Yêu thương, sẻ chia làm nên nếp nhà vững chắc

Nguyễn Thị Bích Vân
Chia sẻ

(PNTĐ) -Tôi là Nguyễn Thị Bích Vân, cán bộ Hội Phụ nữ huyện Thạch Thất. Cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” với chủ đề “Xây chắc nếp nhà” lần thứ XIII năm 2023 do Hội LHPN Hà Nội phối hợp với tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức trên Báo Phụ nữ Thủ đô là một chủ đề thiết thực, gần gũi với đời sống. Chủ đề của cuộc thi cũng mang tính thời sự, trong bối cảnh cuộc sống hiện đại, sự phát triển của mạng xã hội đang ít nhiều ảnh hưởng tới tính bền vững của nếp nhà.

Theo tôi, muốn “Xây chắc nếp nhà” thì các thành viên trong gia đình phải đoàn kết, chia sẻ, thẳng thắn, trách nhiệm. Khi mẹ chồng, nàng dâu hòa thuận, không khí gia đình yên ấm, cùng nhau xây dựng gia đình, chăm sóc con cái sẽ tạo nên một gia đình tốt. Mỗi một gia đình tốt sẽ tạo một xã hội tốt. 

Song trên thực tế, tại một số gia đình mà tôi quan sát, mẹ chồng - nàng dâu đôi lúc chưa được hòa thuận. Có mẹ chồng theo tư tưởng xưa, ganh tỵ vì con trai yêu thương thêm một người khác, con dâu về còn nhiều điều chưa được ý trong ứng xử, việc làm, phần nữa là kinh tế cũng bị san sẻ sang con dâu. Về phía con dâu, có người lại có cái tôi quá cao, nghĩ rằng kiếm ra tiền thì không phải kiêng nể ai… Khi về nhà chồng cho rằng việc nhà, chăm sóc con cái là việc bố mẹ chồng đương nhiên phải làm. Có nhiều cô dâu vẫn mang tâm lý việc nhà chồng thì hời hợt, việc nhà ngoại thì siêng năng. Có cô con dâu nghĩ rằng đưa cho mẹ chồng tiền tiêu hàng tháng là hoàn thành nghĩa vụ. Tất cả các cách ứng xử đó theo tôi đều không đúng và sẽ không thể góp phần xây chắc nếp nhà. 

Yêu thương, sẻ chia làm nên nếp nhà vững chắc - ảnh 1
Chị Nguyễn Thị Bích Vân (phải) và mẹ chồng (ảnh: NVCC)

Tôi đi lấy chồng đến nay là gần 8 năm nhưng chưa hề xảy ra một lời to tiếng hay một khúc mắc quá mức nào để dẫn đến xung đột với mẹ chồng. Hai mẹ con tôi luôn ở với nhau hòa thuận. Bản thân tôi là người ít nói nhưng thân thiện, dễ hòa đồng với môi trường mới. Nhà chồng tôi cách nhà ngoại 10km, một khoảng cách không xa nhưng thời gian đầu vẫn là một nơi lạ lẫm, khác biệt so với bên ngoại, nên tôi không tránh khỏi sự bỡ ngỡ. Vì vậy, tôi đã cố gắng làm quen với nếp sống mới ở nhà chồng.

Tôi luôn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của một người con dâu trong gia đình. Tôi cũng luôn thầm biết ơn vì bố mẹ chồng đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho tôi bằng cách hỗ trợ tôi chăm sóc con cái, nhà cửa giúp tôi chứ không nghĩ đó là trách nhiệm của bố mẹ. Thi thoảng, có những lúc bố mẹ chưa thực sự hiểu mình, tôi cũng không bao giờ chấp nhặt để rồi đôi co, khó chịu làm không khí gia đình căng thẳng. Tôi cũng không bao giờ vì mâu thuẫn với chồng mà bực tức với cả bố mẹ chồng. Tôi phân biệt rất rõ vấn đề giữa 2 vợ chồng là của 2 vợ chồng, còn với bố mẹ thì vẫn phải luôn luôn có sự tôn trọng bề trên. 

 Mẹ chồng tôi cũng vậy, luôn chia sẻ, biết cảm thông cho con dâu. Bố mẹ chồng tạo điều kiện cho chúng tôi trong việc chăm sóc con cái, nhà cửa, ruộng vườn. Dù vậy, tôi vẫn không ỷ lại mà luôn chủ động trong những việc mình có thể làm. Và dù tôi có bận rộn với công việc thì cũng luôn chủ động chuẩn bị đồ ăn cho cho gia đình, cho các con đầy đủ, nhờ mẹ chồng giúp khi mình bận công việc phải đi sớm về muộn. Tôi luôn đóng góp một chút kinh phí để san sẻ bớt cùng ông bà khi vào mùa vụ cần thuê người hay khi gia đình có công việc giỗ, Tết… Khi kinh tế dư dả có thể động viên tinh thần ông bà một chút gọi là sự báo hiếu. Bố mẹ chồng tôi cũng luôn mở lòng đón nhận tình cảm của các con và không bao giờ quan trọng việc con đưa tiền nhiều hay ít. 

