn yêu nhưng thời gian, khoảng cách dần dần đã xóa nhòa mọi thứ.

10 năm sau, hai người gặp lại nhau, khi chị Nhung vẫn còn đang độc thân và anh Minh đã trải qua một cuộc hôn nhân đổ vỡ. Người vợ cũ định cư bên xứ người, anh dành quyền nuôi con trai nhỏ 5 tuổi. Gặp lại nhau, tình cảm ngày nào như ngọn lửa bùng cháy khiến cặp đôi không muốn bỏ lỡ nhau thêm lần nào nữa.

Yêu thương kết trái  - ảnh 1
Ảnh minh họa

Nhưng gia đình chị Nhung không dễ dàng chấp nhận mối quan hệ này. Họ lo lắng cho tương lai của chị, họ không muốn con gái phải bước vào một cuộc hôn nhân với bộn bề lo nghĩ về “con anh, con chúng ta”. Nhưng chị Nhung, với trái tim đầy tình yêu và sự quyết đoán, đã bỏ qua mọi lời khuyên bảo để đến với anh Minh.

Tình yêu của chị không phải vì sự nồng thắm hay rung động vụng dại của tuổi trẻ, mà muốn được gắn bó ở bên nhau lâu dài. Anh Minh là một người đàn ông của gia đình, chị nhìn thấy ở anh sự chân thành, trách nhiệm và điều đó khiến chị cảm thấy an tâm.

Ngày đầu tiên chị Nhung gặp Huy, cậu bé tỏ ra khá dè dặt. Ánh mắt trong trẻo của Huy nhìn chị với nhiều nghi ngờ và cảm giác không thân thiện. Tuy vậy, chị không hề nản lòng, chị đã dùng hết tình thương và sự kiên trì của mình để dần dần làm quen và xây dựng mối quan hệ với cậu bé.

Huy luôn khiến chị Nhung đau đầu với những trò quậy phá của mình, như việc không chịu ngồi vào bàn học hay thích ra ngoài chạy nhảy cùng bạn bè. Những lúc ông xã công tác xa nhà, mọi việc dường như trở nên khó khăn hơn bội phần. Người giúp việc dù có mặt nhưng cũng chỉ có thể giúp đỡ cô trong những công việc hàng ngày, chứ không thể thay thế được sự quan tâm, dạy dỗ bé Huy.

Có lần chị Nhung nói với bé Huy: “Sao con không nghe lời dì một chút nào hết. Dì đều muốn tốt cho con, nhưng nếu con không muốn thì để bố về xử lý”. Nhưng dường như Huy chỉ muốn nghe theo ý của mình và đáp lại: "Dì không phải là mẹ của con, con chỉ nghe lời bố thôi”.

Nói xong rồi Huy chạy đi. Chị Nhung nhìn theo bóng lưng nhỏ nhắn, niềm thất vọng lẫn lộn trong ánh mắt mệt mỏi. Đứa trẻ mới chỉ vài tuổi, nhưng đã tỏ ra ngang ngạnh và đầy bướng bỉnh, không chịu nghe lời ai. Cái tình cảnh này khiến chị cảm thấy vô cùng bất lực, nhưng dù trong lòng có chạm đến cảm giác tuyệt vọng, chị vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Chị không nói với chồng vì chắc chắn anh sẽ nổi giận và trừng phạt Huy một cách nghiêm khắc. Chị biết, những lần như vậy chỉ khiến cậu bé cảm thấy bị tổn thương, trở nên cứng đầu hơn và xa cách hơn với gia đình mình.

Ngày qua ngày, chị Nhung vẫn kiên nhẫn, vun đắp tình cảm với Huy để cậu bé có thể đón nhận một cách thoải mái nhất. Vào những ngày rảnh rỗi, chị thường lên kế hoạch cho bé đi chơi, xem phim, mua sắm… hay ăn những món sở trường. Thế nhưng, cậu bé lại không hợp tác.

Yêu thương kết trái  - ảnh 2
Ảnh minh họa

Không chỉ thế, chị Nhung còn rất quan tâm đến chuyện học hành của Huy. Ngày Huy đi học mầm non, chị Nhung trăn trở thức cả đêm lựa trường tốt. Đến tuổi Huy đi học lớp 1, cũng một tay chị dẫn đến trường, chưa kể học thêm các môn võ, đá bóng, ngoại ngữ, một tuần đưa đón không biết bao nhiêu lần.

