Cách xử trí khi bị ngộ độc thực phẩm
PNTĐ-Ngộ độc thực phẩm là “sự cố” hay gặp trong những ngày Tết. Các bác sĩ ở Trung tâm chống độc – BV Bạch Mai khuyến cáo về cách xử lý nhanh ngộ độc thực phẩm tại nhà như sau.
Đầu tiên cần xác định nguyên nhân gây nên ngộ độc thực phẩm đó là gì và như thế nào? Có phải là do thực phẩm nhiễm khuẩn, hóa chất độc hại hay là thực phẩm để qua ngày, không giữ được nhiệt độ phù hợp hay thức ăn nấu chưa chín có thể dẫn tới ngộ độc.
Nhận biết những triệu chứng ngộ độc thực phẩm: chóng mặt buồn nôn, ói, tiêu chảy, đau bụng. Thông thường các triệu chứng này bộc phát sau khoảng 3-4 giờ sau khi ăn nhầm thực phẩm bị hỏng.
Bù nước và thức ăn phù hợp. Đó là lời khuyên của các chuyên gia y tế đối với các trường hợp bị ngộ độc thực phẩm. Khi bị ngộ độc thực phẩm người ta thường bị mất nước do tiêu chảy và nôn. Điều quan trọng nhất khi giúp đỡ người bị ngộ độc không bị mất quá nhiều nước. Việc mất nước sẽ khiến người bệnh mệt mỏi, trụy tim, suy hô hấp…
Đối với người bệnh bị tiêu chảy nhiều, nên cho uống nước muối sinh lý. Có thể bổ sung dưỡng chất cho người bị ngộ độc thực phẩm bằng những bữa ăn chia nhỏ, dùng các loại thực phẩm dễ tiêu như cháo, súp, không bia rượu, cà phê… Nếu tình trạng mất nước trở nên nghiêm trọng với các triệu chứng: chóng mặt, mờ mắt, không đi ngoài dù rất bụng đau thì bạn cần được đưa tới bệnh viện ngay.
Để phòng bệnh cần ăn uống hợp lý, không ăn đồ tái, cần giữ thực phẩm tươi sống, chế biến hợp vệ sinh, không để thực phẩm ra ngoài quá lâu trước khi chế biến hoặc rã đông… Luôn rửa sạch tay trước khi làm bếp, sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
PV