Yêu thương, sẻ chia làm nên nếp nhà vững chắc - ảnh 2
Ảnh minh họa

Tôi thấy rằng, thế hệ các mẹ, các bà là những người chịu nhiều thiệt thòi về cả mặt vật chất lẫn tinh thần. Bản thân tôi là người phụ nữ hiện đại, có kiến thức, có sự tự tin, thực sự cảm thông đối với sự vất vả mà người mẹ thế hệ cũ đã phải chịu, để từ đó không có cái nhìn quá ác cảm về vấn đề mẹ chồng nàng dâu. Tuy nhiên mẹ chồng cũng phải hiểu cho con dâu, có thể còn trẻ người non dạ, chưa biết lo việc gia đình khi mới về (đặc biệt là các nàng dâu lấy chồng xa), cần cho các con thời gian làm quen. Mẹ chồng nên góp ý cho con nhẹ nhàng để con sửa đổi tốt hơn, chứ không nói kiểu chê bai, nói móc, khi đó con dâu mới tiếp nhận được những gì mẹ chồng góp ý để chỉnh sửa dần.

Trong gia đình tôi, nhiều năm qua, vẫn giữ nếp cả nhà cùng ăn chung ngày 3 bữa. Vì vậy mà các thành viên trong gia đình tôi luôn được hưởng không khí sum họp, quây quần đầm ấm. Tôi là người khá thẳng tính, đơn giản hóa mọi vấn đề, việc ở chung với bố mẹ chồng tôi không cảm thấy khó khăn. Khi có gì không đúng bố mẹ góp ý, bản thân tôi cũng kiểm điểm lại và nghiêm túc chỉnh sửa. Trong gia đình tôi, mọi người cũng luôn thẳng thắn, sẵn sàng nói ra suy nghĩ của mình. Khi có khúc mắc sẽ cùng nhau giải tỏa chứ không để bụng, nói xấu sau lưng. Chúng tôi luôn quan niệm, cuộc sống gia đình khó tránh khỏi mâu thuẫn, va chạm, sự khác biệt về thế hệ, tư duy nhưng quan trọng là tất cả đều cùng hướng tới mục tiêu xây dựng hạnh phúc chung. 
Có thể do bản thân tôi may mắn khi gặp được bố mẹ chồng hiểu, thông cảm cho con dâu nên mọi chuyện đều trở nên dễ dàng hơn. Tôi biết ở một số nhà, việc sống chung cũng như giải quyết các mối quan hệ giữa các thành viên không đơn giản. Nhiều cặp vợ chồng nhanh chóng ly hôn sau thời gian ngắn kết hôn, nhiều mẹ chồng - nàng dâu không thể ở chung, nhiều bố mẹ-các con không hòa hợp, không tìm được tiếng nói chung. Tất cả những điều đó đều ảnh hưởng tới  tính bền vững của nếp nhà. 

Tôi tin rằng, nếp nhà Việt Nam dù ở thời điểm nào cũng sẽ luôn vững chắc nếu các thành viên trong gia đình có sự chia sẻ, thẳng thắn, cảm thông, có tinh thần trách nhiệm với nhau. Ở đó, mỗi người, dù là ông, bà, bố, mẹ, con, cháu… biết giảm đi cái tôi của bản thân, biết nghĩ cho nhau nhiều hơn và cùng nhau vun đắp hạnh phúc.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tưởng chung mà hóa... riêng

Tưởng chung mà hóa... riêng

(PNTĐ) - Có những tài sản, khoản nợ hình thành trong hôn nhân, được biết bởi cả hai vợ chồng nhưng lại không phải là tài sản và nợ chung. Vì vậy, quyền sở hữu tài sản hay trách nhiệm trả nợ lại chỉ thuộc 1 trong 2 bên.
Một ngày hai lần làm giỗ cha...

Một ngày hai lần làm giỗ cha...

(PNTĐ) - Cứ đến ngày giỗ ông Thành là đám con cháu, họ hàng thân tộc nhà ông lại nhộn nhịp vào ra ăn cỗ hết nhà con trai trưởng đến nhà con trai thứ. Cỗ nhà nào cũng to, khách mời không kém nhau một người. Ai ăn cỗ nhà anh con trưởng mà không vào ăn cỗ ở nhà con trai thứ hoặc ngược lại thì thế nào ngày mai cũng… to chuyện.
Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

(PNTĐ) - Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...
Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

(PNTĐ) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực thăm hỏi, tri ân các các nữ thương binh, vợ liệt sỹ gia đình có công, san sẻ khó khăn với phụ nữ... Các hoạt động đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đồng thời khơi dậy khát vọng cùng góp sức xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.