Huy lên cấp 2, thì hai đứa em cũng học mầm non và lớp 1. Nhưng không vì thế mà chị Nhung bớt quan tâm đến Huy. Chị nhớ lại những buổi sáng giục Huy dậy đi học, cậu bé thường giả vờ ngủ nướng để trốn tránh việc rời khỏi giường. Bữa sáng thì cậu thường chỉ lướt qua, một miếng bánh mì vội vàng hoặc là cốc sữa không hết. Bài tập về nhà thì đầy rẫy lỗi sai, chẳng chịu ngồi yên để học hành mà cứ mải mê xem tivi, chơi game.

Vào một hôm, chị quyết định nói chuyện nghiêm túc với Huy.

- Dì cảm thấy đã đến lúc chúng ta cần phải có một cuộc trò chuyện thực sự nghiêm túc và chân thành. Bây giờ con lớn rồi cần phải hiểu chuyện. Từ khi con còn nhỏ, bố và dì luôn dành trọn vẹn tình yêu thương và sự chăm sóc cho con, không bao giờ để con cảm thấy thiếu thốn bất cứ điều gì. Dì cũng không ngừng nỗ lực để đối xử công bằng, yêu thương con như hai đứa em, không hề có sự phân biệt nào. Tuy nhiên, có vẻ như thái độ của con khiến bố và dì lo lắng. Tại sao lúc nào con cũng bất cần, ngang bướng và không chịu chia sẻ, kết nối với mọi người trong gia đình vậy? Nếu dì sai ở đâu thì con cho dì viết để dì sửa. Còn không thì dì mong con hợp tác với dì. Chúng ta cùng cố gắng để có một gia đình đoàn kết và hạnh phúc, không chỉ cho con mà còn cho bố con và các em nữa. Con không muốn bố và em mình buồn, phải không?

Huy ngồi lặng yên không nói. Tuy vậy, kể từ ngày hôm sau đó, cậu dần dần mở lòng và biết nghe lời hơn. Huy ngày càng chăm chỉ ngồi vào bàn học, chú tâm lắng nghe những lời dạy bảo của dì, và ngạc nhiên thay, cậu còn bắt đầu thấy thích thú với những bài học. Tuy nhiên, Huy vẫn mải chơi mà không để ý đến thời gian, khiến chị Nhung không ít lần phải nhắc nhở.

Khi cậu bé lên lớp 9, anh Minh đăng ký cho Huy học một trường nội trú chất lượng trong thành phố. Anh hy vọng môi trường mới sẽ giúp Huy trưởng thành, học hỏi được nhiều bài học quý giá trong cuộc sống.

Một chiều cuối thu, khi ánh nắng nhạt nhòa qua khung cửa, tiếng chuông điện thoại của chị Nhung vang lên. Là Huy gọi từ trường nội trú. Cuộc trò chuyện ngắn ngủi nhưng đầy ấm áp. Và cuối cùng, trước khi cúp máy, Huy bất ngờ nói một câu khi nghe chị Nhung dặn dò: "Con biết rồi mẹ ạ". Từ “mẹ” thốt ra, cùng giọng nói trầm ấm và chứa chan tình cảm của cậu khiến chị Nhung rưng rưng.

Câu nói ấy, như một làn gió mới, thổi bay đi bao mệt nhọc và muộn phiền, nhắc nhở chị Nhung rằng, tất cả những yêu thương và lo lắng của ngày hôm qua dành cho cậu con trai bướng bỉnh của chồng đều là xứng đáng.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chỗ dựa cuối đời

Chỗ dựa cuối đời

(PNTĐ) - Bà và cô con gái khuyết tật sống ở một căn hộ hơn 10m2 ở khu tập thể cũ. Ai đó có thể nghĩ căn hộ đó chật chội, bí bách nhưng với bà đó là cả một gia tài. Bà vẫn bảo, đây là chỗ dựa cuối đời của mẹ con bà.
Phút bình yên

Phút bình yên

(PNTĐ) - Buổi sáng Chủ nhật, chị Là bế trên tay đứa trẻ ngoài 3 tháng tuổi ra hiên ngồi sau những ngày mưa bão mịt mù. Người trong ngõ nhỏ đi qua đi lại nhìn chị mỉm cười thân thiện, âu yếm nựng đứa trẻ. Chị tươi cười, ánh mắt tràn đầy niềm vui.
Người bạn 4 chân

Người bạn 4 chân

(PNTĐ) - Đang ngồi “sầu não” vì trời mưa gió, cửa hàng quần áo không có khách, bỗng Phương Linh nhận được tin nhắn của bố: “Con ơi, có con cún này lạc từ đầu hè không ai nhận này. Bố muốn liên hệ với trạm cứu hộ chứ nhìn nó tội quá”.